Chủ động từ sớm cho mùa tuyển sinh đại học năm 2025

Năm 2025 là năm thi tốt nghiệp THPT của những học sinh đầu tiên học theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Dù mới chỉ kết thúc học kỳ I năm học 2024 - 2025, nhiều học sinh lớp 12 đã băn khoăn, lo lắng việc chọn ngành, nghề. Bên cạnh những em đã chọn hướng đi phù hợp, thì vẫn có không ít em vẫn còn do dự trước ngưỡng cửa quyết định tương lai cuộc đời mình.THỊ TRƯỜNG 'CHUỘNG' LAO ĐỘNG TAY NGHỀ

Bài toán việc làm, cung cầu lao động không bao giờ là hết “nóng” trong các mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bởi với học sinh lớp 12, trong rất nhiều câu hỏi thì vấn đề chính là liệu ngành, nghề chọn lựa có phù hợp hay không, chi phí gia đình cho việc học, việc làm…

Học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Bình trong giờ học.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Bình trong giờ học.

Chính vì vậy mà học sinh cần phải suy nghĩ sao cho thật kỹ trước khi đưa ra quyết định của mình. Theo đó, cái khó của nhiều học sinh lớp 12 hiện nay là các em đang “rối”, chưa định vị được mình là thích làm gì, từ đó chưa xác định được sở trường của bản thân.

Em Nguyễn Thị Minh Thư, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Em và các bạn thường xuyên theo dõi thông tin ở các trường, băn khoăn lớn nhất của em là cùng một ngành nghề đào tạo, thế nhưng có rất nhiều trường tuyển sinh.

Như vậy, học sinh phải căn cứ vào đâu để chọn trường cho phù hợp với khả năng của bản thân”. Còn với em Nguyễn Trọng Tuấn, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Nhiều năm nay, xu hướng chọn ngành “hot” theo đám đông vẫn còn. Liệu các ngành “hot” sẽ còn “hot” nữa không trong tương lai, mặc dù các ngành chức năng đã dự báo nhu cầu nguồn nhân lực các ngành, nghề”.

Theo nhiều hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thực tiễn trong công tác tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, khi một đất nước phát triển, bất cứ ngành, nghề nào cũng có vai trò quan trọng kể cả lĩnh vực tự nhiên hay xã hội, không có khái niệm ngành, nghề “hot”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thị trường lao động hiện nay đang rất khắt khe, đòi hỏi trình độ chuyên môn hóa ngày càng cao.

Thật vậy, theo Thạc sĩ Đinh Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường Đại học Tiền Giang, thực tế cho thấy, câu chuyện tìm kiếm việc làm của sinh viên ra trường ngoài yếu tố chuyên môn thì còn phụ thuộc rất nhiều vào các kỹ năng khác như: Kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, giải quyết vấn đề…

Nhà tuyển dụng sẽ sẵn sàng đào thải hoặc từ chối nhận việc đối với lao động kém chuyên môn, không có kỹ năng. Những năm qua, nhà trường đã cùng “bắt tay” với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, tỷ lệ sinh viên của nhà trường ra trường có việc làm mỗi năm đều đạt trên 90%.

Tại tỉnh Tiền Giang, qua phân tích cũng như đánh giá, thị trường lao động cho thấy, trong năm 2025 cũng như trong thời gian tới, thị trường lao động cả nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng sẽ tiếp tục tăng mạnh do quá trình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ. Đối với nhu cầu tuyển dụng có trình độ chuyên môn tập trung vào các nhóm ngành, nghề như: Kinh tế, tài chính, kế toán, cơ khí, phiên dịch, du lịch, công nghệ thông tin, điện tử…

CHỦ ĐỘNG TỪ SỚM

Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã được công bố. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ I, 38 cơ sở giáo dục THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã cho học sinh thực hiện chương trình học kỳ II. Trong đó, học sinh lớp 12 vừa học, vừa ôn thi.

Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho năm nay có 864 học sinh khối 12. Nắm bắt được tầm quan trọng của kỳ thi, ngay từ tháng đầu tiên của năm học, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học cho học sinh khối 12.

Nhiều cơ hội khi học nghề ở tỉnh Tiền Giang

Những năm qua, chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp nghề tại 26 cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh được nhà tuyển dụng, doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Nhiều ngành, nghề có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên 90%, trong đó, có nhiều ngành đạt tỷ lệ tới 100%.

Đa số các học viên theo học tại trường nghề trên địa bàn tỉnh khi ra trường đều có việc làm và thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Hiệu trưởng nhà trường Võ Hoài Nhân Trung chia sẻ: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây với nhiều điểm mới. Chính vì vậy, trường phải chủ động từ sớm. Kỳ thi học kỳ vừa qua được xem là đợt tập dượt quan trọng cho học sinh lớp 12.

Trong học kỳ II sắp tới, thông qua kết quả học kỳ I và qua kiểm tra, đánh giá thường xuyên, các giáo viên sẽ biết được học sinh còn yếu những mảng kiến thức nào, từ đó kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp”.

Với môn Ngữ Văn là môn đặc thù thi với hình thức tự luận, đòi hỏi nhiều kiến thức vận dụng thực tế, cô Trương Thị Châu Minh, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Mỹ Tho) có những lời khuyên dành cho học sinh: “Ngữ liệu trong đề dự kiến sẽ nằm ngoài sách giáo khoa, chính vì vậy, học sinh cần chú trọng dạy kỹ năng làm bài, xử lý các câu hỏi thay vì “học vẹt” kiến thức.

Bên cạnh những kiến thức mà giáo viên đã truyền đạt trên lớp, thì học sinh cần theo dõi tình hình thời sự diễn ra trong cuộc sống hằng ngày bằng việc xem sách, báo, theo dõi thông tin thời sự qua tivi...

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, qua thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy, toàn tỉnh có 36 tổ hợp môn học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025, với 16.639 nguyện vọng. Trong đó, hai tổ hợp môn đăng ký nhiều nhất là: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý (22,71%) và Toán, Ngữ Văn, Vật lý, Hóa học (19,92%).

Năm học 2024 - 2025, toàn ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang có trên 18.000 học sinh khối 12. Những năm gần đây, tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp THPT cũng như tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học luôn nằm trong tốp đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hy vọng rằng với chiến lược đúng đắn, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang sẽ gặt hái nhiều thành tích trong mùa tuyển sinh năm 2025.

Đ.PHI - HỒNG NGỌC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202501/chu-dong-tu-som-cho-mua-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-1031638/