Chủ động ứng phó dịch cúm gia cầm

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu tháng 1 đến nay, đã xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm (DCGC) tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ với các chủng vi-rút: cúm A/H5N1 ở Ấn Độ, Trung Quốc; cúm A/H5N6 ở Ni-giê-ri-a; cúm A/H5N8 tại CH Séc, Đức, Hung-ga-ri, Ba Lan, Xlô-va-ki-a, Nam Phi... Tại nước ta, hiện có một số ổ DCGC A/H5N6 ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), các huyện Nông Cống, Quảng Xương (Thanh Hóa)...

Ngành chức năng đã chủ động lấy 3.966 mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố gộp từ 19.830 con gia cầm, qua xét nghiệm, tỷ lệ dương tính với vi-rút cúm A là 37,72%, trong đó, dương tính với cúm A/H5N1 là 1,19%; A/H5N6 là 1,82%. Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới DCGC có nguy cơ bùng phát bởi các nguyên nhân như: tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con), mật độ chăn nuôi gia cầm cao, thời tiết thay đổi bất lợi; việc tổ chức tiêm vắc-xin cúm cho đàn gia cầm ở một số nơi đạt tỷ lệ thấp, nhất là đối với chăn nuôi nông hộ... Do vậy, khả năng vi-rút cúm A/H7N9 và một số chủng vi-rút khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là rất cao, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 - chủng mới của vi-rút corona (trước đây gọi là nCoV) gây ra.

Để ứng phó DCGC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện số 735/CĐ-BNN-TY yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DCGC. Theo đó, các địa phương bảo đảm quy trình dịch tễ, chăm sóc, chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học. Chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc-xin. Tiêm vắc-xin phòng cúm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ ít nhất là 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng. Trong quý I-2020, tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, Bộ cũng có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị tổ chức ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm lậu vào Việt Nam. Bên cạnh đó các chuyên gia chăn nuôi - thú y cũng khuyến cáo, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra các bãi rác, kênh mương, kịp thời xử lý xác gia cầm chết trôi nổi, không rõ nguồn gốc (nếu có). Sớm phát hiện dịch bệnh trên đàn gia cầm, có biện pháp ngăn chặn không để lây lan trên diện rộng. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi; tổ chức các lớp tập huấn để người dân chủ động phòng, chống DCGC ngay từ chuồng nuôi. Các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết. Người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm gia cầm nên mua từ các cơ sở bán rõ nguồn gốc, cơ sở giết mổ đã được cơ quan chuyên môn kiểm tra.

HIỀN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43241002-chu-dong-ung-pho-dich-cum-gia-cam.html