Chủ động ứng phó siêu bão Yagi từ 'bài học Katrina'

Các cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao diễn biến của siêu bão số 3 - Yagi. Bão Yagi cũng được cho là có nhiều nét tương đồng với siêu bão Katrina gây thảm họa lớn cho nước Mỹ năm 2005.

Những diễn biến "bất thường" tương đồng 2 siêu bão

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 15h ngày 5/9 vị trí tâm bão số 3 - Yagi vào khoảng 19.2 độ Vĩ Bắc; 115.2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất: Cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.

Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, từ khoảng đêm 6/9 đến sáng 9/9, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 300mm, có nơi trên 500mm.

Theo nhiều chuyên gia khí tượng đánh giá, bão Yagi có một số nét tương đồng với cơn bão Katrina tàn phá 5 bang ven Vịnh Mexico và gây ra một trong những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất lịch sử nước Mỹ.

Bão Yagi và Katrina đều có tốc độ tăng cấp nhanh chóng, với sức gió giật dự báo trên 200km/h. Một khách sạn tan hoang sau khi bão Katrina đổ bộ đất liền. (Ảnh: AP)

Bão Yagi và Katrina đều có tốc độ tăng cấp nhanh chóng, với sức gió giật dự báo trên 200km/h. Một khách sạn tan hoang sau khi bão Katrina đổ bộ đất liền. (Ảnh: AP)

Theo đó, cả 2 cơn bão Yagi và Katrina đều có diến biến khó lường mang tính bất thường, khi nhanh chóng tăng cấp thành siêu bão sau khi vượt qua khu vực "đất liền".

Cụ thể, ban đầu bão Katrina chỉ là cơn bão cấp 1 ôn hòa. Thực tế, sau khi tràn qua bang Florida, Mỹ do ma sát với khu vực đất liền nên bão Katrina suy yếu và được tái phân loại thành bão nhiệt đới thông thường.

Tuy nhiên, bất ngờ ngày 26/8, bão Katrina bất ngờ mạnh lên nhanh chóng và thành bão cuồng phong - siêu bão mạnh cấp 5 vào ngày 28/8, với tốc độ gió giật lên tới 280 km/h. Khi đổ bộ vào nước Mỹ, bão Katrina ghi nhận sức gió giật lên tới 205 km/h, tàn phá dữ dội 5 bang ở ven Vịnh Mexico gây tình trạng ngập lụt, tê liệt tại nhiều khu vực.

Theo thống kê, cơn bão Katrina đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1.400 người và gây tổng thiệt hại kinh tế khoảng 180 tỷ USD, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ.

Tương tự như Katrina, bão Yagi hình thành ngoài khơi phía Đông Philippines, sau khi đổ bộ vào Philippines khiến ít nhất 14 người thiệt mạng do sạt lở đất, lũ lụt và nước sông dâng cao. Tới ngày 3/9, bão Yagi suy yếu, khi ghi nhận sức gió 85km/giờ, tương đương cấp 8 tiến vào biển Đông với tốc độ 25km/giờ.

Bão Yagi tăng cấp nhanh chóng sau khi tiến vào biển Đông. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia).

Bão Yagi tăng cấp nhanh chóng sau khi tiến vào biển Đông. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia).

Tuy nhiên, đến 7h sáng nay (5/9), chỉ sau 2 ngày, bão Yagi đã tăng 7 cấp, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển chậm theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10km/h.

Lý giải về nguyên nhân bão Yagi tăng cấp nhanh chóng, tại buổi thông tin về công tác ứng phó với bão số 3 (tên quốc tế Yagi), ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay nhiệt độ ở Bắc Biển Đông đang rất cao (31 độ C), duy trì nhiều ngày và từ lâu chưa có bão trên biển Đông nên năng lượng biển cũng như độ ẩm đều thuận lợi để bão phát triển. Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân giúp bão Katrina tăng cấp độ nhanh chóng và thành siêu bão trên vịnh Mexico sau khi tràn qua bang Florida và suy yếu.

Bên cạnh đó, các điều kiện về hoàn lưu khí quyển, khí áp, dòng dẫn cũng đều rất thuận lợi để bão tăng cấp và sẽ còn tăng cấp trong thời gian tới.

Đường đi của bão Katrina. (Ảnh: Wiki).

Đường đi của bão Katrina. (Ảnh: Wiki).

"Trong vòng 24-48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục tăng cấp, cường độ cực đại của bão sẽ rơi vào chiều 6/9, trước khi vào đảo Hải Nam, Trung Quốc. Bão Yagi là cơn bão có cường độ mạnh trong 10 năm qua. Do đó các tàu thuyền trên biển cần sớm vào nơi tránh, trú bão an toàn. Người dân cần chủ động chằng chống nhà cửa để phòng, chống bão, tránh việc lơ là chủ quan", ông Lâm nhận định

Chủ động các phương án phòng chống

Theo ông Lâm, các dự báo về quỹ đạo và xu hướng của bão Yagi giữ nguyên so với những ngày trước đó nhưng độ mạnh nhất về bão có nhận định tăng hơn so với trước đây.

Cụ thể đến chiều 6/9, bão số 3 có thể đạt cường độ mạnh nhất giật cấp 17, vị trí ở phía Đông đảo Hải Nam, Trung Quốc. Sau đấy do ma sát, tiếp xúc với đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão số 3 sẽ suy yếu khi vào Vịnh Bắc Bộ.

"Khi bão số 3 vào Vịnh Bắc Bộ, chúng tôi nhận định bão sẽ tăng cấp. Khả năng 70-80% bão Yagi sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ nhưng vẫn có khoảng 20-30% khả năng bão vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc)", ông Lâm nói.

Dự báo gió giật mạnh và nước biển dâng cao tại các khu vực ven biển nước ta khi bão Yagi đổ bộ.

Dự báo gió giật mạnh và nước biển dâng cao tại các khu vực ven biển nước ta khi bão Yagi đổ bộ.

Theo dự báo, đêm 6/9, bão số 3 sẽ vào Vịnh Bắc Bộ và từ rạng sáng đến trưa 7/9, khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh, mưa tăng rõ rệt. Đêm ngày 7 và sáng 8/9 là cao điểm của mưa to và gió mạnh trong đất liền.

Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, bão số 3 diễn biến "bất thường" tăng cấp liên tục vì vậy lưu ý, người dân các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên và cả phía Đông Hà Nội nên chuẩn bị trước các phương án.

Theo đó, người dân nên chủ động chằng chéo nhà cửa, gia cố mái ngói, mái tôn bằng cách đặt các túi nước khoảng 20 lít đến 30 lít, cho vào các bao tải và bơm nước, buộc chặt, cố định bằng dây hoặc không bơm nước quá đầy để tạo thế nằm vững chãi cho các bao nước.

"Trong vài ngày tới trời miền Bắc sẽ oi nóng do bão hút hết hơi ẩm vào tâm. Vì vậy, ngươi dân không thấy nắng nóng mà lơ là, chủ quan. Dự báo, đêm 7/9 và sáng 8/9 là thời gian bão quần thảo trong đất liền với gió rít, mưa trút nước. Nhiều đô thị có thể bị ngập lụt do cơn bão bởi lượng mưa dự kiến rất lớn", TS Nguyễn Ngọc Huy cảnh báo.

Ngày 4/9, trao đổi nhanh với Người Đưa Tin, ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND Tp.Sầm Sơn cho biết, hiện địa phương đang tiến hành kêu gọi, yêu cầu các phương tiện thủy nhanh chóng vào nơi tránh trú bão tại các âu thuyền cảng Lạch Hới hoặc các địa điểm tránh trú bão an toàn khác. Đồng thời, tích cực tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện công tác gia cố nhà cửa, hàng quán. Ngoài ra, chú ý hướng dẫn tạo điều kiện đảm bảo an toàn tối đa cho du khách tại địa phương.

"Địa phương khẩn trương rà soát di dời người dân và tài sản đối với các trường hợp không đảm bảo an toàn với phương châm không lơ là chủ quan, đồng thời chủ động thực hiện tốt, đầy đủ các nội dung chỉ đạo trong Công điện của UBND tỉnh Thanh Hóa", ông Tú thông tin.

Trong ngày 5/9, trước diễn biến phức tạp, tăng cấp độ nhanh chóng của bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 87 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 (Yagi) năm 2024.

Tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu vực âu thuyền tránh trú bão thuộc Tp.Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu vực âu thuyền tránh trú bão thuộc Tp.Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Công điện nêu: Sáng nay (ngày 5/9), bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.

Dự báo, từ sáng mai bão ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; từ đêm mai ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền, khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển, gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền.

Theo Công điện, bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương nêu trên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước...

Nguyễn Hữu Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chu-dong-ung-pho-sieu-bao-yagi-tu-bai-hoc-katrina-204240905152353158.htm