Chủ động ứng phó trước đợt mưa bão mới
Mưa lớn và bão tiếp tục đổ vào miền Trung, dự báo một đợt lũ chồng lũ đe dọa tài sản, tính mạng của người dân. Trước tình hình phức tạp này, chính quyền và các lực lượng tuyến đầu lại xuất quân để ứng phó.
Sẵn sàng ứng phó
Ông Phan Duy Anh-Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) từ 19 giờ ngày 13-10 mưa lớn liên tục đến đêm 14-10 trên địa bàn huyện. Chiều 14-10, nước trên các sông Cu Đê, Túy Loan ở mức xấp xỉ báo động 2, mực nước các hồ chứa như hồ Hòa Trung, hồ Đồng Nghệ đều vẫn trong tình trạng kiểm soát khoảng từ 31,20m đến gần 40m.
Trên các tuyến giao thông, lực lượng Công an huyện, Công an 11 xã thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình hình mưa lũ, đặt biển cảnh báo phòng ngừa nguy hiểm tại các điểm thường ngập lụt, các tuyến đường liên xã, liên thôn như đường ĐT602, ĐT601 ở Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc... Đặc biệt các điểm đã xuất hiện tình trạng sạt lở như đèo La Ngà trên đường ĐT601 tại thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc.
Một số hộ dân ảnh hưởng vùng lòng hồ đập dâng nhà máy nước Hòa Liên trên thượng nguồn sông Cu Đê phải di dời, hiện chưa nhận đất tái định cư... nên chính quuyền và ngành chức năng tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, nếu có nguy cơ sạt lở tại các điểm như các 43 hộ dân khu vực Núi Sọ, thôn An Ngãi Tây, Hòa Sơn, 14 hộ dân khu vực đồi Lệ Mỹ, Hòa Liên thì kịp thời có phương án di dời dân.
Sạt lở, cô lập nghiêm trọng
Khuya 12-10, tuyến đường ĐH3 đoạn qua xã Trà Cang, H. Nam Trà My (Quảng Nam) xảy ra sạt lở nghiêm trọng, cô lập giao thông toàn tuyến về các thôn 1, thôn 2, thôn 3 của xã Trà Cang và thôn 3 (xã Trà Linh). Khoảng 450 hộ của xã Trà Cang phụ thuộc tuyến đường này bị chia cắt.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, trong khi chờ thời tiết thuận lợi khắc phục, chính quyền xã huy động lực lượng Quân sự, Công an, Dân quân và người dân mở đường tạm đi bộ bên trên điểm sạt lở. Cũng tại xã Trà Cang, ngày 9-10, chị Hồ Thị Dâu (1994, trú thôn 1) cố vượt qua sông Na để về nhà thì bị lũ cuốn mất tích đến cuối ngày 14- 10 vẫn chưa tìm thấy.
Cũng tối 12-10 tại tuyến đường ĐH5 đoạn qua thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm, H. Nông Sơn) bất ngờ sạt lở, gây chia cắt, cô lập 170 hộ dân. Địa phương đưa phương tiện máy móc khắc phục nhưng khối lượng sạt lở 2 điểm hơn 3.000 khối đất đá nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, sáng 14-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ban hành Công điện số 06 về tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các địa phương đề cao cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ tới. Chiều 14-10, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Giám đốc sở GD-ĐT Quảng Nam đã cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 15-10.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, liên quan đến vụ sạt lở nhà máy thủy điện Kà Tinh (xã Trà Lâm, H. Trà Bồng), Thượng tá Lương Việt Long - Trưởng CAH Trà Bồng, phụ trách việc tìm kiếm người mất tích cho biết, do mưa lớn kéo dài nên Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo tạm dừng tìm kiếm nạn nhân mất tích cho đến khi thời tiết thuận lợi. Theo Thượng tá Long, những ngày qua, lực lượng Công an đã huy động 70 đồng cán bộ chiến sĩ với bộ đội và các lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm nạn nhân Nguyễn Văn Nam (kỹ sư nhà máy thủy điện) mất tích; bên cạnh đó, Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng đã huy động đội chó nghiệp vụ đến hiện trường để tìm kiếm. Tuy nhiên, do khối lượng đất đá bị sạt lở nhiều, địa hình đồi núi hiểm trở nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Sẵn sàng di dời dân
Từ sáng 14-10, CAH Quảng Điền (tỉnhThừa Thiên - Huế)đã yêu cầu lực lượng CSGT, Công an các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các phương án để ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, sẵn sàng di dời số hộ dân ở vùng xung yếu, thấp trũng. Đến trưa 14-10, CAH Quảng Điền đã tỏa ra nhiều hướng để giúp ngư dân đưa ngư lưới cụ, kéo các thuyền nhỏ vào bờ neo đậu an toàn, di chuyển các kho lương thực, lúa, gạo...
Theo ghi nhận, hiện 3 tuyến tỉnh lộ từ Thừa Thiên-Huế về huyện Quảng Điền đã có 2 tuyến tỉnh lộ (tỉnh lộ 4 và tỉnh lộ 19) bị cắt đường do nhiều nơi nước ngập sâu từ 0,5m đến 0,8m. Đặc biệt, đoạn qua xã Quảng Thành, nhiều khu vực bị chia cắt hoàn toàn. Hiện, chỉ còn tuyến tỉnh lộ 11 vẫn đang lưu thông được. Để đảm bảo ATGT, hiệnCSGT CAH Quảng Điền cũng đã rào chắn, canh gác và cấm người dân, phương tiện không lưu thông trên các tuyến tỉnh lộ bị chia cắt. CAH cùng tuyên tuyển, cấm tất cả người dân không được chèo thuyền ra phá Tam Giang để đánh bắt thủy sản và vớt củi từ trên thượng nguồn đổ về, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Theo Chủ tịch UBND H. Quảng Điền Lê Ngọc Bảo, trong chiều 14-10, tất cả học sinh toàn huyện được cho nghỉ học. Toàn huyện dự kiến di dời 934 hộ/2.433 khẩu ở khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, sạt lở đất ven sông, ven phá và ven biển đến nơi an toàn khi mực nước sông Bồ trên báo động 3. Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Huyện Quảng Điền đã trích nguồn kinh phí dự phòng mua đảm bảo lượng hàng dự trữ của huyện đủ 60 tấn gạo, 10.000 gói mì ăn liền để cứu trợ khẩn cấp; đồng thời, chuẩn bị cho lực lượng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện 1.000 lít xăng, 1.000 lít dầu diezel, 10.000 bao tải đựng đất, 100 rọ thép để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trích nguồn kinh phí dự phòng mua dự trữ 1 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền, 100 lít xăng, dầu ở mỗi đơn vị để chuẩn bị phòng, chống thiên tai. Huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt, đặc biệt là các tai nạn thương tích đuối nước trước và sau lũ.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chu-dong-ung-pho-truoc-dot-mua-bao-moi-post268094.html