Chủ động ứng phó và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra

Với lợi thế là vùng ven biển, có nhiều tiềm lực về phát triển kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thiên tai trước biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường. Chính vì vậy, để đảm bảo tài sản, tính mạng của người dân trước tác động của thiên tai, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phòng, chống thiên tai.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn TX. Vĩnh Châu đã xảy ra 4 vụ sạt lở, với chiều dài 800m, trong đó sạt lở bờ biển 150m, sạt lở bờ sông 650m. Cùng với đó là mưa giông, lốc xoáy đã làm thiệt hại 73 căn nhà, trong đó có 18 căn nhà bị sập hoàn toàn, 18 căn nhà thiệt hại trên 50%, số nhà còn lại thiệt hại dưới 50%.

Đê biển ở TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được triển khai xây dựng kiên cố góp phần cho công tác phòng, chống thiên tai. Ảnh: THÚY LIỄU

Trước tác động nêu trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TX. Vĩnh Châu đã kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà do thiên tai gây ra cũng như triển khai các công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân và để các tàu, thuyền của ngư dân đánh bắt trên biển có nơi tránh trú bão an toàn khi giông bão xảy ra.

Song song đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã đã triển khai các kế hoạch đến từng địa phương với các kịch bản ứng phó vào thời điểm trước khi bão đổ bộ. Theo đó, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên sông, trên biển; khắc phục sự cố đê điều; bảo vệ công trình hạ tầng và thực hiện ngay các phương án nhằm giúp dân chằng chống nhà cửa trước bão. Đồng thời chuẩn bị chu đáo kế hoạch di dời dân ở khu vực xung yếu, ở ven sông, ven biển, những nơi có nguy cơ sạt lở, nhà đơn sơ, không đảm bảo an toàn... đến các địa điểm tạm trú kiên cố.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cũng thường xuyên thông báo diễn biến của bão, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chòi canh thủy sản trên biển, ven biển, các cửa sông; quản lý, kiểm tra chặt chẽ nơi neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão; phối hợp với các đồn biên phòng đóng tại địa phương để thông tin kịp thời đến các chủ tàu, phương tiện hoạt động trên biển về tình hình diễn biến thời tiết, để chủ tàu, thuyền tìm nơi tránh trú bão an toàn.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN sẽ tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân đến các điểm tạm trú kiên cố, nhà dân chắc chắn theo phương án sơ tán xen ghép, gắn với thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân; kiểm tra các khu chức năng có khả năng ngập úng, sạt lở để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với những bất lợi do triều cường, mưa bão gây ra và thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) bằng cách huy động lực lượng xung kích túc trực tại các vị trí xung yếu, tập kết vật tư và các dụng cụ, phương tiện cần thiết để gia cố ngay khi phát hiện ra sự cố. Thông báo cho các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn kịp thời kiểm tra kho hàng hóa, máy móc, thiết bị để di dời đến địa điểm an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra mưa bão.

Theo phương án thì sau bão xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN sẽ tiến hành huy động mọi nguồn lực tại các địa phương tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và trợ giúp lương thực, thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế, vệ sinh môi trường, phòng dịch tại vùng bị ảnh hưởng của bão. Trong thời gian ngắn nhất phải thu dọn cây ngã đổ, đảm bảo giao thông, điện, nước sạch, thông tin liên lạc, vệ sinh công sở, sửa chữa trường học, phòng dịch tại vùng bị ảnh hưởng bão, đánh giá thống kê thiệt hại bão gây ra và báo cáo về trên theo quy định…

Theo đồng chí Ngô Hùng - Bí thư Thị ủy Vĩnh Châu, để bảo đảm tài sản, tính mạng của người dân khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã tiến hành thống kê tất cả hộ dân sống khu vực ven sông, ven biển là bao nhiêu hộ và số nhân khẩu để có phương án di dời và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, kể cả thống kê số lượng tàu cá và ngư dân thường xuyên khai thác, đánh bắt thủy sản, hải sản biển và bãi bồi trên biển; thường xuyên kiểm tra độ an toàn của các điểm dự kiến sử dụng di dời, sơ tán dân; chuẩn bị đầy đủ thuốc dự phòng, khẩu trang và máy đo thân nhiệt. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND các địa phương phải trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo ứng phó thiên tai theo sự phân công của cấp trên và lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời chuẩn bị lực lượng, vật tư hàng hóa tại chỗ, đáp ứng nhu cầu tại khu vực di dời dân.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thi-xa-vinh-chau/chu-dong-ung-pho-va-khac-phuc-thiet-hai-do-thien-tai-gay-ra-53087.html