Chủ động ứng phó với bão số 4: Bảo đảm an toàn cho thầy và trò

Trước bão số 4, ngành Giáo dục các tỉnh, thành chủ động lên phương án phòng chống, đảm bảo an toàn cho thầy và trò.

Giáo viên tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chằng chống cửa trước bão.

Giáo viên tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chằng chống cửa trước bão.

Nhiều tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học

Nhằm chủ động ứng phó với mưa bão, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ban hành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục về chủ động phòng tránh, ứng phó với bão số 4 và mưa lớn.

Thực hiện công văn chỉ đạo của ngành, các trường học trên địa bàn đã triển khai chằng chống phòng học, phát quang cây cối, chuyển tài sản có giá trị lên vị trí cao, để tránh thiệt hại do bão gây ra.

Từ chiều 18/9, cán bộ, giáo viên Trường THCS Hương Lâm (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã bọc túi bóng bộ đồ dùng thiết bị dạy học, tài liệu để chuyển sang các phòng học an toàn. Nhà trường cũng huy động lực lượng gia cố công trình, đặc biệt là chằng chống mái, đóng và cài chốt cửa sổ, cửa ra vào các phòng học, tránh bị tốc mái, tung cửa khi bão đổ bộ.

“Trước đó, chúng tôi phối hợp với UBND xã Hương Lâm tiến hành xúc, hạ độ cao phần đất đồi phía sát khu vực trường để tránh sạt lở. Ngoài ra, nhà trường kiến nghị địa phương dựng kè đảm bảo an toàn cho trường học”, thầy Ngô Quang Hiền - Hiệu trưởng THCS Hương Lâm cho hay.

Tại Trường Tiểu học Phú Gia, chiều 19/9, sau khi xin ý kiến của Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, nhà trường đã cho 32 học sinh người Lào tại điểm trường thôn Phú Lâm (xã Phú Gia) nghỉ học.

Thầy Lê Ánh Dương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Gia cho biết, điểm lẻ cách điểm trung tâm 17km với 7 giáo viên dạy học, tuy nhiên chỉ có 2 trong số đó là giáo viên cắm bản. “Đường đi lên điểm Phú Lâm rất khó khăn, nhiều khu vực dễ xảy ra ngập lụt, xói đất. Vì vậy để đảm bảo an toàn, chúng tôi cho học sinh nghỉ học trong chiều 19/9. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên thông tin đến phụ huynh đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian ở nhà”, thầy Dương thông tin.

 Giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) khẩn trương dọn dẹp trang thiết bị dạy học đưa lên cao.

Giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) khẩn trương dọn dẹp trang thiết bị dạy học đưa lên cao.

Tại Quảng Bình, từ chiều 19/9, toàn bộ học sinh tại các cơ sở giáo dục được nghỉ học cho đến khi thời tiết bình thường trở lại. “Nhà trường đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát những nơi học sinh đi qua như sông suối, vùng trũng thấp để nhắc nhở phụ huynh. Trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ chủ động báo cáo với phòng GD&ĐT để cho học sinh nghỉ học”, cô Nguyễn Thị Bích Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Lũ (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) nói.

Theo ghi nhận, từ sáng 19/9, có 52 trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), với khoảng gần 19.000 học sinh được nghỉ học để các trường tập trung ứng phó với mưa bão. Cùng với học sinh Vĩnh Linh, toàn bộ học sinh huyện Gio Linh và đảo Cồn Cỏ được thông báo nghỉ học từ sớm.

Tại các địa phương khác tại Quảng Trị, gồm TP Đông Hà, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, huyện Cam Lộ và 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, học sinh một số trường ở địa bàn xung yếu thường xuyên ngập lụt, thấp trũng và sạt lở đất cũng được nhà trường cho nghỉ học. Trong đó, học sinh tại 27 trường học tại huyện Triệu Phong; 27 trường ở huyện Hải Lăng được nghỉ học từ sáng 19/9.

Tại TP Đà Nẵng, ngày 19/9, hơn 290.000 học sinh toàn thành phố được nghỉ học để tránh bão số 4 và đề phòng mưa lớn gây lũ, lụt. Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho biết, ngay sau khi có công văn của sở GD&ĐT về việc cho học sinh nghỉ học cũng như công tác ứng phó với bão số 4 và mưa lũ, ngành GD-ĐT huyện đã yêu cầu các trường học ở nơi dễ bị ngập lụt khẩn trương đưa trang thiết bị dạy học đến nơi cao để đảm bảo an toàn.

Chiều 18/9, Sở GD&ĐT Quảng Nam có văn bản gửi phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; các trường THPT, PTDTNT tỉnh; trung tâm GDTX tỉnh về việc cho học sinh nghỉ học ngày 19/9.

Cũng trong chiều 18/9, một số trường học ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) thông báo cho phụ huynh đón học sinh sớm hơn những ngày học bình thường. Đây là những trường học nằm trong vùng thấp trũng, chỉ cần mưa lớn kéo dài trong khoảng 1 ngày sẽ ngập cục bộ một số khu vực.

 Thầy, cô Trường Tiểu học Kim Lũ (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) triển khai tháo các bảng hiệu có nguy cơ hư hỏng do mưa bão.

Thầy, cô Trường Tiểu học Kim Lũ (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) triển khai tháo các bảng hiệu có nguy cơ hư hỏng do mưa bão.

Phương châm 4 tại chỗ

Để đảm bảo an toàn cho trường lớp và học sinh, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An ban hành văn bản, yêu cầu các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chủ động phòng chống mưa bão; thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Đặc biệt, chú ý đến các trường, điểm trường bán trú, nội trú đóng ở vùng núi có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở cao để có phương án dự phòng để đảm bảo an toàn cho học sinh. Cắt cử người túc trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn, theo dõi diễn biến thời tiết tại địa phương.

Trường PTDTBT Tiểu học Chiêu Lưu 2 (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) có 149 học sinh học tập, ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6. Do khu bán trú nằm bên suối khe Thù nên nhiều lần mưa lớn nước dâng cao, nhà trường phải di dời học sinh lên phòng học tầng 2 để tránh lũ.

Chia sẻ của thầy Thái Đình Bảy - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Chiêu Lưu 2, để ứng phó với hoàn lưu bão số 4, nhà trường cắt cử giáo viên túc trực 24/24 giờ. Nếu nước khe Thù dâng, trường sẽ di dời các em đến nơi cao để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, nếu 2 ngày nghỉ thứ 7 và Chủ nhật trên địa bàn có mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhà trường sẽ có phương án cho học sinh ở lại trường, nấu ăn và theo dõi các em.

Ngay khi có văn bản chỉ đạo của ngành Giáo dục Quảng Bình, Trường THCS & THPT Hóa Tiến (huyện Minh Hóa) sớm thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với thiên tai và sắp xếp lại khu nội trú, nhắc nhở học sinh cảnh giác khi đi qua sông suối, không tham gia đánh cá, vớt củi.

“Học sinh ngoài huyện ở lại trong khu nội trú. Cuối tuần vẫn mưa lớn, nhà trường tiếp tục yêu cầu các em ở lại, không cho về nhà để tránh rủi ro đáng tiếc”, thầy Đinh Bình Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Hóa Tiến (huyện Minh Hóa) cho hay.

Bước vào mùa mưa bão, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Trà Nam (Quảng Nam) đã chủ động dự trữ thực phẩm đủ dùng cho khoảng 1 tuần, đề phòng trường hợp đường sá bị sạt lở, chia cắt. Ngoài ra, nhà trường còn dự trữ thêm dầu để chạy máy nổ, dùng vào việc bơm nước cho học sinh sinh hoạt trong trường hợp bị mất điện.

Lo ngại bão số 4, một số phụ huynh lớp 1 - 2 đã đến trường xin đón con về nhà. Tuy nhiên, để chủ động trong tổ chức hoạt động dạy - học và đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường thuyết phục phụ huynh để con em ở lại trường.

Theo lý giải của thầy Hiệu trưởng Võ Đăng Chín, để học sinh trở về nhà sẽ phức tạp hơn quản lý tại trường, cho dù các em được nghỉ học để phòng chống bão. “Bão thường kèm theo mưa lớn, sạt lở đường, trên đường các em về nhà hoặc quay trở lại trường, thầy cô không hình dung hết những tình huống sẽ xảy ra. Học sinh về nhà tránh bão sẽ nghỉ học khoảng 5 - 7 ngày, vận động các em trở lại trường rồi phụ đạo lại kiến thức, giáo viên còn vất vả hơn”, thầy Chín nói.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Các trường học cần lưu ý nhắc nhở học sinh và phụ huynh cẩn trọng khi đi lại trong điều kiện thời tiết bất lợi. Thông báo đến học sinh, cha mẹ học sinh ở xa trường, nếu gặp khó khăn, nguy hiểm trong quá trình đi lại có thể liên hệ giáo viên chủ nhiệm, xin phép cho học sinh nghỉ học, nhà trường đảm bảo hỗ trợ bổ sung kiến thức cho học sinh.

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-4-bao-dam-an-toan-cho-thay-va-tro-post701588.html