Chủ động ứng phó với biến động toàn cầu

'Phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ khí thế để tiếp tục phát triển' - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới có thể làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu của tỉnh đã và đang tích cực chuẩn bị ứng phó với khả năng này.

Chủ động ứng phó

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, vượt xa các quốc gia châu Âu như Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, hay khu vực Đông Nam Á như Campuchia. Theo dữ liệu từ Fiinpro, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 1,3 tỷ USD sắt thép và 2,6 tỷ USD sản phẩm từ thép, tăng 32% so với năm 2023. Bên cạnh đó, nhôm, thép Việt xuất khẩu vào Mỹ đã phải chịu mức thuế cao, 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, từ năm 2018. Do đó khi nâng mức thuế lên, việc xuất khẩu thép sang Mỹ của Việt Nam hầu như không ảnh hưởng. Hơn nữa, nhu cầu thép trong nước trong thời gian tới được dự báo tăng mạnh, nhờ nhu cầu khi thị trường bất động sản đang ấm trở lại, dự án đường Cao tốc Bắc - Nam, Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và các dự án cơ sở hạ tầng trong nguồn vốn đầu tư công được đẩy mạnh sẽ có nhu cầu lớn về thép, có thể cân đối cung - cầu trong thời gian tới.

Thép cuộn của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Thép cuộn của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên theo ngành thép, mức độ ảnh hưởng không đồng đều giữa các doanh nghiệp, vì nó phụ thuộc vào từng nhóm sản phẩm thép, khả năng thích ứng với thay đổi và chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của từng công ty. Một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn lớn khi mất đi một thị trường quan trọng, trong khi những doanh nghiệp khác,với sự chủ động và linh hoạt trong việc điều chỉnh sản xuất và mở rộng thị trường, có thể sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực từ sắc lệnh thuế mới này.

Ông Nguyễn Duy Luân, Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang cho biết: Trước mắt sản phẩm thép của doanh nghiệp sẽ không phải chịu ảnh hưởng nhiều từ quyết định áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ vì sản phẩm thép Tuyên Quang cung cấp thị trường trong nước. Từ việc Mỹ áp thuế 25% với thép Việt Nam từ năm 2018 thì năm 2024, Bộ Công Thương đã có nhiều biện pháp phòng hộ thương mại đối với thép trong nước nên cơ bản ngành thép sẽ ít chịu tác động từ quyết định này của Mỹ. Tuy nhiên thì đây lại thêm một lần nữa thách thức đối với doanh nghiệp, đòi hỏi công nghệ phải tiên tiến hơn, chất lượng tốt hơn để cạnh tranh với thép các nước.

Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và tinh luyện gang thép với các sản phẩm chính: Quặng gang, phôi thép, thép vằn, thép dây, thép cây… được sản xuất bởi công nghệ hiện đại hóa khép kín, từ hệ thống thăm dò khai thác mỏ, xưởng tuyển quặng, lò cao luyện gang, lò thổi ôxy, luyện thép, dây chuyền cán thép tốc độ cao… có thể sản xuất da dạng sản phẩm thép chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn Quốc gia. Công ty có dịch vụ tổng thể cung cấp “thép xanh” có tuổi thọ, tính công nghiệp hóa cao phục vụ phát triển nền công nghiệp và bảo vệ môi trường. Đó là những lợi thế để sản phẩm thép Tuyên Quang cạnh tranh thị trường. Năm 2025, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang phấn đấu sản xuất 290.000 tấn thép các loại, doanh thu khoảng 3.900 tỷ đồng.

Nâng cao giá trị

Công ty cổ phần Woodsland chuyên sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất, cửa gỗ, sàn gỗ công nghiệp, để bán trong nước và xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặc dù sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu nhưng doanh nghiệp khá tự tin trước những biến động khó lường trên thế giới hiện nay. Bà Lê Ngọc Mai, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty cổ phần Woodsland cho biết: “Xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài thì việc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rất quan trọng, mà doanh nghiệp chúng tôi rất tự tin là vẫn luôn đảm bảo nguồn gốc minh bạch hợp pháp và chúng tôi hướng tới việc đa dạng hóa các thị trường”. Lô hàng xuất khẩu đi Mỹ và lô hàng xuất khẩu đi châu Âu đều phải đáp ứng tiêu chí rất cao và khác nhau. Hàng xuất đi châu Âu đòi hỏi có thể truy xuất được tới tọa độ rừng trồng. Hàng xuất đi Mỹ đòi hỏi thiết kế rất đa dạng, phong phú. Để có thể xuất khẩu đi đa dạng các thị trường khác nhau, gần như phải tốt toàn diện, tốt từ nguyên liệu đầu vào, đến sản phẩm đầu ra.

Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Dệt may cũng là hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Năm 2024, giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt 170 triệu USD, trong đó ngành dệt may sản xuất trên 9,5 triệu sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm khoảng 37,6%. Ông Kim Huyng Gie, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MSA YB chia sẻ: Hiện Mỹ đã áp thuế các loại hàng hóa của Trung Quốc ở mức 10%. Việt Nam đang thặng dư xuất khẩu vào Mỹ rất cao, nhất là dệt may (chỉ sau Trung Quốc), với thị phần khoảng 19 - 20%, do đó khả năng bị áp thuế trong thời gian tới rất dễ xảy ra. Hiện nay, đơn vị vẫn chưa ảnh hưởng nhiều từ các biến động thương mại toàn cầu. Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 đã đạt kết quả khả quan, cho thấy thị phần và hoạt động xuất khẩu dệt may vào Mỹ đang phát triển tốt. Hiện ngoài việc nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm thì công ty cũng đã xây dựng nhiều phương án kinh doanh để hạn chế việc ảnh hưởng sâu do biến động thị trường.

Theo ghi nhận của các doanh nghiệp thì thời gian gần đây, nhiều nhà cung cấp, sàn thương mại lớn của Mỹ và trên thế giới cũng đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam đặt hàng. Điều đó chứng minh Việt Nam là nhà cung cấp, sản xuất uy tín, nhất là đối với thị trường Mỹ nếu tiếp tục duy trì, tuân thủ quy định về luật lao động, nguồn gốc xuất xứ,… Ngoài ra, với lợi thế về mặt hàng từ trung đến cao cấp, cộng thêm việc Mỹ đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng thị phần tại thị trường này.

Với những biện pháp cụ thể trong tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu cộng với chủ động các phương án trong sản xuất, kinh doanh, hy vọng các doanh nghiệp ứng biến tốt với những biến động của thị trường quốc tế, giữ vững thị phần xuất khẩu.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chu-dong-ung-pho-voi-bien-dong-toan-cau-207247.html