Chủ động và cam kết tại các cơ sở kinh doanh

An toàn thực phẩm luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của xã hội, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao và đa dạng. Tại thị xã Vĩnh Châu, việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mới đây, trong đợt kiểm tra do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh triển khai đã cho thấy tín hiệu tích cực: không có sai phạm nghiêm trọng nào được phát hiện tại các cơ sở. Kết quả này không chỉ phản ánh sự nghiêm túc của cơ quan quản lý, mà còn cho thấy ý thức trách nhiệm ngày càng rõ từ phía các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao kết quả đó, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ, chủ động hơn nữa từ cả hai phía - quản lý nhà nước và người trực tiếp kinh doanh, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm một cách bền vững, lâu dài.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng kiểm tra điều kiện bảo quản tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm ở thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng kiểm tra điều kiện bảo quản tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm ở thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Từ kết quả kiểm tra tại thị xã Vĩnh Châu, có thể thấy rằng mục tiêu của các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm hiện nay không đơn thuần là phát hiện, xử lý vi phạm, mà quan trọng hơn là nhằm đánh giá toàn diện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương. Ông Âu Hiền Sĩ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Mục tiêu của đợt kiểm tra không chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử lý vi phạm mà còn nhằm đánh giá toàn diện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương”. Ông Sĩ cũng khẳng định rằng: “Hầu hết các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại thị xã Vĩnh Châu đều chấp hành tốt quy định, không phát hiện sai phạm nghiêm trọng”.

Từ đó, có thể khẳng định rằng kết quả kiểm tra không chỉ phản ánh tính tuân thủ mang tính đối phó, mà còn minh chứng cho sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cơ sở kinh doanh. Không chỉ vậy, nó còn cho thấy sự chủ động trong việc nâng cao quy chuẩn hoạt động, cải thiện điều kiện vệ sinh và hướng đến mô hình phát triển bền vững. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và cơ sở kinh doanh, như ông Sĩ đã nhấn mạnh, là nền tảng quan trọng góp phần tạo dựng một môi trường tiêu dùng an toàn, đáng tin cậy cho người dân.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng làm việc với chủ cơ sở kinh doanh để đánh giá công tác chấp hành quy định về vệ sinh thực phẩm. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng làm việc với chủ cơ sở kinh doanh để đánh giá công tác chấp hành quy định về vệ sinh thực phẩm. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Chẳng hạn, tại cửa hàng Bảo Châu (Phường 1, thị xã Vĩnh Châu), chị Hồ Bảo Châu - chủ cơ sở Bảo Châu luôn tuân thủ tất cả quy định về giấy phép kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Châu chia sẻ: “Tất cả các quy định về giấy phép kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm và khám sức khỏe định kỳ đều được cơ sở thực hiện nghiêm túc. Nhân viên của chúng tôi được đào tạo bài bản về sản phẩm, quy trình vệ sinh và tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo môi trường kinh doanh luôn sạch sẽ, an toàn”.

Còn tại nhà hàng Thuận Phát (ở Phường 1), anh Quản Triệu - quản lý nhà hàng cho biết, nhà hàng thực hiện kiểm tra định kỳ toàn bộ dụng cụ và không gian bếp. Hơn nữa, mỗi tuần đều có buổi họp nội bộ nhằm rà soát quy trình vệ sinh và phòng ngừa côn trùng. Nguyên liệu đầu vào luôn được chọn lọc kỹ càng, có nguồn gốc rõ ràng, và nhân viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ rửa tay đến chế biến. Những điều này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng món ăn, mà còn tạo niềm tin cho khách hàng. Anh Quản Triệu cho hay: “Chúng tôi thực hiện kiểm tra định kỳ toàn bộ dụng cụ và không gian bếp. Mỗi tuần đều có buổi họp nội bộ để rà soát quy trình vệ sinh và phòng ngừa côn trùng. Nguyên liệu đầu vào luôn được chọn lọc kỹ càng, có nguồn gốc rõ ràng và đội ngũ nhân viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ rửa tay đến chế biến. Những điều này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng món ăn, mà còn tạo niềm tin cho khách hàng”.

Mặc dù vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn không ít thách thức. Việc kiểm tra và giám sát tại các cơ sở nhỏ lẻ, nơi điều kiện vệ sinh còn hạn chế cần được chú trọng hơn. Thêm vào đó, sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng tận nơi khiến người tiêu dùng ngày càng khó kiểm chứng chất lượng thực phẩm, từ đó đặt ra yêu cầu cao hơn cho cơ quan quản lý.

Do đó, trong thời gian tới, ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra định kỳ kết hợp tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của cả người kinh doanh và người tiêu dùng. Đồng thời, các cơ sở cũng cần chủ động, nghiêm túc trong toàn bộ quy trình - từ nhập nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến phục vụ.

Từ kết quả kiểm tra tại thị xã Vĩnh Châu, có thể thấy rằng việc không phát hiện vi phạm là minh chứng cho một chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cơ sở kinh doanh. Nếu giữ vững tinh thần này, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách bền vững.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/202505/chu-dong-va-cam-ket-tai-cac-co-so-kinh-doanh-4492ac0/