Chữ hiếu thời 4.0

Lễ Vu lan sắp đến. Theo truyền thống của người dân Việt Nam, đây là dịp để tất cả những người con, cháu được báo hiếu với ông bà, cha mẹ của mình. Việc làm báo hiếu này có thể là lên chùa để cầu bình an cho tứ thân phụ mẫu cùng ông bà, anh chị em và những người thân thích... nơi cửa phật; hoặc ăn chay, làm nhiều việc thiện tích đức hay là dành tặng cha mẹ những lời chúc tốt đẹp nhất xuất phát từ trái tim, tấm lòng hiếu thảo...

Truyền thống báo hiếu là những điều vô cùng đơn giản và thấm đậm tình người là vậy. Tiếc rằng trong vần xoay của cơ chế thị trường, sự tác động mạnh mẽ của lối sống thực dụng..., đã đưa đẩy không ít người dẫn đến phủ nhận tất cả công lao cha mẹ dành cho mình và cả giá trị đạo đức làm người. Bởi thế ngoài đời mới có hình ảnh những ông cụ, bà cụ sức yếu nhưng hằng ngày vẫn phải bất đắc dĩ đi từ khu phố này sang khu phố khác với một cọc vé số trên tay. Thậm chí có những ông, bà già phải đi xin ăn, lượm ve chai để mưu sinh. Lẽ ra ở cái tuổi gần đất xa trời ấy, họ phải được con cháu chăm lo.

Chưa hết, có những cụ già mà thời trẻ đã phải nỗ lực để lo cho con có cuộc sống khá giả, sung túc. Thế nhưng khi họ về già, không còn làm ra tiền và cũng chẳng giúp ích gì cho con, mà ngược lại còn là gánh nặng của con... đã không ít người “nuốt nước mắt” khăn gói vào viện dưỡng lão. Thế nhưng xem ra với những người chọn con đường gửi tấm thân già ở viện dưỡng lão còn hạnh phúc gấp ngàn lần những người tuy sống với con, cháu bằng chính tiền bạc, tài sản của mình nhưng hằng ngày bị con đánh đập, chửi bới, chì chiết, sống nhưng không bằng chết. Thật đáng buồn thay!

Và trong thời đại ngày nay, đạo hiếu còn bị đảo lộn hơn nhiều và khiến không ít người bất ngờ bởi cách kiếm tiền của giới trẻ ngay trên chính sự tủi nhục của bậc sinh thành. Mới đây, kênh YouTube tên Ông Mập Vlog đã đăng tải đoạn video ghi lại vụ việc một thanh niên đổ cả thau nước mắm lên người mẹ chỉ để ăn mừng kênh video đạt 1.000 lượt theo dõi. Nội dung đoạn clip này cho thấy, nam thanh niên thủ sẵn một thau nước mắm rồi ngồi trên nóc nhà. Đợi mẹ đi làm đồng về, nam thanh niên đứng trên mái nhà bất ngờ đổ cả chậu nước mắm lên người mẹ. Sự việc khiến người mẹ hoảng hốt, tức giận, cầm chổi đuổi và mắng cậu con trai. Không chỉ vậy, bà còn lấy hết quần áo con trai ném ra ngoài sân dù nam thanh niên liên tục phân trần: “Con chỉ đùa mẹ thôi”. Ngay khi đoạn video được đăng tải đã thu hút 12.000 lượt xem. Trước đó, một youtuber có tên Tiến Lắp cũng đã đăng tải clip đổ 200 quả trứng lên đầu của mẹ để ăn mừng kênh YouTube đạt 20.000 lượt đăng ký.

Không chỉ thế, Youtuber còn đua nhau làm video về các thử thách vô bổ và thậm chí mất nhân tính đến mức không còn gì gọi là văn hóa nữa, như: Thử thách 24 giờ làm chó, ngủ trong quan tài, làm mù mắt bằng đèn bàn học, trêu phụ nữ nơi công cộng... cho đến các video chứa nội dung bạo lực, khiêu dâm xuất hiện nhan nhản trên YouTube với lượt xem lên đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu. Vì sao trong lớp trẻ lại có người dám làm như vậy? Câu trả lời là vì share (chia sẻ), livestream (phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội những sự việc đang xảy ra ở hiện tại)... Và cuối cùng là vì khoản lợi nhuận do YouTube mang lại. Ước tính cứ triệu view (lượt xem), chủ kênh thu về 300 USD, đó là chưa kể khoản thu nhập siêu hấp dẫn từ các đoạn quảng cáo được chèn vào video. Doanh thu “khủng” là lý do những youtuber vẫn cho ra “lò” hàng loạt sản phẩm độc hại, bất chấp sự phỉ báng của dư luận.

Như vậy, những người con có hành vi bất hiếu như đã nêu đã vi phạm giá trị đạo đức là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, họ có bị quy định nào của pháp luật ràng buộc, trừng trị hay không? Câu trả lời là có và họ sẽ bị xử lý từ hành chính đến hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Cụ thể, tại Mục 4, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình quy định rất cụ thể và chi tiết các hình thức phạt, mức phạt tiền cũng như các hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả dành cho từng hành vi vi phạm. Theo đó, sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Phạt tiền từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Về xử lý hình sự, tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình, có quy định như sau: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm... Hành vi ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, được hiểu là sự đối xử tồi tệ về mọi mặt đối với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, hoặc người có công nuôi dưỡng mình một cách thường xuyên. Hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, được hiểu là việc đối xử một cách tàn ác với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người nuôi dưỡng mình một cách thường xuyên.

Đối với tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Điều 186, có nội dung như sau: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Như vậy, con cháu mà có hành vi bất hiếu với cha mẹ, ông bà thì tùy vào mức độ hành vi, nhẹ là cảnh cáo, phạt tiền; nặng có thể bị phạt đến 3 năm tù giam. Tuy nhiên, bị pháp luật nghiêm trị vì hành vi bất hiếu là lẽ đương nhiên, nhưng không phải cứ đi tù là xong. Bởi những người có hành vi này còn phải chịu “búa rìu” của dư luận và cái giá mà họ phải trả khi tuổi già ập đến. Để tránh hệ lụy của pháp luật, sự khinh khi của người đời cũng như cái kết của luật nhân quả, điều quan trọng nhất chính là mỗi người con, người cháu hãy thức tỉnh để báo hiếu cha mẹ, ông bà trước khi quá muộn. Và mọi người cần nhanh tay hành động để những video “bẩn” biến mất bằng cách report (báo cáo nội dung xấu, vi phạm), tẩy chay chúng. Nếu mỗi người khắt khe hơn thì những clip như đã nêu sẽ không còn đất sống.

Hồng Hạnh

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/chu-hieu-thoi-40-29489