'Chu Lượng từ chân dung đến chân dung - Những người đàn bà tôi vẽ'
Vẽ chân dung phái đẹp được NSƯT Chu Lượng kiên trì thực hiện liên tục trong vòng 2 năm trở lại đây. Các bức vẽ mới nhất về những người phụ nữ anh quen, có nhiều kỷ niệm sẽ ra mắt tại triển lãm 'Chu Lượng từ chân dung đến chân dung- Những người đàn bà tôi vẽ'.
Chu Lượng vốn xuất thân từ một nghệ sĩ múa rối nước, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long. Hội họa với anh là một cuộc thử sức về khả năng chơi hình và màu. Sau triển lãm “Chu Lượng và những người bạn” vào năm 2016, nghệ sĩ có ý tưởng vẽ chân dung phụ nữ nhưng chỉ đến khi nghỉ hưu và trong khoảng thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19, Chu Lượng mới có thời gian để thực hiện.
Ban đầu, Chu Lượng chỉ dám vẽ những người quen biết. Sau khi đăng một số bức chân dung lên Facebook, nhiều người đã chủ động tìm đến nghệ sĩ để bày tỏ được làm nhân vật trong tranh của ông. Sự ảnh hưởng của nghệ thuật rối nước tới các tác phẩm chân dung phụ nữ của Chu Lượng khá đậm nét. Đó là những gương mặt trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất, hồn nhiên nhất. Người phụ nữ ở cuộc sống đời thường phải lo toan rất nhiều việc, biết bao nhiêu mối quan hệ cần dàn xếp ổn thỏa. Nhưng trên tranh của Chu Lượng, gương mặt của họ không còn những ưu tư, phiền muộn mà toát lên vẻ đẹp của sự bình an, thanh thản. Cho dù, họ đều là những người đàn bà đã có gia đình và đi qua những năm tháng gập ghềnh của đời sống.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một người bạn thân tình của NSƯT Chu Lượng cho biết, mỗi lần vẽ xong một chân dung một người phụ nữ nào đó là anh lại mời chúng tôi tụ tập ở quán cà phê để mang tranh đến cho chúng tôi xem, bàn luận rồi về vẽ tiếp. Có những bức tranh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thấy đã hoàn thành nhưng Chu Lượng vẫn trầm tư nói "chưa phải người ấy".
Chưa phải người ấy không phải là vẽ không giống người ấy về dáng vẻ bên ngoài mà là con nguời bên trong người ấy chưa hiện ra đầy đủ nhất. Thế là Chu Lượng lại mang tranh về, nhìn họ trong đêm như đang đối thoại với họ. Rồi Chu Lượng thao thức, dày vò và tiếp tục đi tìm con người của người ấy.
"Tôi tin chắc rằng: Có không ít những người phụ nữ được Chu Lượng vẽ đã đứng trước bức chân dung của chính mình và phát hiện ra chính con người mình hoặc một phần con người mình mà họ không biết đến, không tìm thấy trước khi họ được Chu Lượng vẽ".
Trong số 50 bức tranh chân dung của 32 người phụ nữ lần này, NSƯT Chu Lượng nhớ mãi bức chân dung được nhân vật chính ra "đề bài khó". Đó là vẽ từ phía lưng nhưng vẫn phải nhận ra đó là cô ấy.
"Nhân vật ra đề bài một cách đầy quyền năng như thế. Trong cuộc chơi này, ca này là hiểm hóc nhất. Thật may cho tôi, khi mang bức tranh đến, mọi người ở cơ quan và những người quen đều nhận ra cô gái trong tranh từ phía sau qua bức tranh tôi vẽ. Thật là một tình huống thú vị trong cuộc chơi đầy phiêu lưu mạo hiểm này. Vẽ phụ nữ chính là tôn thờ, bởi khi ta tôn thờ, ánh sáng từ họ sẽ tỏa ra từ tất cả mọi hướng, dù xung quay có là đêm tối, ta vẫn vẽ đẹp được họ, như chính họ luôn từng thế trong cuộc đời", NSƯT Chu Lượng nói.
Mỗi bức chân dung, Chu Lượng vẽ 2 bức. Một bức để chơi nghệ thuật cho riêng mình, bức còn lại để làm vừa lòng nhân vật. Và tất nhiên, loạt tranh trưng bày tại triển lãm lần này là những bức tranh ông vẽ để thỏa mãn cái nhìn của người nghệ sĩ.
NSƯT Chu Lượng chia sẻ, cứ mỗi lần vẽ xong một nhân vật cho triển lãm tranh “Những người đàn bà mà tôi vẽ", nghệ sĩ thấy mình như đã vượt qua được ngọn đèo, con dốc của chính mình. Và khi chia tay với những bức tranh đó, lại cũng thấy bùi ngùi, bịn rịn như chia tay với người mình yêu, cảm giác như thời mình còn thanh niên, xúc động vì rung động triền miên cùng cảm giác mãnh liệt mang khuynh hướng tôn thờ.
Triển lãm "Chu Lượng từ chân dung đến chân dung- Những người đàn bà tôi vẽ" diễn ra từ ngày 17 đến ngày 24/3 tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Cũng nhân dịp này, nghệ sĩ sẽ ra mắt cuốn sách cùng tên do nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.
Một số bức chân dung phụ nữ do NSƯT Chu Lượng thực hiện: