Chủ mỏ kêu khó lắp đặt trạm cân, xe chở có ngọn vẫn thò thụt trên đường

Trong khi các mỏ cát sỏi ở huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) kêu khó trong việc lắp đặt trạm cân tải trọng và camera giám sát thì trên tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn thò thụt những chuyến xe chở hàng có ngọn.

Phần lớn các mỏ chưa lắp đặt trạm cân

Thời gian vừa qua, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng các mỏ cát, sỏi ở địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An chưa lắp đặt trạm cân và camera truyền tải dữ liệu như quy định.

Phần lớn các mỏ ở các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp của huyện Tân Kỳ đều chưa lắp đặt trạm cân và camera giám sát theo quy định.

Phần lớn các mỏ ở các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp của huyện Tân Kỳ đều chưa lắp đặt trạm cân và camera giám sát theo quy định.

Trong những ngày đầu tháng 7/2024, có mặt trên sông Hiếu đoạn qua các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp… của huyện Tân Kỳ, PV Báo Giao thông ghi nhận có đến 7-8 mỏ cát, sỏi. Tuy nhiên, theo quan sát hầu hết các mỏ này đều chưa lắp đặt trạm cân tải trọng và camera giám sát trạm cân.

Điển hình như mỏ của Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hoàng Hải (ở xã Nghĩa Bình) đã hoạt động được 10 năm nay, đến cuối tháng 7/2024 là hết hạn, hiện công ty này đang làm thủ tục để xin gia hạn thêm. Nhưng vẫn đến giờ vẫn chưa được lắp trạm cân, việc mua bán cát, theo lãnh đạo công ty là được tính theo khối, dựa theo thành thùng xe.

Ngay bên cạnh, mỏ cát của Công ty Tám Tài (nằm ở xã Nghĩa Bình) cũng chưa lắp đặt trạm cân hay camera.

Còn ở phía đối diện bên kia sông, mỏ cát sỏi Làng Ga được cấp phép cho Công ty TNHH Thành Pháp hay mỏ cát sỏi của Công ty CP Hải Đường (đều nằm ở xã Nghĩa Đồng)… cũng tương tự.

Theo một quản lý của mỏ cát sỏi Làng Ga cho biết: Mỏ hoạt động đã nhiều nhiều năm, việc xác định khối lượng cát sỏi bán ra ngoài được xác định theo khối, thông qua các gầu của xe múc.

Tuy nhiên, trong khi các mỏ chưa có trạm cân tải trọng thì theo ghi nhận thực tế trên tuyến đường Hồ Chí Minh thi thoảng vẫn xuất hiện những chiếc xe chở cát sỏi có ngọn, cao quá thành thùng. Các xe này thường chọn đi vào buổi trưa hoặc chập choạng tối. Đồng thời các xe này đi từng đoạn một sau đó tấp vào các bãi đất trống bên đường để nghe ngóng lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường.

Điển hình như trong khoảng từ 12h-14h và từ 17h-18h các ngày 4,5,8/7, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Nghĩa Bình, PV ghi nhận được các xe BKS: 29C-730.00, 37R-035.69, 36R-033.25, 37H-011.04, 37R-037.67, 37R-037.67, 37RM-003.84, 37C-155.33, 37H-007.17… đi nghênh ngang trên đường.

Theo chân các phương tiện này quãng đường khá dài nhưng PV không ghi nhận thấy lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Khi được hỏi, anh Phương ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ chia sẻ: Nhà nước quy định lắp đặt trạm cân và camera để giám sát trữ lượng mua bán cát sỏi tại các mỏ. Các mỏ chưa lắp đặt thì chắc chắn không ai kiểm soát được lượng cát sỏi bán ra ngoài.

Như vậy, nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản của đất nước là điều mà ai cũng nhìn thấy. Ngoài ra, đây cũng là kẽ hở để một số tài xế chở hàng quá khổ, quá tải hoạt động.

Trên đường Hồ Chí Minh vẫn thò thụt những chuyến xe chở hàng có ngọn.

Trên đường Hồ Chí Minh vẫn thò thụt những chuyến xe chở hàng có ngọn.

Chủ mỏ kêu khó

Trước thực tế này, ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hoàng Hải cho biết: Không phải công ty không lắp trạm cân mà không lắp được trạm cân. Lý do là mỏ cát sỏi không giống mỏ đất, đá hay khoáng sản khác, mỏ cát sỏi nằm ngoài bãi sông, mùa mưa lũ, nhẹ thì ngập vài ba ngày, còn nặng mươi ngày nửa tháng. Hệ thống trạm cân và các thiết bị do doanh nghiệp đầu tư cả trăm triệu sẽ bị ngập chìm và hư hỏng ngay. Ngoài ra, lắp trạm cân thì phải có camera giám sát kết nối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Còn lắp trạm cân mà không có camera giám sát kết nối thì cũng như không.

Chưa hết, cũng theo ông Hải, mỏ của công ty đã có 10 năm, nhưng trước đây quy định với mỏ có sản lượng khai thác trên 20.000 khối/năm mới phải lắp đặt trạm cân và camera giám sát. Sau này, quy định thay đổi, các mỏ có sản lượng khai năm thác thấp hơn cũng phải lắp.

Chia sẻ về nguy cơ thất thu khoáng sản, ông Hải nói: Trước nay không ai bán cát bằng đơn vị tấn cả, mà bán theo khối. Công ty cũng bán theo khối và được tính theo kích thước thùng xe.

“Mỗi xe trước khi ra khỏi bến đều được xuất hóa đơn. Chưa kể, khi xe lưu thông trên đường đều được các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tải trọng xe và hóa đơn. Trốn được 5 xe mà bị bắt 1 xe thì có khi tiền phạt lên đến 50 xe”, ông Hải nói.

Cùng quan điểm, một quản lý mỏ cát sỏi Làng Ga (ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ) cho biết thêm: Chưa nói chuyện mưa lũ ngập gây hư hỏng trạm cân, muốn đặt trạm cân thì phải có bến bãi, phải làm thủ tục cấp phép bến thủy nội địa, nhưng hiện cũng gặp bất cập.

Trước đây, lúc doanh nghiệp làm mỏ thì thuê hoặc mua đất nông nghiệp của dân để làm bãi và dựng nhà tạm lên để hoạt động. Giờ muốn lập bến thủy nội địa thì phải phá bỏ tất cả nhà tạm, tạo mặt bằng sạch rồi mới làm được thủ tục thuê đất. Chúng tôi xin không phá bỏ nhà cửa tạm, và cam kết những tài sản này không có giá trị để vừa làm thủ tục thuê đất vừa có thể hoạt động nhưng không được...

Lực lượng Đội CSGT đường bộ số 3 tăng cường kiểm tra xử lý xe quá khổ, quá tải trên đường Hồ Chí Minh.

Lực lượng Đội CSGT đường bộ số 3 tăng cường kiểm tra xử lý xe quá khổ, quá tải trên đường Hồ Chí Minh.

Sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý

Trong khi đó, lãnh đạo Đội CSGT đường bộ số 3 (còn gọi là Đội CSGT đường Hồ Chí Minh, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: Xử lý xe quá khổ, quá tải, chở hàng rơi vãi là nhiệm vụ được đội đặc biệt quan tâm.

Từ đầu năm, đội đã mời các mỏ khoáng sản, các doanh nghiệp vận tải nằm hai bên tuyến do đội quản lý lên tuyên truyền và ký cam kết không bốc xếp, không chở hàng quá khổ, quá tải. Tuy nhiên, qua giám sát đội từng phát hiện có mỏ khoáng sản bốc xếp hàng có ngọn. Sau đó, đội đã làm việc, tuyên truyền và chủ mỏ đã xin rút kinh nghiệm và chấn chỉnh.

Ngoài ra, đội cùng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chở cát sỏi có ngọn, cao quá thành thùng, trung bình mỗi tháng xử lý 9-10 trường hợp. Gần đây nhất là vào lúc 15h20, ngày 6/7, tại Km 678, đường Hồ Chí Minh, tổ công tác của đội phát hiện, xử lý xe đầu kéo BKS 37H-048.XX kéo theo rơ-moóc 37R-043.XX do tài xế N.V.T (SN 1995, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) chở hàng vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30%.

Tiếp đến vào hồi 16h6 ngày 7/7, tại Km 667, đường Hồ Chí Minh, tổ công tác của đội tiếp tục phát hiện, xử lý xe ô tô tải BKS 37C-431.XX do anh T.Đ.T (SN 1991, trú ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có hành vi vi phạm chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30%.

Hay như vào lúc 19h tối ngày 9/7, tại Km 678, đường Hồ Chí Minh đội CSGT đường bộ số 3 phát hiện và xử lý xe đầu kéo BKS 28H-005.XX kéo theo rơ-moóc BKS 28R-004.XX do tài xế D.M.Q (SN 1986, trú ở Yên Thủy, Hòa Bình) chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép đối với xe ô tô tải…

“Tuyến đường mòn đội quản lý dài đến 150km, cắt ngang nhiều với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện. Trong khi đó, các tài xế xe tải luôn tìm cách trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng. Lập các nhóm kín để chia sẻ thời gian, lịch trình làm nhiệm vụ và thậm chí thuê cả người đi theo xe tuần tra CSGT để báo tin cho các tài xế.

Thời gian tới, đội sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát; triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ; kết hợp vận động, tuyên truyền các chủ mỏ, chủ xe, lái xe chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về thành thùng và tải trọng xe. Đồng thời đội cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với những trường hợp cố tình vi phạm”, lãnh đạo Đội CSGT số 3 nói.

Theo một lãnh đạo Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 280 điểm mỏ khoáng sản được Bộ TN&MT và UBND tỉnh Nghệ An cấp phép đang còn hiệu lực.
Trong thời gian qua, sở TN&MT, sở xây dựng, các huyện, thành, thị trên địa bàn đã xử phạt rất nhiều mỏ khoáng sản không lắp đặt trạm cân và camera giám sát theo quy định.
Vị lãnh đạo phòng nói trên cũng chia sẻ: Giữa thực tế và quy định đang có những độ lệch gây khó khăn cho đơn vị quản lý cũng như doanh nghiệp. Quy định là mỏ khoáng sản phải lắp đặt trạm cân và camera giám sát, nhưng có doanh nghiệp mỏ vàng lên hỏi, mỏ vàng thì lắp đặt trạm cân kiểu gì. Hay như mỏ cát sỏi, lúc cấp trữ lượng và buôn bán hàng ngày thì theo khối, nhưng cân thì theo tấn. Ngoài ra, camera là để mục đích giám sát, và để phục vụ điều tra khi cần thiết, nhưng nếu thời gian dài thì việc lưu trữ cũng gặp khó khăn… Dự kiến, cuối năm 2024, luật Khoáng sản sửa đổi được thông qua, phân rõ từng nhóm khoáng sản thì những bất cập này sẽ từng bước được giải quyết.
Còn về giám sát trữ lượng đầu ra thì hiện tại Nghệ An đang thông qua cách kiểm tra hóa đơn của đơn vị thuế và kiểm tra trên đường của lực lượng công an. Ngoài ra, trong thời gian qua, phòng cũng phối hợp với bên công an thực hiện trích xuất camera an ninh để thống kê, điều tra, làm rõ nhiều vụ việc.

Sỹ Hòa

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/chu-mo-keu-kho-lap-dat-tram-can-xe-cho-co-ngon-van-tho-thut-tren-duong-192240712095130814.htm