Chủ nghĩa 'dân túy vaccine': Trào lưu mới trong mùa Covid-19?
Giữa thời kỳ khủng hoảng của dịch, rất nhiều nước phát triển đã quyết định tự mình đi trên con đường sản xuất vaccine chống Covid-19 với mục tiêu chỉ phục vụ thị trường nội địa trước khi bàn tới việc xuất khẩu. Có chăng một chủ nghĩa 'dân túy vaccine' đang lên ngôi?
Một phòng thí nghiệm nghiên cứu vaccine Covid-19 ở Nga. Ảnh: Reuters
Các nước giàu có đã tự mình thỏa thuận với các công ty sản xuất hóa dược hàng đầu thế giới, đảm bảo cho bản thân mình hàng trăm triệu liều vaccine khả thi.
Điển hình mới nhất là thỏa thuận giữa Mỹ và Pfizer và BioNTech, của Anh và châu Âu với AstraZeneca và Moderna.
"Ai cũng đang tự mình đàm phán riêng với các công ty, và thực sự điều này không tốt cho tình hình hiện tại", Seth Berkley, CEO của liên minh GAVI, người đồng dẫn dắt kế hoạch COVAX nhằm phát triển Covid-19 một cách nhanh và công bằng trên thế giới.
Pfizer cũng nói rằng họ đang trong quá trình đàm phán với EU và nhiều nước thành viên khác về các thỏa thuận mua vaccine.
Anh hôm qua đã thông báo đạt được một thỏa thuận về việc mua vaccine tiềm năng từ GlaxoSmithKline và Sanofi.
Theo như tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF), sẽ khiến cho "thị trường vaccine rối loạn và trở thành cuộc cạnh tranh vung tiền của các nước giàu có", tạo đà "cho một trào lưu vaccine dân túy nguy hiểm".
Điều này khiến cho nhiều người lo ngại rằng vụ việc của cúm H1N1 năm 2009/2010 có thể lặp lại, khi các nước giàu thâu tóm toàn bộ nguồn vaccine dự trữ, khiến cho các nước nghèo chẳng còn gì để mua.
Tuy nhiên, việc cúm H1N1 chỉ là một bệnh nhẹ và đại dịch có thể tự dập tắt, việc gom vaccine này không gây nên nhiều tổn thất về người.
Tuy nhiên, với Covid-19 thì đây lại là một vấn đề khác. Việc thiếu nguồn cung vaccine có thể khiến không chỉ những người nghèo bị ảnh hưởng, mà còn khiến đại dịch lây lan khó kiểm soát.
"Có rủi ro rằng các nước đang làm đúng theo kịch bản chúng tôi sợ nhất, mỗi nước đều đang tự hành động vì lợi ích bản thân", Gayle Smith, cựu giám đốc Cục phát triển quốc tế Mỹ cho hay.
75 nước giàu có trên thế giới quan tâm tới việc tài trợ cho kế hoạch COVAX, nơi 90 nước nghèo sẽ được tài trợ vaccine.
Tuy nhiên, 3 cường quốc của thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nga lại không mấy mặn mà với kế hoạch trên.
Theo một nguồn tin thì phía Ủy ban châu Âu đã khuyến cáo các nước thành viên không mua vaccine Covid-19 thông qua chương trình COVAX.
"Tôi rất lo lắng", Thomas Bollyky, giám đốc của chương trình y tế toàn cầu tại Ủy ban đối ngoại cho hay. "Những gì đang xảy ra là một lượng nhỏ các nước đang phong tỏa và chiếm dụng toàn bộ nguồn cung vaccine thông qua nhiều thỏa thuận".
"Lượng vaccine sản xuất ra là có hạn. Hạn mức không thể du di được nhiều", ông nhận định.
Các chuyên gia dự đoán thế giới có thể mong chờ 2 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm sau, nếu như một số thí nghiệm đại trà trên người cho kết quả khả quan vào cuối năm nay.
Berkley của liên minh GAVI nhận định rằng nếu không chia sẻ cho những người có nhiều khả năng mắc bệnh nhất, đại dịch sẽ không thể kiểm soát.
"Nếu muốn toàn bộ nước Mỹ và toàn bộ EU đều được tiêm vaccine, với liều lượng 2 mũi mỗi người, đó sẽ là 1.7 tỷ liều. Và nếu theo ước tính có 2 tỷ liều vào cuối năm sau được sản xuất ra thị trường, sẽ chẳng còn lại bao nhiêu cho cả thế giới", ông cho hay.
Nếu như chỉ có 30-40 nước có vaccine và khoảng 150 nước còn lại không có, đại dịch sẽ bùng phát ở những nước này", ông nói.
"Virus này lây lan quá nhanh. Chúng ta có thể rơi vào tình trạng không thể vãn hồi. Sẽ không thể tiếp tục kinh doanh, làm du lịch hay thương mại gì cho tới khi đại dịch trên toàn cầu được khống chế", ông nói.
"Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể mất tới 2 năm để khống chế dịch thay vì 1 năm", Smith nói. "Những hậu quả về kinh tế và y tế là khổng lồ".