Trồng và chế biến đúng quy trình, Đắk Lắk tìm cách nâng cao chất lượng cà phê
Thời điểm này, nông dân Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. Để đảm bảo chất lượng cà phê, phát triển ngành hàng bền vững, nhiều nông dân trong tỉnh chú trọng vào khâu thu hoạch, một trong những yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng sản phẩm cà phê của địa phương.
Niên vụ cà phê ở Đắk Lắk chính thức bắt đầu từ cuối tháng 10, song cà phê thường chín rộ vào giữa tháng 11 đến cuối tháng 12 tùy từng giống, từng vùng thổ nhưỡng. Những năm gần đây, cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân đã sử dụng các giống mới nhiều ưu điểm như: chín đều hơn, muộn hơn so với các giống cũ, phần nào tránh được những khó khăn về thời tiết. Vấn đề còn lại là thời gian thu hái để có hạt cà phê chất lượng tốt nhất.
“Đến vụ thu hoạch bà con cứ hái cà phê bình thường, không phải lật đật như ngày trước hái cả trái non xanh khiến hư cây. Nông dân cứ thấy cà phê chín cây nào là hái cây đó, khi hái chín xong quay lại hái lượt sau là vừa”, ông Lê Xuân Thủy, ở xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Sau cả chục năm giữ ở mức 30.000 – 40.000 đồng/kg cà phê nhân, trong khi giá vật tư đầu vào, chi phí nhân công tăng cao khiến không ít nông dân nản lòng với cà phê. Hai năm trở lại đây, giá cà phê bất ngờ tăng lên 50.000 -60.000 đồng/kg vào năm ngoái (2023), năm nay tăng lên 100.000 đồng/kg, có lúc đã tăng lên gần 150.000 đồng/kg, khiến người trồng cà phê ở Đắk Lắk bước vào vụ thu hoạch trong tâm trạng phấn khởi.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, hiện nay, giá cà phê tăng cao đòi hỏi phải chuẩn hóa được nhiều yếu tố để đảm bảo được chất lượng cà phê, qua đó đảm bảo thị trường xuất khẩu bền vững và lâu dài.
Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là thu hái cà phê phải đạt trên 85% quả chín và phơi sấy, sơ chế, bảo quản đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng. Điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và thời gian dài nhưng đổi lại chất lượng hạt cà phê được cải thiện rõ rệt, sản lượng thu được cũng cao hơn, quan trọng hơn là đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đơn vị thu mua. Ông Trịnh Đức Minh cho rằng, nông dân Đắk Lắk đã ngày càng quan tâm đến vấn đề này và có nhận thức rất tốt trong việc giữ vững chất lượng, không những qua canh tác mà còn trong quá trình thu hái.
“Trong phong trào làm cà phê hữu cơ, cà phê bền vững, cà phê thân tiện với môi trường, người nông dân không còn chạy theo mục tiêu năng xuất, người dân đã quan tâm đến tính bền vững của vườn cây. Lâu nay năng suất cà phê của Đắk Lắk chỉ khoảng 3 tấn/ha, cố gắng giữ sản lượng như vậy, không chạy theo năng suất cao”, ông Minh cho hay.
Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của cả nước với diện tích hơn 210.000 ha, sản lượng hàng năm trên 550.000 tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh, tác động trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn.
Để phát triển ngành hàng cà phê bền vững, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã xây dựng nhiều đề án liên quan đến ngành hàng cà phê và có các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm từ sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê. Trong đó, thu hái cà phê đạt độ chín là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của cà phê Đắk Lắk.
“Sở đang khuyến cáo tuyệt đối người dân không thu trái xanh, phải đảm bảo cà phê đạt độ chín. Thứ hai là phải xử lý sau thu hoạch để đảm bảo cho sản phẩm cà phê đạt chất lượng. Thứ ba là Sở đang đề nghị các đơn vị xuất - nhập khẩu sớm bắt tay phối hợp với các hợp tác xã, đơn vị tổ chức của nông dân để sản phẩm của nông dân sau khi thu hái sẽ được sơ chế, chế biến phục vụ cho công tác xuất khẩu để đảm bảo chất lượng cũng như hiệu quả”, ông Hà thông tin.
Thu hái cà phê đạt độ chín không chỉ nâng cao chất lượng cà phê, còn là bước đi bền vững giúp xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bằng việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nông dân Đắk Lắk với tâm huyết của mình đang ngày càng góp phần khẳng định vai trò quan trọng trong ngành hàng cà phê Việt Nam.