Chủ nhà phải trả tiền bảo hiểm cho người giúp việc

Mặc dù các quy định mới liên quan đến quyền lợi của người giúp việc sắp có hiệu lực nhưng để thực hiện được vẫn còn nhiều băn khoăn.

Từ ngày 15.4, nếu chủ nhà không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng (ảnh mang tính chất minh họa)

Từ ngày 15.4, nếu chủ nhà không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng (ảnh mang tính chất minh họa)

Từ ngày 15.4 tới, nếu chủ nhà không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ bị phạt tới 15 triệu đồng. Đây là một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 28/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mặc dù sắp có hiệu lực nhưng để thực hiện được quy định này vẫn còn nhiều băn khoăn.

Mấy năm nay, bà Phan Thị H. (60 tuổi) quê ở huyện Thanh Hà ra TP Hải Dương làm giúp việc gia đình. Mỗi tháng bà H. được chủ nhà trả 5,5 triệu đồng. Hằng ngày, bà dậy từ 5 giờ nấu ăn sáng, lau dọn các phòng, sau đó đi chợ, nấu cơm cho khoảng 12-15 người ăn. Buổi chiều, bà dọn dẹp cửa hàng và chuẩn bị cơm tối. Hôm nào sớm thì 20 giờ bà mới hoàn thành công việc, ngày muộn có thể tới 21-22 giờ. Bà H. cho biết: “Làm giúp việc gia đình mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu nhưng cũng phải luôn chân luôn tay. Ở tuổi tôi bây giờ kiếm được việc làm với thu nhập ổn định như thế này là tốt rồi”. Khi được hỏi về Nghị định 28 bà H. nói: “Tôi chỉ quan tâm đến tiền lương, các khoản khác tôi không dám đòi hỏi. Chủ nhà thưởng hay cho thêm thì tôi biết thế thôi. Nếu có quy định chủ nhà phải trả tiền đóng BHXH, BHYT cho người giúp việc thì tốt quá”.

Chị N.H.L. ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) đang thuê người giúp việc nhà và chăm sóc bố bị tai biến. Tới đây, chị sẽ thỏa thuận với người giúp việc để đưa thêm một khoản tiền đóng BHXH, BHYT theo quy định của Nghị định 28. Nhưng điều chị L. đắn đo là khi chị đã trả khoản tiền bảo hiểm rồi nhưng người giúp việc không đóng thì chị có bị liên quan hay không? Chị L. đặt câu hỏi, đối với những trường hợp chủ thuê người giúp việc nhưng người giúp việc không đáp ứng yêu cầu, làm một hoặc vài tháng rồi nghỉ việc, hoặc đối với những người giúp việc theo giờ thì sẽ tính tiền bảo hiểm như thế nào? Một người giúp việc cùng lúc làm cho 2 chủ nhà hoặc trường hợp người giúp việc ở chung và không ở chung với chủ thì cách tính tiền bảo hiểm sẽ như thế nào?...

Luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh cho biết, điều 181 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả cho người giúp việc một khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định để người lao động tự lo bảo hiểm. Tuy nhiên thời điểm đó chưa có cơ chế cụ thể xử phạt các trường hợp vi phạm quy định này. Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có quy định rõ ràng về mức xử phạt nếu người sử dụng lao động không trả tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc.

Tại điều 29, Nghị định 28 quy định mức phạt từ 10-15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả đủ tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc gia đình.

Theo luật sư Trọng, đây là chế tài mạnh nhằm bảo đảm quyền lợi của người giúp việc gia đình, góp phần bảo vệ nhóm yếu thế trong quan hệ lao động. Song việc áp dụng quy định này vào cuộc sống không phải chuyện dễ. Thông thường quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với người giúp việc gia đình là quan hệ khép kín. Mối quan hệ lao động chủ yếu dựa trên cơ sở tự nguyện, thiện chí của các bên tham gia. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ tác động khi có đề nghị giải quyết tranh chấp của các bên. Để quy định này đi vào thực tế cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, tuyên truyền cho mọi người, nhất là những chủ nhà, người giúp việc gia đình nắm rõ được các quyền và nghĩa vụ của mình, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, quy định phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có các hành vi: không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nêu tại khoản 1, điều 29 của Nghị định 28 cũng nên loại bỏ vì không có giá trị thực tiễn.

HN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phap-luat/chu-nha-phai-tra-tien-bao-hiem-cho-nguoi-giup-viec-133102