Chủ nhà trọ như… ngồi trên đống lửa
Tình trạng mất, thiếu việc làm xảy ra tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh khiến nhiều công nhân không thể bám trụ.
Nhiều người chuyển việc, trở về quê sinh sống dẫn đến không ít phòng trọ phải bỏ không.
Thu nhập giảm vì thiếu việc
Ông Nguyễn Đăng Định, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết, trước đây trên địa bàn xã có khoảng 18.000 - 19.000 công nhân thuê trọ, nhưng hiện nay con số này giảm xuống còn khoảng 12.000. Toàn xã có hơn 4.000 hộ dân và có khoảng 1.000 hộ kinh doanh nhà trọ với khoảng 16.000 phòng trọ, tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Đại Trung và Đại Thượng. So với trước kia, xã Đại Đồng đã thay đổi hoàn toàn nhờ khu công nghiệp. Trong đó, nguồn thu rất lớn đến từ việc cho thuê nhà trọ. Tuy nhiên, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng công nhân nghỉ việc rất nhiều khiến các chủ nhà trọ gặp khó khăn.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 tiếp tục giảm nhiều (-19,61%) so với cùng tháng năm trước, tính chung 4 tháng năm 2023 giảm (-18,47%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành cấp 2 trọng điểm là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm nhiều, tháng 4/2023 (-21,02%) và 4 tháng 2023 (-19,65%)…
Suy giảm kinh tế toàn cầu tác động đến sản xuất và xuất khẩu ở trong nước kéo theo thị trường lao động đang chịu tác động mạnh mẽ. Tình trạng công nhân mất việc, thiếu việc diễn ra tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh xuất hiện từ cuối năm 2022, nhưng qua 4 tháng đầu năm 2023 vẫn chưa được cải thiện dẫn đến ảnh hưởng đến đời sống của công nhân.
Vẫn theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, chỉ số sử dụng lao động tại tỉnh đã giảm khá nhiều (-10,9%). Trong đó, riêng lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (-11,03%) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm nhiều nhất (-11,05%); xuất khẩu cũng giảm nhiều (-13,13)…
Chị Trần Thị Thủy (38 tuổi) cho biết, đã có năm thứ 7 làm công nhân sản xuất linh kiện điện tử cho một doanh nghiệp bên trong Khu công nghiệp VSIP (Tiên Du, Bắc Ninh). Chị Thủy nói rằng đây đang là quãng thời gian khó khăn nhất đối với bản thân chị cũng như nhiều công nhân khác khi tình trạng thiếu việc, mất việc làm xảy ra thường xuyên.
Chị Thủy quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Nguồn sống của gia đình 5 thành viên không thể trông chờ vào 2 sào ruộng ít ỏi được cấp nên chị phải xa chồng và 3 đứa con thơ ra Bắc Ninh làm công nhân.
Theo chị Thủy, hiện tại, mức lương tháng cao nhất của chị rơi vào khoảng 6 triệu đồng nếu đi làm đầy đủ và được hỗ trợ tiền chuyên cần. Trước đây, làm thêm giờ được chị Thủy xem là “cứu cánh” để nâng mức thu nhập hàng tháng, nhưng hiện tại không thể tăng ca được nữa do khối lượng công việc giảm.
Mặc dù nhận mức lương rất thấp nhưng chị Thủy cho rằng, thời điểm này vẫn có việc để đi làm đã là may mắn hơn nhiều người khác. Trong cuộc trò chuyện với GD&TĐ, chị Thủy chia sẻ rằng mấy tháng qua vì thu nhập thấp nên chị cũng bị dao động tinh thần và tính nghỉ việc. Thế nhưng, về quê chẳng biết làm gì để có thu nhập nên sau nhiều đêm suy tính, chị lại quyết định “bám trụ” ở lại Bắc Ninh.
Trong khu trọ của chị Thủy, từ cuối năm 2022 đến nay đã có hàng chục người mất việc, bỏ việc. “Trước đây tôi thuê trọ cùng người em họ, nhưng do công ty ít đơn hàng, em tôi phải nghỉ việc luân phiên và lương quá thấp nên hiện đã phải bỏ việc về quê. Giờ tôi một mình “gánh” tiền trọ cả phòng, trong khi thu nhập thấp nên rất vất vả”, chị Thủy cho biết.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Nguyên và chị Nguyễn Thị Hoa (quê Yên Bái) là một trong nhiều trường hợp cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì thiếu việc làm. Anh Nguyên trước đây là công nhân nhà máy sản xuất bánh kẹo trong Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn (Tiên Du) với đồng lương ổn định.
Sau Tết anh Nguyên mất việc và hiện đang theo nhóm bạn đồng hương làm phụ hồ ở Hà Nội. Trong khi đó, chị Hoa vẫn đang làm công nhân trong khu công nghiệp VSIP dù lương cũng rất thấp.
Giảm giá phòng vẫn không có khách thuê
Từ một địa phương thuần nông của tỉnh Bắc Ninh, sau khi các khu công nghiệp “đổ bộ”, nhiều người dân tại xã Đại Đồng đã bỏ hẳn công việc đồng áng và chuyển hướng phát triển kinh tế theo hướng khác. Một trong số này là đầu tư xây phòng trọ cho công nhân của Khu công nghiệp VSIP và Đại Đồng - Hoàn Sơn thuê.
Hai khu công nghiệp trên đã biến một vùng đất chiêm trũng của Bắc Ninh trở thành phố thị với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, quán sá tấp nập. Cũng từ đó, đời sống người dân xã Đại Đồng có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, các chủ nhà trọ ở Đại Đồng như “ngồi trên đống lửa” khi phòng trọ xây dựng lên nhưng số lượng người thuê ngày một ít đi.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thuận (thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng) có tổng 26 phòng trọ cho công nhân thuê, nhưng hiện số phòng trống đã chiếm quá nửa (15 phòng). Bà Thuận dự tính số phòng trống của gia đình sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Ở xã Đại Đồng, gia đình bà Thuận là một trong những hộ dân đầu tiên xây phòng trọ cho công nhân thuê. Nhớ lại thời kỳ “hoàng kim” vài năm trước, bà Thuận cho biết chưa bao giờ nhà bà có phòng trọ trống. Thậm chí, sáng có người trả phòng, trưa lại có người khác vào thuê.
Cũng vì nhu cầu thuê nhà quá lớn nên gia đình bà đã “đánh liều” vay hơn 1 tỉ đồng từ ngân hàng để xây hẳn khu nhà trọ 3 tầng khang trang cho thuê. Thế nhưng, khi nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết, khoảng một năm nay số phòng trọ nhà bà Thuận bắt đầu ế ẩm. Thời gian gần đây, cứ dăm bữa nửa tháng lại có người trả phòng khiến bà Thuận vô cùng lo lắng.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như bà Thuận, gia đình bà T. hiện còn trống khoảng 30 phòng trong tổng số 60 phòng trọ được xây dựng. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, bà T. đã phải giảm giá phòng nhưng… vẫn không có khách thuê.
“Hiện, tôi đã giảm giá tiền thuê đến mức thấp nhất nhưng cũng không thể giữ được chân công nhân khi số người nghỉ việc ngày càng nhiều”, bà T. chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-nha-tro-nhu-ngoi-tren-dong-lua-post638980.html