Chủ nhân giải Nobel hòa bình có mang lại hy vọng cho Bangladesh?

Bangladesh đang đặt hy vọng vào một trong những trí thức được ca ngợi nhất đất nước, trong đó có Muhammad Yunus, người vừa được chọn đứng đầu chính phủ lâm thời sau khi Thủ tướng lâu năm của nước này Sheikh Hasina bị buộc phải chức. Liệu 'nhà kinh tế của những người nghèo', chủ nhân của giải Nobel Hòa bình có thể mang lại sự ổn định cho quốc gia đang tổn thương vì các cuộc biểu tình và khủng hoảng chính trị.

Cha đẻ của tài chính vi mô, Muhammad Yunus, gặp gỡ những phụ nữ kinh doanh nhỏ ở Dhaka, Bangladesh. Nguồn ảnh: Skoll Archive

Cha đẻ của tài chính vi mô, Muhammad Yunus, gặp gỡ những phụ nữ kinh doanh nhỏ ở Dhaka, Bangladesh. Nguồn ảnh: Skoll Archive

Ông chủ ngân hàng của người nghèo

Nhà kinh tế 84 tuổi được biết đến nhiều nhất với việc thành lập Ngân hàng Grameen và được coi là người tiên phong trong lĩnh vực tín dụng vi mô - cung cấp các khoản vay kinh doanh nhỏ cho những người nghèo nhất thế giới, hầu hết là phụ nữ. Sáng kiến này đã giúp ông giành được giải Nobel Hòa bình năm 2006. Ủy ban Giải Nobel Hòa bình đã ghi nhận Yunus và Ngân hàng Grameen (GB) của ông "vì những nỗ lực tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội từ bên dưới".

Muhammad Yunus sinh trưởng ở Chittagong trong gia đình có đến 14 người con mà 5 người anh chị em của ông đã chết từ nhỏ vì thiếu đói. Ông Yunus lao vào học tập và tốt nghiệp ở Đại học Vanderbilt (Mỹ). Ông bắt đầu các sáng kiến về xóa đói nghèo sau khi chứng kiến nạn đói ở Bangladesh năm 1974 làm thiệt mạng hàng ngàn người. Hoạt động đầu tiên của ông là trích cho vay từ tiền túi khoảng 27 USD cho những phụ nữ chuyên làm các sản phẩm từ tre ở làng Jobra gần đại học Chittagong nơi ông giảng dạy. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 với AP, ông Yunus cho biết ông đã có một "động lực đột phá" để thành lập GB khi ông gặp một người phụ nữ nghèo đan những chiếc ghế tre đang phải vật lộn để trả nợ. “Tôi không thể hiểu nổi tại sao bà ấy lại nghèo đến vậy trong khi có thể làm ra những thứ tuyệt đẹp như vậy”, ông nhớ lại trong cuộc phỏng vấn.

Năm 1976, ông sáng lập GB giúp người nghèo với các khoản vay nhỏ 50-100USD mà không đòi hỏi thế chấp hay bảo đảm. GB tạo ra phương thức hoạt động mới là các “nhóm đoàn kết” để các thành viên quản lý việc trả tiền vay và để hỗ trợ lẫn nhau.

Khi công việc phát triển, GB đã phát triển các hệ thống tín dụng nhỏ khác và phát triển các chương trình cho vay về nhà cửa cũng như hỗ trợ tài chính cho những dự án nhỏ nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu, dệt may... Thành công của ngân hàng trong việc đưa mọi người thoát khỏi đói nghèo đã thúc đẩy những nỗ lực tài chính vi mô tương tự ở các quốc gia khác. Quỹ Grameen, thành lập năm 1997 sau thành công của ngân hàng, đến nay đã có một mạng lưới toàn cầu với khoảng 52 thành viên trên khắp 22 quốc gia và đã giúp được khoảng 11 triệu người ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ và khu vực Trung Đông.

Ông đã gặp rắc rối với Chính phủ vào năm 2008, khi chính quyền của bà Hasina mở một loạt cuộc điều tra về ông. Trong quá trình điều tra, Hasina cáo buộc Yunus sử dụng vũ lực và các biện pháp khác để thu hồi các khoản vay từ những phụ nữ nông thôn nghèo với tư cách là người đứng đầu Ngân hàng Grameen. Ông Yunus phủ nhận mọi cáo buộc.

Chính phủ của Hasina bắt đầu xem xét các hoạt động của ngân hàng vào năm 2011, và Yunus đã bị sa thải khỏi vị trí giám đốc điều hành vì bị cáo buộc vi phạm các quy định về hưu trí của chính phủ. Ông đã bị đưa ra xét xử vào năm 2013 với cáo buộc nhận tiền mà không được chính phủ cho phép, bao gồm cả Giải Nobel và tiền bản quyền từ một cuốn sách.

Sau đó, ông phải đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến các công ty khác mà ông thành lập , bao gồm Grameen Telecom, một phần của công ty điện thoại di động lớn nhất đất nước, GrameenPhone, một công ty con của gã khổng lồ viễn thông Na Uy Telenor. Năm 2023, ông bị kiện với cáo buộc biển thủ phúc lợi công ty. Đầu năm nay, một tòa án đặc biệt tại Bangladesh đã truy tố ông Yunus và 13 người khác về tội biển thủ 2 triệu USD. Ông Yunus không nhận tội và hiện đang được tại ngoại. Những người ủng hộ Yunus cho biết ông bị nhắm tới vì thái độ chỉ trích công khai của ông đối với Thủ tướng Hasina.

Nhân vật được tín nhiệm nhất Bangladesh

Mặc dù hầu như không tham gia chính trường, ông Yunus là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất ở Bangladesh và có ảnh hưởng đáng kể với giới tinh hoa phương Tây.

Trong thập kỷ qua, ông Yunus đã tập trung vào việc mở rộng hàng chục doanh nghiệp xã hội, bao gồm cả những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, đào tạo nghề và dịch vụ điện thoại cho những người Bangladesh nghèo. Với uy tín của mình, ông Yunus mang sức mạnh của một ngôi sao vào vai trò này và là sự lựa chọn phổ biến của nhiều chính phủ phương Tây. Những người ủng hộ ông trải dài trên nhiều ngành công nghiệp và châu lục. Trong nhiều năm, ông đã vun đắp tình hữu hảo với các hoàng gia châu Âu, những ông trùm kinh doanh như Richard Branson và gia đình Clinton, những người hỗ trợ ông mở rộng các sáng kiến tín dụng vi mô sang Mỹ. Những người thân cận khẳng định, ông là một người có tầm nhìn xa với cam kết thực sự với Bangladesh và nâng cao đời sống của người nghèo.

“Ông ấy là tiếng nói của những người bị bỏ lại phía sau”, Paul Polman, cựu giám đốc điều hành của Unilever Plc cho biết. “Ông ấy là một nhà lãnh đạo có đạo đức. Ông ấy không phải là người thích nói về bản thân mình".

Điều đó khiến ông được nhiều người dân Bangladesh tín nhiệm, bao gồm cả quân đội, vốn từng ủng hộ ông trong lần đầu tiên tham gia chính trường. Sau khi giành giải Nobel Hòa bình năm 2006, hàng nghìn người Bangladesh đã tụ tập tại các địa điểm để nghe ông phát biểu.

Con đường chính trị

Dù vậy, chính trị đối với ông chủ yếu vẫn là một lĩnh vực chưa được khám phá. Năm 2007, chính phủ Bangladesh đã tan rã và quân đội lên nắm quyền. Ông Yunus, chưa bao giờ ra tranh cử, từng cân nhắc việc thành lập một đảng mới, nhưng cuối cùng đã hủy bỏ ý tưởng này chỉ sau vài tuần.

Sau khi Thủ tướng Hasina bị buộc phải từ chức và lưu vong, ông Yunus đã được chọn làm Thủ tướng lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức. Quyết định này được đưa ra sau một cuộc họp vào cuối ngày 6.8 bao gồm các nhà lãnh đạo biểu tình của sinh viên, các chỉ huy quân sự, các thành viên xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Việc bổ nhiệm ông Yunus do quân đội hậu thuẫn để tạm thời lãnh đạo Bangladesh là một bước ngoặt đáng chú ý đối với nhà kinh tế học này.

Tuy nhiên, phục hồi trạng thái bình thường cho Bangladesh không phải là nhiệm vụ đơn giản. Trong vài tuần qua, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và nhân viên an ninh đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người, một trong những vụ bạo lực tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Á này. Và trong khi Thủ tướng Hasina đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo thông qua xuất khẩu hàng may mặc, thì tăng trưởng kinh tế gần đây đã đình trệ ở Bangladesh, khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải can thiệp bằng các quỹ cứu trợ. Bà Hasina buộc phải chạy trốn vào thứ Hai sau nhiều tuần biểu tình phản đối hệ thống hạn ngạch phân bổ việc làm khu vực công. Cuộc biểu tình và sự ra đi của thủ tướng đã đẩy Bangladesh vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Quân đội tạm thời nắm quyền kiểm soát, nhưng không rõ vai trò của họ trong chính phủ lâm thời sau khi tổng thống giải tán Quốc hội vào ngày 6.8 để mở đường cho cuộc bầu cử.

Các nhà lãnh đạo sinh viên tổ chức các cuộc biểu tình muốn ông Yunus, người hiện đang ở Paris với tư cách là cố vấn cho ban tổ chức Thế vận hội của Pháp, sẽ đóng vai trò chính trong một Chính phủ tương lai của Bangladesh.

Liệu nhà kinh tế này có chủ đích chuyển hướng sang chính trị hay chỉ đơn giản là lấp đầy khoảng trống trước khi cuộc bầu cử được tổ chức? Cho đến nay ông chưa từng đề cập đến tham vọng đảm nhận vai trò chính thức hơn trong việc định hình một chính phủ mới. "Tôi không phải là chính trị gia," ông nói trong cuộc phỏng vấn đầu năm nay. "Đây là điều cuối cùng tôi sẽ làm".

Quỳnh Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/chu-nhan-giai-nobel-hoa-binh-co-mang-lai-hy-vong-cho-bangladesh--i383586/