Pakistan hướng sang Nga để thay thế nguồn cung năng lượng từ Iran?

Pakistan đang đối mặt với một ngã rẽ quan trọng trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng năng lượng thông qua dự án đường ống Iran-Pakistan. Mặc dù dự án này được xem là giải pháp tiềm năng nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt năng lượng, nó đang bị sa lầy trong các căng thẳng địa chính trị và các lệnh trừng phạt quốc tế, đặc biệt từ Mỹ.

Khói lửa bốc lên sau vụ tấn công của quân đội Pakistan nhằm vào mục tiêu được cho là khủng bố ở tỉnh Sistan-Baluchestan, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Khói lửa bốc lên sau vụ tấn công của quân đội Pakistan nhằm vào mục tiêu được cho là khủng bố ở tỉnh Sistan-Baluchestan, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo Nhật báo Pakistan (Daily Pakistan) ngày 17/9, Pakistan đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng của mình. Đường ống dẫn khí đốt Iran-Pakistan, từng được coi là một giải pháp tiềm năng, giờ đây rơi vào tình trạng bấp bênh, bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, các lệnh trừng phạt quốc tế và xung đột quân sự xuyên biên giới. Trong bối cảnh này, Pakistan đang tìm kiếm những giải pháp thay thế, bao gồm cả việc xây dựng quan hệ đối tác năng lượng mới với Nga.

Đường ống Iran-Pakistan được kỳ vọng cung cấp 750 triệu feet khối khí đốt từ Iran mỗi ngày, giúp giảm tình trạng thiếu hụt năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu. Tuy nhiên, dự án này đã vướng vào nhiều rào cản. Thời hạn tháng 3/2024 để hoàn thành phần đường ống phía Pakistan đã bị bỏ lỡ, làm dấy lên những căng thẳng giữa hai quốc gia. Trong khi Iran tuyên bố đã hoàn thành phần đường ống của mình, Pakistan vẫn chưa thể tiến hành hoàn tất phần còn lại do lo ngại về các lệnh trừng phạt từ Mỹ và căng thẳng nội bộ.

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với dự án này là lệnh trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA). Washington lo ngại rằng việc hoàn thành đường ống sẽ thúc đẩy nền kinh tế của Iran và giúp nước này gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Bất chấp những nỗ lực của Pakistan để xin miễn trừ trừng phạt, tương tự như Ấn Độ đã được đối với việc nhập khẩu dầu từ Iran, chưa có sự nhượng bộ nào từ phía Mỹ.

Mối quan hệ giữa Pakistan và Iran không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế mà còn bởi những căng thẳng quân sự gần đây. Vào đầu năm nay, Iran đã phóng tên lửa vào tỉnh Balochistan của Pakistan, gây ra nhiều thương vong cho dân thường. Pakistan đã đáp trả bằng cách tấn công các vị trí ẩn náu của phiến quân trong lãnh thổ Iran. Mặc dù chưa leo thang thành xung đột toàn diện, những cuộc tấn công này làm sâu sắc thêm sự ngờ vực và gây khó khăn trong việc duy trì an ninh cho dự án đường ống, đặc biệt khi nó đi qua khu vực có nhiều xung đột như Balochistan.

Ngoài căng thẳng quân sự, Iran còn đe dọa sẽ áp dụng khoản phạt 18 tỷ USD đối với Pakistan nếu nước này không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng. Đây là một động thái nhằm khẳng định lại vị thế của Iran như một nhà cung cấp năng lượng khu vực và nhấn mạnh khả năng của Tehran trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế.

Sự thay thế từ Nga và mối quan hệ với Trung Quốc

Trong bối cảnh các mối quan hệ với Iran trở nên phức tạp, Pakistan đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Một trong những giải pháp thay thế tiềm năng là hợp tác với Nga. Moskva đã đề nghị xây dựng một đường ống khí đốt mới cho Pakistan, tạo ra một sức mạnh đối trọng với Iran. Việc thiết lập quan hệ đối tác năng lượng với Nga không chỉ giúp Pakistan giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng mà còn giúp nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào Iran và tránh những rủi ro liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc, đối tác chiến lược lâu năm của Pakistan, cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong tình thế này. Trung Quốc đã đầu tư lớn vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một dự án quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia. Mặc dù Bắc Kinh chưa có động thái rõ ràng về vấn đề đường ống Iran-Pakistan, sự ổn định của khu vực này là một trong những ưu tiên của Trung Quốc. Nếu cần thiết, Bắc Kinh có thể đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán, đồng thời thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa Pakistan và các đối tác khác.

Có thể nói tương lai của đường ống dẫn khí Iran-Pakistan hiện vẫn còn nhiều điều không chắc chắn. Dự án này, nếu hoàn thành, có thể cung cấp nguồn năng lượng quan trọng cho Pakistan và giúp ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, các yếu tố chính trị và địa chính trị phức tạp, từ các lệnh trừng phạt của Mỹ cho đến các cuộc xung đột xuyên biên giới, đặt ra nhiều rủi ro lớn cho dự án. Trong bối cảnh đó, Pakistan cần đưa ra quyết định chiến lược về việc có tiếp tục hợp tác với Iran hay tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo dailypakistan.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/pakistan-huong-sang-nga-de-thay-the-nguon-cung-nang-luong-tu-iran-20240918231536615.htm