LHQ yêu cầu Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng
Ngày 18/9, Đại hội đồng LHQ Khóa 79 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Israel chấm dứt sự hiện diện bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trong vòng 12 tháng.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, nghị quyết do Palestine đệ trình được thông qua với 124 phiếu thuận, 43 phiếu trắng và 14 phiếu chống trong đó có Israel và Mỹ.
Nghị quyết cũng hoan nghênh ý kiến tư vấn hồi tháng 7 của Tòa án Công lý Quốc tế (ICC), trong đó tuyên bố việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ và khu định cư của Palestine là bất hợp pháp và cần phải chấm dứt.
Đây là nghị quyết đầu tiên được Chính quyền Palestine chính thức đệ trình tại LHQ kể từ khi giành được một ghế thành viên LHQ tại các cuộc họp của Đại hội đồng và có quyền đề xuất các dự thảo nghị quyết.
Đại hội đồng LHQ cũng kêu gọi các quốc gia “có những bước đi nhằm “tạm dừng việc nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ các khu định cư Do Thái, cũng như việc cung cấp hoặc chuyển giao vũ khí, đạn dược và thiết bị liên quan cho Israel do lo ngại chúng có thể được sử dung tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”.
Việc Đại hội đồng LHQ khóa mới thông qua nghị quyết nói là một thắng lợi chính trị của Palestine trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tề tựu về trụ sở LHQ ở New York trong tuần tới để tham dự Tuần lễ Cấp cao LHQ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 26/9, cùng ngày phát biểu của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 18/9, Tổng thư ký Liên đoàn Ả-rập (AL) Ahmed Aboul-Gheit đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thực hiện trách nhiệm của mình và phản ứng với các hành động liều lĩnh đang diễn ra của Israel đối với an ninh và hòa bình trong khu vực, đặc biệt là sau vụ nổ máy nhắn tin ở Libăng.
Theo AL, lời kêu gọi được đưa ra sau các cuộc tấn công được cho là do Israel tiến hành nhằm vào cơ sở hạ tầng truyền thông ở Libăng. Trong một tuyên bố, ông Aboul-Gheit lên án các cuộc tấn công của Israel, đồng thời cảnh báo về những hậu quả của sự leo thang nguy hiểm này đối với Libăng và người dân nước này.
Ông nhấn mạnh: “Các cuộc tấn công trùng với các tuyên bố vô trách nhiệm từ các nhà lãnh đạo Israel, những người dường như có ý định mở rộng phạm vi chiến tranh ở mặt trận phía Nam Libăng, điều này có thể gây mất ổn định nguy hiểm cho toàn bộ khu vực”.
Theo tuyên bố, ông Aboul-Gheit đã bày tỏ sự đoàn kết không lay chuyển của mình với Libăng và chính phủ nước này trước cuộc tấn công được cho là hành động vi phạm chủ quyền và an ninh của đất nước.
Chính phủ Libăng cho biết, ngày 18/9, đã có 9 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương khi một loạt bộ đàm phát nổ trên khắp Libăng, một ngày sau vụ nổ loạt máy nhắn tin của nhóm vũ trang Hezbollah khiến 12 người thiệt mạng và khoảng 2.800 người bị thương. Bộ Y tế Libăng ra tuyên bố cho hay: "Đợt nổ bộ đàm mới... đã giết chết 9 người và làm bị thương hơn 300 người".
Một nguồn tin thân cận với Hezbollah tiết lộ, các bộ đàm được thành viên của nhóm này sử dụng đã phát nổ tại thành trì ở Beirut trong các đám tang của các thành viên nhóm thiệt mạng trong loạt vụ nổ hôm 17/9.
Trong khi đó, một nguồn tin an ninh và nhân chứng cho biết ngày 18/9, các máy bộ đàm cầm tay, do nhóm vũ trang Hezbollah của Libăng sử dụng, đã phát nổ trên khắp miền Nam nước này và vùng ngoại ô phía Nam Thủ đô Beirut.
Theo các nguồn tin, ít nhất một trong những vụ nổ xảy ra gần đám tang do Hezbollah tổ chức cho những người thiệt mạng trong loạt vụ nổ máy nhắn tin hôm 17/9. Thông tin mới nhất của các nguồn tin an ninh cho thấy hàng chục người đã bị thương trong loạt vụ nổ mới nhất này.
Trong khi đó, cùng ngày, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk yêu cầu phải tiến hành điều tra "độc lập, toàn diện và minh bạch" về loạt vụ nổ máy nhắn tin, buộc các đối tượng liên quan phải "chịu trách nhiệm".
Ông lên án mạnh mẽ loạt vụ nổ trên, đồng thời khẳng định ảnh hưởng của các vụ nổ đối với dân thường là "không thể chấp nhận được". Cao ủy Nhân quyền LHQ nêu rõ tất cả các quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế cần thực hiện ngay các biện pháp nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột hiện nay lan rộng.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)