Chu Nhật Quang - Người bảo tồn tranh sơn mài truyền thống

Là một họa sĩ trẻ, đam mê với dòng tranh sơn mài, họa sĩ Chu Nhật Quang đã cho ra đời những bức tranh mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt. Qua đó, đã góp phần truyền tải, tôn vinh các giá trị văn hóa nước nhà.

Họa sĩ Chu Nhật Quang sống trong gia đình có truyền thống làm sơn mài và rối nước, từ nhỏ anh đã mê mẩn các linh vật như rùa, rồng, lân, phượng. Cùng với đó, anh rất thích đi đến những nơi tâm linh. Vì vậy, các tác phẩm sơn mài của anh luôn thể hiện những linh vật và chùa chiền.

 Họa sĩ Chu Nhật Quang đang hoàn thiện bức tranh sơn mài mà anh tâm đắc

Họa sĩ Chu Nhật Quang đang hoàn thiện bức tranh sơn mài mà anh tâm đắc

Trong tranh sơn mài phong cảnh, anh luôn kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang đến hình ảnh làng quê Việt giản dị và bình yên. Qua từng tác phẩm, Chu Nhật Quang không chỉ thể hiện sự tôn trọng và yêu mến giá trị văn hóa mà còn mang đến góc nhìn mới mẻ, hiện đại cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Chu Nhật Quang cho biết: Làm tranh sơn mài chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng. Nguyên liệu dù không hề khó kiếm, nhưng thứ quyết định thành bại của một tác phẩm nằm ở kỹ thuật của người họa sĩ, khi một bức tranh đòi hỏi rất nhiều công đoạn.

"Màu sắc trong tranh của anh đã được "lập trình" sẵn từ khi quyết định theo đuổi sơn mài, đó là sắc màu truyền thống sơn son thiếp vàng. Nhưng khi sáng tạo được nửa chặng đường, những thôi thúc phải tạo ra bản sắc riêng khiến anh chọn màu sắc theo sở thích, vẫn giữ truyền thống song đã có những mảng màu, độ sáng khác nhau mang hơi thở thời đại", họa sĩ Chu Nhật Quang chia sẻ.

Ngắm những tác phẩm mang sắc thái "rất Tây", những gam màu tươi sáng, mới mẻ và các kỹ thuật phối màu hiện đại của họa sĩ Chu Nhật Quang, người xem như được hòa mình vào không gian đẹp và thanh bình ở các miền quê, những bức tranh mang đến cho người xem cảm giác vừa ấm áp, vừa vô cùng thân quen, gần gũi,…

 Họa sĩ Chu Nhật Quang thừa nhận mình may mắn khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hai thế hệ gắn bó sâu sắc với nghệ thuật truyền thống.

Họa sĩ Chu Nhật Quang thừa nhận mình may mắn khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hai thế hệ gắn bó sâu sắc với nghệ thuật truyền thống.

Họa sĩ Chu Nhật Quang thừa nhận mình may mắn khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hai thế hệ gắn bó sâu sắc với nghệ thuật truyền thống. Ông nội là NSND Chu Mạnh Chấn - một trong những nghệ sĩ nổi bật với niềm đam mê sâu sắc trong việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài. Bố của anh là NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long với niềm say mê với nghệ thuật rối nước.

Những giá trị nghệ thuật, tình yêu đối với văn hóa truyền thống mà ông nội và bố truyền lại luôn âm thầm chảy như mạch nước ngầm, thấm sâu vào máu thịt người họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang từ những ngày còn thơ ấu. Nhờ đó, định hình nên phong cách vẽ tranh của anh, anh ôm trọn chất liệu khó tính này bằng tất cả tình yêu và ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt.

Họa sĩ Chu Nhật Quang mê vẽ và vẽ nhiều. Anh vẽ liên tục, không ngừng nghỉ, vừa để thỏa mãn đam mê, vừa để giải phóng nội tâm của mình. Hiện anh đang tập trung vào việc thực hiện seri các tác phẩm sơn mài theo dòng tâm thức, dòng tranh thể hiện những hồi ức, suy tưởng từ quá khứ. Anh vẽ lại những gì trong suy nghĩ, trong tâm tưởng, những hồi ức về quá khứ, về tuổi thơ, về quê hương, về cuộc sống hoặc về những nơi anh đã từng đến.

“Với tôi, mỗi bức tranh sơn mài không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà là một phần của tâm hồn và di sản gia đình. Chính vì thế, ở hiện tại và cả tương lai, tôi và gia đình không có ý định thương mại hóa những gì quý giá ấy. Tôi muốn những bức tranh này đến được những nơi thực sự có ý nghĩa, nơi mà giá trị văn hóa và tinh thần của chúng được tôn vinh. Còn lại, chúng sẽ được lưu giữ trong phòng trưng bày riêng của gia đình, như một cách để tri ân nghệ thuật và di sản mà tôi đang gìn giữ và tiếp nối”, họa sĩ Chu Nhật Quang tâm sự.

 Bức tranh sơn mài với màu sắc hiền hòa, phong cảnh bình yên thu hút người xem

Bức tranh sơn mài với màu sắc hiền hòa, phong cảnh bình yên thu hút người xem

Là họa sĩ trẻ, nhưng Chu Nhật Quang không chạy theo thị hiếu hay tìm kiếm sự dễ dãi, anh nói “không” với việc “nhái” phong cách, nhái tác phẩm, mà luôn tự tìm cho mình một phong cách và lối đi riêng, với mong muốn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn và mang phong cách của riêng mình.

Họa sĩ Chu Nhật Quang cho biết, một trong những lý do để anh lựa chọn và theo đuổi dòng tranh sơn mài là bởi đây là dòng tranh truyền thống, mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt Nam. Dòng tranh này cũng từng được xem là một trong những niềm tự hào của người Việt. Chính vì vậy, anh đã lựa chọn vẽ tranh sơn mài với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giới thiệu, phát triển dòng tranh này nhiều hơn nữa đến với bạn bè trong nước và quốc tế...

Có thể thấy, nghề sơn mài của Việt Nam, trong nhiều thập niên vừa qua, đã được thế giới biết đến với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tác phẩm hội họa nổi tiếng. Giới chuyên gia cho rằng, nét đẹp của sơn mài mang một sức truyền cảm mạnh mẽ của một truyền thống văn hóa cổ xưa in đậm nét trong tâm thức của người Việt.

Đến nay, chất liệu sơn mài được đánh giá đã góp phần tạo nên sự độc đáo của mỹ thuật Việt Nam. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và hội họa sơn mài là những sản phẩm, tác phẩm độc đáo, cần được xây dựng trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

 Mỗi bức tranh của Chu Nhật Quang đều có màu giản dị, ấm áp, gần gũi.

Mỗi bức tranh của Chu Nhật Quang đều có màu giản dị, ấm áp, gần gũi.

Tới đây, vào dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2024), 50 tác phẩm sơn mài của họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ được trưng bày tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. 50 bức tranh là bấy nhiêu ký ức, hoài niệm và tình cảm của Chu Nhật Quang, với cảm hứng xuyên suốt là tinh thần dân tộc, nghệ thuật múa rối nước, hình ảnh Hà Nội - nơi họa sĩ sinh ra và dành nhiều tình yêu.

Đây là một sự kiện đặc biệt không chỉ để họa sĩ Chu Nhật Quang giới thiệu nghệ thuật sơn mài Việt Nam tới công chúng và những người yêu hội họa trên toàn quốc mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản văn hóa và sự đổi mới sáng tạo.

Theo họa sĩ Chu Nhật Quang, tất cả những ý tưởng đều được anh ấp ủ từ lâu, với những nghiên cứu và ý thức sâu sắc về văn hóa, chỉ chờ một chất liệu phù hợp để thăng hoa - đó là sơn mài.

Họa sĩ Chu Nhật Quang bày tỏ mong muốn góp phần phát triển, mở rộng cộng đồng các họa sĩ trẻ đam mê nghệ thuật sơn mài truyền thống. Anh dự định phối hợp một số đơn vị giáo dục, đào tạo nghề, công tác xã hội... để mở lớp dạy vẽ cho trẻ em, trẻ tự kỷ.

Trong lần triển lãm cá nhân đầu tiên, họa sĩ Chu Nhật Quang không đặt nặng vấn đề thu hút các nhà sưu tập mà chỉ thiết tha muốn gửi tới công chúng thông điệp về mối liên kết chặt chẽ giữa bản sắc dân tộc với nghệ thuật đương đại, lan tỏa niềm tự hào về sơn mài Việt Nam trong nhịp sống hối hả ngày nay. Anh khao khát góp phần tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế của nghệ thuật dân tộc trên trường quốc tế.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-nhat-quang--nguoi-bao-ton-tranh-son-mai-truyen-thong-post310170.html