Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Nhà nước nên 'mở hơn nữa' trong truyền tải điện

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, chỉ nên độc quyền đến mức nào đó để huy động được các nguồn lực xã hội tham gia.

Chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, dự án Luật có 9 chương, 121 điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành), trong đó, giữ nguyên 01 Điều so với Luật hiện hành.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012; năm 2018; năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài báo cáo tại phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật thời gian, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn.

Trong đó, bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Với yêu cầu cấp thiết cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) sớm nhất có thể để triển khai trong thực tiễn, bảo đảm an ninh năng lượng trong giai đoạn sắp tới, do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình một kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV).

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật đã đưa ra chính sách xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Tuy nhiên, ở quy định về vận hành lưới điện truyền tải vẫn đang giữ lại phần độc quyền tương đối nhiều. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, phân cấp, phân loại về truyền tải điện để phát huy xã hội hóa trong việc đầu tư và thực hiện lộ trình về giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường.

“Nếu phần đầu tư thì xã hội hóa nhưng truyền tải điện vẫn hạn hẹp thì không thực hiện được. Đầu tư mà không có truyền tải thì không biết sẽ đi tới đâu, nên phải rất hợp lý và đồng bộ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Nhà nước nên độc quyền tới mức độ nào về truyền tải điện để huy động nguồn lực xã hội hóa.

Cụ thể, theo đề xuất của ông Thanh, ở khâu truyền tải điện, Nhà nước nên độc quyền theo cấp điện áp. Tức là, chỉ giữ độc quyền hệ thống truyền tải điện trên 35 kV (cao áp, siêu cao áp). Còn cấp điện áp dưới 35 kV tại các địa bàn, khu vực không vướng quốc phòng an ninh, nên cho tư nhân đầu tư.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu.

Thẩm tra trước đó, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho biết, cơ quan này nhất trí việc bổ sung các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực. Nhưng có ý kiến cho rằng, quy định Nhà nước độc quyền đầu tư các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp là quá rộng.

Trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế, nhu cầu sử dụng điện lại cao, cần có cơ chế để huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư ở những hoạt động mà không bắt buộc Nhà nước phải độc quyền. Việc quy định quá rộng các hoạt động mà Nhà nước độc quyền sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ hơn các chính sách để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, nhất là việc xóa bù chéo giá điện và phát triển nhân lực, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, để có bản thảo chất lượng tốt nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chu-nhiem-uy-ban-kinh-te-nha-nuoc-nen-mo-hon-nua-trong-truyen-tai-dien-92094.html