Chủ nợ khốn đốn vì đòi nợ không đúng cách

Vay nợ thì phải trả - tuy nhiên, không phải trường hợp nào người vay cũng tuân thủ những quy định về nghĩa vụ trả nợ. Từ đó, khiến bên cho vay bức xúc, dẫn đến rất nhiều cách đòi nợ không đúng quy định pháp luật. Thậm chí, bên cho vay phải vướng vòng lao lý vì đòi nợ không đúng cách.

Cuối tháng 11 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã khởi tố đối tượng Phạm Đình Phước (SN 1992) về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Vì không đòi được số nợ 200 triệu cho người cùng làng vay, Phước đã rủ bạn bè mang nhang đến thắp và mở loa khủng bố nhà “con nợ”, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Hay như vụ Phạm Ngọc Hậu (SN 1997, trú ở phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) cho Phạm Quốc Duy (trú cùng phường) vay 44 triệu đồng. Sau 2 tháng trả lãi thì Duy gặp khó khăn nên cùng gia đình rời quê đến phường Cam Phú, TP Cam Ranh để mưu sinh. Thời gian sau, Hậu biết được nơi ở mới của Duy nên rủ 3 người nữa đi tìm. Khi thấy Duy ở quán Bụi, nhóm của Hậu đã khống chế, bắt giữ Duy, đánh đập, đe dọa, ép buộc Duy gọi điện cho người thân trả nợ. Hậu và bạn bè đã bị Công an TP Cam Ranh truy bắt vì có dấu hiệu tội phạm “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp.

Tất cả những vụ việc trên đều xuất phát từ việc người vay đến hạn mà không trả, người cho vay vì quá bức xúc nên mới tìm mọi cách để đòi được số tiền mà họ đã cho vay.

Theo luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp, Công ty Luật Thành Công Việt Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội, đối với việc ứng xử trong vay nợ hoặc thỏa thuận vay tại thời điểm vay thì căn cứ quy định của Bộ luật Dân sựnăm 2015, khi cho vay các bên hoàn toàn có thể tự thỏa thuận về việc cho vay. Tuy nhiên, để lập chứng cứ cho vay, các bên có thể đến văn phòng công chứng gần nhất để yêu cầu Công chứng viên lập hợp đồng vay theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, việc cho vay sẽ được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Nếu trường hợp người vay khi đến hạn trả tiền mà không trả, hoặc không thực hiện theo đúng thỏa thuận của hợp đồng vay thì bên cho vay có thể khởi kiện bên vay đến TAND có thẩm quyền để buộc bên vay hoàn trả toàn bộ tiền gốc và lãi theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp cũng cho biết, việc vay nợ là thỏa thuận dân sự giữa các bên (giữa người cho vay tiền và người vay tiền). Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch vay nợ, việc người cho vay tìm mọi cách để ép người vay trả tiền như đem nhang đến đốt trước nhà, tạt sơn, chất bẩn, đánh đập… gây sức ép đối với gia đình để yêu cầu họ trả tiền… là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2018 quy định về tội “Cưỡng đoạt tài sản”: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm… Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.

Bên cạnh đó, ngoài các hành vi như đe dọa, đánh đập người vay tiền để ép trả tiền thì việc người cho vay có hành vi bắt cóc người vay để uy hiếp tinh thần, gây sức ép để người vay hoặc gia đình người vay trả tiền thì có thể có dấu hiệu của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Cụ thể, căn cứ Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2018 quy định:Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 hoặc Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 12 năm nếu trường hợp làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát…

Luật sư Hiệp cũng mong rằng người dân nên tìm hiểu để ứng xử đúng pháp luật trong việc vay nợ, nếu không chắc chắn về việc mình làm, hãy tham khảo ý kiến của các luật sư, chuyên gia pháp lý để được tư vấn cụ thể

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tai-chinh-40/chu-no-khon-don-vi-doi-no-khong-dung-cach-i637020/