Chủ quán cà phê Bình Điền Phố lãnh án vì nuôi nhốt động vật nguy cấp, quý, hiếm

Bị cáo nuôi nhốt hai vượn đen má hung, một rùa núi vàng, hai con vẹt, hai con kỳ nhông; các cá thể này thuộc danh mục động vật quý, hiếm; việc vận chuyển, nuôi nhốt phải được cấp phép.

Ngày 20-3, TAND quận 8, TP.HCM đưa ra xét xử sở thẩm và tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Tuấn 3 năm tù, Vương Ngọc Hân 2 năm 3 tháng tù và Đặng Thị Kiều 1 năm 3 tháng tù cùng về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Video: Chủ quán cà phê Bình Điền Phố lãnh án vì nuôi nhốt động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Vụ án được xét xử lưu động tại khu vực Chợ đầu mối Bình Điền. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Trọng Trúc. Đại diện VKSND quận 8 là kiểm sát viên Trần Đức Khuê.

 Phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.Ảnh: TRẦN LINH

Phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.Ảnh: TRẦN LINH

Tại tòa, cả ba bị cáo đều thành khẩn khai báo, đều không biết là hành vi nuôi nhốt các loại động vật này là vi phạm cho đến khi bị bắt và làm việc với cơ quan chức năng.

Các bị cáo đã ý thức được hành vi vi phạm pháp luật, tỏ ra ăn năn hối cải và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Tòa nhận định, đây là vụ án có đồng phạm nhưng mang tính giản đơn, không có tổ chức. Trong đó, bị cáo Hân giữ vai trò chính; bị cáo Kiều và bị cáo Tuấn giữ vai trò đồng phạm giúp sức tích cực. Tuy nhiên, vai trò của bị cáo Kiều trong vụ án này có phần hạn chế hơn bị cáo Tuấn.

 Các bị cáo tại phiên tòa xét xử lưu động. Ảnh: TRẦN LINH

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử lưu động. Ảnh: TRẦN LINH

Bị cáo Hân khai, hai cá thể vượn được mua lại từ một người đàn ông không rõ lai lịch với giá 950 ngàn một con, còn hai con vẹt, hai con kỳ nhông, một con rùa thì là của Tuấn, đã có từ trước, Hân không rõ nguồn gốc.

Tòa hỏi: Tại sao bị cáo mua hai cá thể vượn và có biết đó là vi phạm không? Bị cáo Tuấn có biết việc này không?

Khai với tòa, Hân không hề biết đó là hành vi phạm luật mà chỉ nghĩ đơn thuần là hai con khỉ, và mục đích mua do thương hai con vật này, muốn cứu chúng. Ban đầu, Tuấn không cho nuôi, nhưng bị cáo năn nỉ nuôi đến khi về Vũng Tàu và thả chúng về rừng ở núi Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu).

 An ninh được thắt chặt tại phiên tòa xét xử lưu động. ẢNh:TRẦN LINH

An ninh được thắt chặt tại phiên tòa xét xử lưu động. ẢNh:TRẦN LINH

Khai với tòa, Tuấn không hề biết, cho đến khi về quán nhìn thấy thì mới hỏi Hân và bị cáo không đồng ý cho Hân nuôi. Tuy nhiên, do Hân năn nỉ nuôi cho đến khi mang về Vũng Tàu thả.

Tuấn khai rằng hai con kỳ nhông nuôi từ 7-8 năm trước, được một người em tặng. Còn hai cá thể vẹt là mua thông qua mạng xã hội, con rùa mai vàng thì Tuấn không biết đâu ra, đã thấy gần một năm. Tuấn cho rằng có ai đó thả vào và do không thường xuyên ở quán nên không biết và cho đến khi bị bắt thì Tuấn mới ý thức được hành vi vi phạm của mình.

Khai tại tòa, Kiều cho biết là được Hân thuê vào làm với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Hằng ngày, Kiều dọn dẹp tại quán cà phê và cho các con thú ăn, theo sự hướng dẫn của Hân. Về nguồn gốc các con vật, Kiều không rõ, không biết của ai. Kiều mong nhận được sự khoan hồng để về nuôi con nhỏ.

 Đại diện VKSND quận 8 giữ quyền công tố tại tòa. Ảnh: TRẦN LINH

Đại diện VKSND quận 8 giữ quyền công tố tại tòa. Ảnh: TRẦN LINH

Theo Kết luận giám định của Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam thì kết luận hai cá thể vượn là loài vượn đen má hung thuộc lớp thú, nằm trong danh mục động vật quý, hiếm.

Còn hai cá thể kỳ nhông thuộc lớp bò sát, cá thể vẹt màu đỏ và cá thể vẹt xanh ngực vàng là loài vẹt thuộc lớp chim, cá thể rùa là rùa núi vàng.

Việc vận chuyển, nuôi nhốt phải được cấp có thẩm quyền cấp phép để bảo tồn sự đa dạng sinh học vì các loài này gần tuyệt chủng.

Đại diện VKS đánh giá Hân và Kiều không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhân thân tốt. Riêng với bị cáo Tuấn đã bị kết án về tội bắt giữ người trái pháp luật, chưa được xóa án tích; lần phạm tội này là trường hợp tái phạm, tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Vì sao xét xử lưu động?

Tại phiên tòa, thẩm phán chủ tọa thông báo cho những người dân tham dự phiên tòa biết rằng tòa phối hợp với các cơ quan tố tụng, ban ngành địa phương, Ban quản lý chợ Bình Điền để đưa ra xét xử lưu động vụ án này.

Việc xét xử lưu động nhằm răn đe với các bị cáo, tuyên truyền pháp luật rộng rãi với toàn thể nhân dân trên địa bàn, không mua bán, nuôi nhốt các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm.

TRẦN LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-quan-ca-phe-binh-dien-pho-lanh-an-vi-nuoi-nhot-dong-vat-nguy-cap-quy-hiem-post781224.html