Chủ quán kể chuyện TikToker trễ hẹn, bùng kèo khi làm việc cùng
Thế Hùng (quận 4, TP.HCM) lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến những lần thuê TikToker để đánh giá món ăn tại nhà hàng của mình.
Thế Hùng (30 tuổi) thường lựa chọn những reviewer có số lượng người theo dõi khá lớn cùng kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực. Mỗi video do họ đăng tải, anh chi trả 3-6 triệu đồng tùy vào báo giá của nhân vật.
Kỳ vọng rằng reviewer là một kênh quảng cáo hiệu quả, thế nhưng không ít lần chủ quán hải sản này mệt mỏi bởi quá trình hợp tác không hề tốt đẹp.
"Trước khi làm việc, tôi và TikToker thống nhất với nhau về thời gian đăng video lên mạng xã hội. Nhưng trên thực tế, 1-2 tháng sau, các bạn vẫn chưa trả sản phẩm, luôn để khách phải hối thúc. Tôi trả tiền để làm việc, nhưng lại phải đi theo nài nỉ các bạn ấy, rất mất công", anh kể lại cùng Zing.
Trải nghiệm thất vọng
Với sự bùng nổ của TikTok nói riêng và mạng xã hội nói chung, rất nhiều chủ cửa hàng, quán ăn mong muốn hợp tác cùng KOL nhằm quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình.
Không thể phủ nhận việc nhiều quán xá nổi tiếng nhanh chóng, tiếp đón lượng khách lớn nhờ xuất hiện trên trending của TikTok, YouTube hoặc Facebook.
Nhưng từ chiều ngược lại, những người làm nội dung mạng xã hội cũng nhận khoản thù lao đáng kể khi hợp tác cùng các cửa hàng.
Reviewer - từ một mảng nội dung khen, chê trên mạng xã hội - giờ đây trở thành một công việc giúp một nhóm người trẻ kiếm tiền thật từ nền tảng ảo.
Quá trình hợp tác giữa hàng quán - reviewer thường khá đơn giản, nhưng cũng có nhiều vấn đề khi hai bên chưa hiểu ý hoặc một bên làm việc thiếu nhiệt tình, không chuyên nghiệp.
Thu An (28 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) là chủ 2 cửa hàng quần áo. Cô xem việc thuê reviewer trải nghiệm sản phẩm là một trong những kế hoạch marketing.
Mỗi lần làm chiến dịch quảng cáo, cô đặt lịch 3-5 TikToker review cho sản phẩm mới của mình, tốn 30 triệu đồng cho khoảng 10 video, mỗi video dài một phút. Theo Thu An, đây là thời lượng mang lại tương tác tốt nhất.
Hai năm qua, chủ hàng này làm việc trực tiếp cùng với nhiều KOL, KOC. Trong đó, cô thường xuyên gặp các reviewer mà theo cá nhân cô nhận xét là kém chuyên nghiệp.
"Tôi luôn cố tìm những gương mặt phù hợp nhất với thương hiệu, nhưng nhiều khi không thể tránh khỏi gặp những bạn có thái độ làm việc không tốt, thiếu sự hợp tác, thiếu nhiệt tình", Thu An tâm sự.
"Tôi còn gặp một số bạn làm việc rất hời hợt. Các bạn sử dụng cùng một bộ đồ do thương hiệu của tôi cung cấp để quay cho nhiều nhãn hàng khác nhau. Đây là việc làm hoàn toàn trái thỏa thuận ban đầu", cô kể thêm.
Đại Dương (34 tuổi, Đà Lạt) cũng cho rằng nhiều reviewer có thái độ làm việc thực sự không chuyên nghiệp.
Đây là kết luận của anh sau vài lần hợp tác cùng TikToker nhằm quảng bá cho quán cà phê và homestay mới của mình.
Trong đó, một số người chủ động liên hệ xin tài trợ và review tại quán anh.
Trong giai đoạn thương thảo, mọi thứ diễn ra khá nhanh chóng với sự hào hứng, nhiệt tình của đôi bên.
Tuy nhiên, đến bước cần TikToker đăng video đánh giá, rất nhiều vấn đề lại nảy sinh.
"Họ liên tục nêu ra các lý do để thoái thác hoặc dời thời gian trả clip như file quay bị hỏng, cháy sáng, bị ốm, bệnh... Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của tôi. Nhiều người trong số họ còn thường xuyên không trả lời tin nhắn", anh thở dài.
Quang Anh (23 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội), phụ trách marketing của một nhãn thời trang, còn gặp trường hợp KOL hủy dự án review vào phút chót vì "sản phẩm không phù hợp".
"Tôi làm việc với bạn ấy thông qua công ty quản lý. Bên tôi gửi ảnh sản phẩm kỹ lưỡng, sau đó mới ký hợp đồng. Nhưng đến sát ngày quay, bạn TikToker bất ngờ thông báo không thể mặc món đồ của bên tôi", anh lắc đầu kể lại.
Theo Quang Anh, lý do mà TikToker đưa ra là không hợp lý bởi trước đó, người này đã xem xét sản phẩm, còn nhờ đổi size cho vừa hơn với dáng người.
"Đến cuối cùng, tôi vẫn không biết tại sao cô ấy từ chối làm việc tiếp. TikToker này thậm chí hủy ngang hợp đồng chỉ với một tin nhắn. Tất nhiên, công ty quản lý phải đền bù hợp đồng, nhưng bên tôi quá mất thời gian với họ", anh bày tỏ.
Quá trình làm việc rắc rối nêu trên khiến Quang Anh phải vội vàng tìm người thay thế.
"Tôi còn bị sếp đánh giá vì làm việc không hiệu quả và chậm tiến độ quảng bá sản phẩm", anh kể thêm.
Tiếp tục hay dừng lại
Tuy vậy, khi được hỏi liệu có tiếp tục thuê TikToker hoặc người nổi tiếng để review sản phẩm, Quang Anh cho biết vẫn sẽ phải làm việc với những người này.
Theo nam nhân viên marketing, nghề reviewer vẫn sẽ tồn tại và phát triển cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội.
"TikTok, Instagram hay Facebook là thị trường kinh doanh chứa tệp khách hàng tiềm năng của chúng tôi. Tôi cũng không thể phủ nhận hiệu quả về độ nhận diện cũng như doanh thu khi sản phẩm của mình được KOL mặc thử và đăng lên trang cá nhân".
Thái Hùng cũng đồng tình với quan điểm này. Đối với anh, mạng xã hội quả thực có "ma thuật" định hướng người tiêu dùng. Nếu tận dụng tốt, người kinh doanh có thể thu về lượng khách hàng đáng kể.
Hiện tại, anh vẫn làm việc cùng một số TikToker nhằm quảng bá quán ăn. Tuy nhiên, anh phải lên hợp đồng kỹ lưỡng hơn, đặt ra yêu cầu rõ ràng để đảm bảo reviewer hoàn thành đúng tiến độ.
"Tôi cùng các nhân sự trong quán cẩn thận hơn trong việc lựa chọn người trải nghiệm dịch vụ. Nhìn chung, tôi đánh giá đây vẫn là một chiến dịch quảng cáo mang lại doanh thu", anh nói.
Còn với Thu An, reviewer là kênh quảng cáo hiệu quả cho nhãn hàng của cô, nhưng không phải phương án duy nhất.
Cô hiện vẫn hợp tác cùng một số TikToker cho bộ sưu tập mới, nhưng không đặt toàn bộ kỳ vọng marketing vào những nhân vật này.
Cô kết hợp cùng quảng cáo mạng xã hội, tung chương trình khuyến mại hoặc đầu tư chỉn chu hơn cho trang bán hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
"Suy cho cùng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mới là yếu tố tiên quyết để một người kinh doanh thu hút và giữ chân 'thượng đế'. Nếu sản phẩm của bạn không tốt, dù có thuê 100 reviewer hàng đầu cũng không thể cứu nổi, thậm chí mang lại tác dụng ngược khi người tiêu dùng mất lòng tin", cô nhận định.
Theo The Take Out, sức ảnh hưởng của TikToker đối với hàng quán ăn là khá lớn. Kết quả khảo sát do công ty MGH Advertising công bố vào năm ngoái cho thấy 36% người dùng TikTok ghé đến hoặc đặt món ăn từ một nhà hàng sau khi xem video trên nền tảng.
Các thương hiệu lớn cũng chuyển sang TikTok để khởi động chiến dịch quảng bá và bắt kịp xu hướng. Tuy nhiên, đó cũng là mặt trái đối với một số doanh nghiệp.
“Ngành nghề này đã bão hòa hơn rất nhiều so với thời điểm tôi bắt đầu mở kênh review từ năm 2014. Khi đó, những người đánh giá về ẩm thực thật sự làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và có hiểu biết nhất định. Tôi nghĩ bây giờ nhiều người lập tài khoản chỉ để trục lợi từ sự phụ thuộc ngày càng lớn của hàng quán ăn vào reviewer”, Alexa Matthews, người chuyên đánh giá về các nhà hàng, nói.