Chủ quan khi tắm nhưng vẫn đeo kính áp tròng, người phụ nữ mù luôn một bên mắt

Bà Marie Mason, 54 tuổi ở Anh, đã phải cắt bỏ một bên mắt do bị một loại vi khuẩn amip nguy hiểm có khả năng lây nhiễm xâm nhập từ kính áp tròng, dẫn tới mất thị lực.

Bà Mason lần đầu tiên nhận thấy mắt mình có vấn đề sau khi cảm nhận được rằng hình như có thứ gì đó đang bị mắc kẹt trên giác mạc. Những ngày sau, thị lực của Mason giảm sút dần, khiến bà phải đi gặp bác sĩ nhãn khoa.

Bác sĩ cho biết mắt của bà Mason đã bị xâm nhập bởi một loại vi sinh vật hiếm gặp nhưng có khả năng lây nhiễm khiến người bệnh bị mất thị lực. Bà Mason đã sử dụng kính áp tròng khi tắm, đây cũng là điều mà các chuyên gia thường xuyên cảnh báo, làm amip chui vào giữa ống kính và mắt của bà. Theo thời gian, sinh vật di căn tấn công mắt của bà, khiến thị lực giảm sút nghiêm trọng.

Sau khi thử các loại thuốc khác nhau và thực hiện một số ca cấy ghép giác mạc nhưng không thành công, bà Mason không còn cách nào khác là phải cắt bỏ mắt trái của mình.

 Chủ quan khi tắm nhưng vẫn đeo kính áp tròng, bà Mason mất luôn một bên mắt. Ảnh: NYP

Chủ quan khi tắm nhưng vẫn đeo kính áp tròng, bà Mason mất luôn một bên mắt. Ảnh: NYP

Việc chỉ có một bên mắt đã gây ra rất nhiều cản trở rất lớn cho bà Mason. Bà nói: "Thật là khó khăn khi làm mọi thứ chỉ với một mắt. Tôi đã dừng việc lái xe vì cảm thấy không thoải mái và tự tin khi di chuyển trên đường. Tôi cũng đang phải chịu đựng một chế độ uống thuốc mệt mỏi và phải tới bệnh viện ba lần một tuần để thăm khám".

Bất chấp những trở ngại, bà Mason đã phải cố gắng duy trì một cuộc sống bình thường khi chỉ có một bên mắt. Hiện bà làm trợ lý cho chồng mình là Jonathan, 50 tuổi, và cũng là tình nguyện viên cho nhà thờ tại địa phương.

 Cuộc sống của bà Mason hiện đã ổn hơn nhiều. Ảnh: NYP

Cuộc sống của bà Mason hiện đã ổn hơn nhiều. Ảnh: NYP

Bà cũng đem câu chuyện của mình để nhắn gửi tới những người đang sử dụng kính áp tròng rằng việc đeo kính áp tròng có thể giúp chúng ta thuận tiện hơn trong cuộc sống hàng ngày, nhưng cần phải cực kì cẩn thận. Bà Mason cũng mong các nhà sản xuất nên dán nhiều cảnh báo hơn trên bao bì để không ai phải gặp trường hợp đáng buồn như mình.

Đeo kính áp tròng tuy dễ dàng, tiện lợi nhưng chúng ta lại thường chủ quan và xem thường, dẫn tới sử dụng không đúng cách. Bạn cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng:

- Dùng dung dịch đặc hiệu cho kính áp tròng, không dùng nước cất, nước lọc hay dung dịch khác để thay thế.

- Không đeo kính áp tròng khi tắm, bơi hay đi ngủ. Hóa chất và vi khuẩn trong hồ bơi đều có khả năng tổn thương giác mạc và gây nhiễm trùng mắt.

- Không tiết kiệm, tái sử dụng dung dịch vệ sinh kính.

- Nên đeo kính áp tròng trước khi trang điểm để hạn chế các bụi phấn bay vào mắt gây khó chịu, kích ứng.

- Không sử dụng chung kính áp tròng với người khác, đây là một trong những nguyên nhân gây lây lan các vấn đề về mắt. Mắt của mỗi người sẽ có một kích thước khác nhau, đeo không đúng kích cỡ sẽ dẫn tới xước giác mạc, dễ dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Linh Trang (New York Post)

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/chu-quan-khi-tam-nhung-van-deo-kinh-ap-trong-nguoi-phu-nu-mu-luon-mot-ben-mat-d6873.html