Chủ quán tẩm quất người mù kể chuyện bị khách lừa, quỵt tiền, hăm dọa
Mắt không nhìn thấy, chủ quán tẩm quất người mù thường bị khách sáng mắt lừa, quỵt tiền, cố tình nợ tiền kèm theo lời hăm dọa
Vượt lên số phận!
Chồng mất, vợ bị mù hai mắt trong một vụ tai nạn, tương lai tưởng chừng như đã đóng lại với chị X. khi một nách nuôi hai con nhỏ. Từ huyện miền núi Như Xuân, chị gửi lại hai đứa con thơ khăn gói xuống Tp.Thanh Hóa (Thanh Hóa) học nghề tẩm quất mưu sinh.
Cách đây khoảng 3 năm, trong một lần đi làm gặp trời mưa dính cảm lạnh, tôi lang thang tìm chỗ tẩm quất, cạo gió giác hơi giải cảm và vô tình tới quán chị X. Đây là một ngôi nhà cấp 4 được chị thuê và sửa sang lại để làm chỗ hành nghề. Mỗi lần mệt mỏi, tôi lại tìm tới quán chị.
Lý do tôi thường tìm đến đây vì tay nghề chủ quán tốt, làm nhiệt tình, giá bình dân và đây cũng là cách tôi ủng hộ một người mù vượt lên số phận như chị. Chiều nay, cũng như mọi lần, thấy mệt trong người tôi lại tìm đến địa chỉ quen thuộc để tẩm quất, giác hơi. Khi đang đấm lưng cho tôi thì chị bỗng dừng tay lại để thu tiền của khách vừa tẩm quất xong.
Tẩm quất ở quán này có giá 100 nghìn đồng/giờ, nếu khách yêu cầu giác hơi thì trả thêm 50 nghìn đồng. Trước khi thu tiền chị X. hỏi khách: "Có phải trả lại không anh"? Khách đáp: "Không. Anh có tiền lẻ 100 nghìn đây rồi" và móc ví ra đưa cho chị tờ tiền 100 nghìn đồng". Cầm tờ 100 nghìn, chị Xuân đưa tay vuốt, sờ, rồi rút tờ 100 nghìn trong túi ra bí mật "đo" kích thước (PV - chiều dài, rộng của hai tờ tiền).
Khi ông khách đã ra về, tôi tò mò hỏi: "Sao chị phải móc tờ 100 nghìn ra đo làm gì? Chị có bao giờ nhận nhầm tiền không? Hỏi vậy nhưng trong đầu tôi đã có sẵn đáp án cho câu hỏi thứ hai là "đôi lúc chị vẫn nhầm". Chị X. chắc nịch nói: "Làm nghề nhiều năm, đến nay dù 2 mắt bị mù nhưng chị không bao giờ nhầm các tờ tiền có mệnh giá lớn".
Từ đây, những câu chuyện "kẻ sáng mắt ăn người mù" được chị trút bầu tâm sự với tôi như để giải tỏa nỗi niềm của sự uất ức sau nhiều năm làm nghề tẩm quất. Chị nói: "Mỗi tờ mệnh giá tiền đều có kích thước chiều ngang dọc khác nhau. Mắt bị mù, mọi sinh hoạt của tôi đều thông qua đôi tay sờ nắn. Lâu dần dựa vào cảm giác để phán đoán đối với tôi thành quen. Đôi tay của người mù cảm nhận được những thứ mình tiếp xúc tốt hơn nhiều so với người thường. Khi cầm tờ tiền trong tay tôi có thể đoán biết tương đổi chính xác mệnh giá của nó".
Để chắc chắn hơn, trong túi chị X. luôn chuẩn bị sẵn các tờ tiền từ mệnh giá 50 nghìn đến 500 nghìn đồng. Khi khách đưa tờ tiền mệnh giá nào thì chị sẽ đưa tờ tiền có mệnh giá tương ứng trong người ra để "đo".
"Người sáng mắt ăn kẻ mù"
Chia sẻ xong kinh nghiệm đo tiền, chị X. kể tiếp cho tôi nghe việc bản thân từng bị khách hàng là những người sáng mắt lừa tiền, bùng tiền, sàm sỡ, thâm chị là trộm cắp tài sản. Chị kể, bình thường khi khách đấm bóp xong trả tiền chị thường "đo tiền" để tránh bị lừa, nhầm lẫn hoặc sai sót. Nhiều hôm đông khách, là khách quen hoặc khách "sang" đi ô tô đến thì chị sẽ tin tưởng nhận tiền công cho vào túi, bỏ qua công đoạn "đo" tiền. Những hôm như vậy, tối về nhờ con gái kiểm lại tiền đều bị thiếu hàng trăm nghìn đồng.
Chiều nọ, một ông khách quen tới yêu cầu chị tẩm quất thời gian 60 phút. Đấm bóp xong, ông khách rút ví đưa cho chị 2 tờ tiền và nói tổng là 110 nghìn, trong đó 100 nghìn là tiền vé, 10 nghìn tiền bo cho nhân viên. Do nhiều lần thiếu tiền nghi bị lừa, dù là khách quen nhưng lần này chị X. cẩn thận "đo" tiền.
Chị lấy tờ tiền mệnh giá 100 nghìn trong túi ra "đo" 2 tờ tiền ông khách quen vừa đưa cho mình thì phát hiện không có tờ nào cùng kích thước. Chị dự đoán, đây là 2 tờ tiền có mệnh giá nhỏ hơn 100 nghìn. Chị nhẹ nhàng nói " hai tờ này chỉ khoảng 20 - 30 nghìn, anh trả đủ tiền vé cho em đi".
Dù bị người mù bóc mẽ, nhưng ông khách sáng mắt vẫn cãi chày cãi cối. Cực chẳng đã, chị X. cầm 2 tờ tiền dắt tay ông khách ra phía trước quán và nói lớn "phía trước này có camera, mắt em bị mù nếu anh nói 2 tờ tiền này 110 nghìn thì anh hãy về đi, tý con gái em đi học về trích xuất hình ảnh sẽ rõ".
Lúc này ông khách sáng mắt mới vội giật 2 tờ tiền từ tay chủ quán lại, lấy ra tờ 100 nghìn đưa cho chị X. rồi phóng xe ra về. Tối đó, để chứng thực khả năng “đo” tiền và cảm nhận của mình, chị X. nhờ con gái xem lại camera. Kết quả hai tờ tiền ông khách đưa lúc đầu có tổng mệnh giá là 30 nghìn đồng.
Sự bất ngờ của tôi về "người sáng mắt ăn kẻ mù" chưa dừng lại ở đó khi nghe Chị kể tiếp câu chuyện "đại gia" đi xe sang vào tẩm quất người mù nợ tiền, bùng tiền còn kèm theo những lời hăm dọa.
Chị kể, một ông khách quen lâu lâu thường đi ô tô ghé quán tẩm quất. Cứ tẩm quất xong ông lại mặc quần áo thản nhiên ra về kèm theo câu nói "hôm nay không mang tiền hôm sau trả". Đến nay ông đã ghi nợ tới 4 vé tẩm quất và lâu không thấy tới quán nữa.
Đêm nọ, hơn 22h một ông khách khác trông khá thành đạt đậu ô tô trước cửa, ngà hơi rượu bước vào quán yêu cầu chị đấm bóp liền 2 ca. Gần 1 giờ sáng tỉnh rượu vị khách thản nhiên ra về mà "quên" trả tiền. Khi chị X. hỏi tiền thì nhận được câu trả lời xanh rờn: "Tao không trả đấy, chúng mày mà cũng dám lấy tiền tao à"? Nghe vậy, chị em chủ quán chỉ dám im lặng, chảy nước mắt uất ức để khách ra về.
Hồi mới thuê nhà về đây mở quán, tầm 20h, một ông khách trung tuổi bước vào yêu cầu chị tẩm quất. Lúc này quán chỉ có chị X. ở nhà. Khi chủ quán tẩm quất người mù đang đấm bóp thì gã khách biến thái bất ngờ cởi bó hết quần áo để mình "trần như nhộng". Hắn cầm lấy tay chị X. đặt lên bộ "ấm chén" của gã. Chị X. rụt tay về, từ chối phục vụ thì bị gã rượt đuổi chạy quanh phòng. Nhờ sức khỏe tốt, bàn tay rắn chắc, chị đã kéo lê, rồi đẩy hắn ra khỏi quán và đóng cửa lại.
Tôi hỏi: "Sao khi bị lừa tiền chị không kêu ầm lên cho hàng xóm nghe? Sao bị bùng tiền, nợ tiền, sàm sỡ chị không giữ họ lại rồi gọi điện báo công an ...? Sau ít phút im lặng chị nói: "Mình là người mù yếu thế, nếu làm to chuyện lên có lấy được tiền thì sẽ mất khách thậm chí sẽ bị trả thù nên đành im lặng cho qua, họ trả thì trả không trả cũng đành chịu".