Chủ tịch Công ty Thái Dương nói 'cả đời ân hận' với cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc
Nói lời sau cùng, Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn gửi lời xin lỗi 27 bị cáo và xin lỗi nhất là cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc.
Chiều 15-5, phiên tòa xét xử 27 bị cáo trong vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm đã tiến hành nghị án và sẽ tuyên án vào 14h ngày 21-5.

Đại diện VKS tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Huy
Trước đó, trong phần tranh luận, đối đáp với các luật sư và bị cáo, đại diện VKS cho rằng một số ý kiến luật sư trình bày thêm về tình tiết giảm nhẹ như nộp tiền khắc phục hậu quả và bệnh án. Tuy nhiên, các luật sư không trình ra tài liệu chứng minh.
Theo VKS, cơ bản các luật sư đề nghị giảm nhẹ mức án, có luật sư đề nghị mức án bằng thời hạn tạm giam, có luật sư đề nghị cho bị cáo hưởng án treo.
Về những ý kiến này, đại diện VKS cho rằng VKS đã xem xét toàn diện bối cảnh, nguyên nhân, vai trò, thân nhân... của các bị cáo khi đề nghị mức án.
Theo phân tích của VKS, ở hành vi khai thác trái phép tài nguyên, các bị cáo khai thác trái phép số tài nguyên trị giá hơn 800 tỉ đồng và đã tiêu thụ số lượng quặng đất hiếm, quặng sắt trị giá hơn 700 tỉ đồng. Đây là hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn, đây thể hiện tính nguy hiểm của tội phạm.
VKS đã đánh giá vai trò, việc khắc phục một phần hậu quả vụ án của từng bị cáo và vận dụng tất cả tình tiết giảm nhẹ đề nghị mức án phù hợp với từng bị cáo, đảm bảo tính khách quan, nhân văn.
Ở hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, các bị cáo bị truy tố khung hình phạt từ 10-20 năm, gây hậu quả thiệt hại hơn 700 tỉ đồng. Hậu quả này đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, gây bức xúc trong xã hội.
"Ý kiến giảm nhẹ hình phạt hơn nữa, áp dụng án treo hoặc xử phạt bằng thời hạn tạm giam là không có cơ sở”-VKS nói.

Cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Hoàng Huy
Về ý kiến của luật sư cho rằng bị cáo Trần Đức phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không phạm tội buôn lậu, VKS cho biết: bị cáo Đức đã thừa nhận hành vi sai phạm, thừa nhận tội danh. Bị cáo cho đối tượng Lưu Đức Hoa mượn pháp nhân để mở tờ khai hải quan xuất khẩu trái phép về Trung Quốc. Đây là khâu cuối cùng nhưng là khâu quan trọng để hoàn thành hành vi buôn lậu. "Truy tố của VKS là có căn cứ, đúng quy định"- đại diện VKS nhấn mạnh.
Bị cáo có vai trò đồng phạm không phải chủ mưu cầm đầu nên VKS đã phân hóa, áp dụng triệt để tình tiết giảm nhẹ, nhân thân đề nghị mức án 30-36 tháng.
VKS cho rằng luật sư bào chữa theo hướng làm xấu đi tình trạng của thân chủ. Nếu chuyển tội danh, bị cáo truy tố ở khung hình phạt 5-10 năm, có vai trò chính và sẽ không có căn cứ để đề nghị dưới mức khung hình phạt. Do đó, VKS cho rằng không có căn cứ chấp nhận bào chữa của luật sư.
Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị mức án trước đó, với các ý kiến khác, VKS đề nghị HĐXX xem xét.

Bị cáo Đoàn Văn Huấn. Ảnh: Hoàng Huy
Xin lỗi cựu thứ trưởng
Nói lời sau cùng, bị cáo Đoàn Văn Huấn cảm ơn VKS công tâm, áp dụng chính sách nhân văn cho bản thân bị cáo. “Tôi cảm ơn thật lòng, đến chết không quên được hôm nay, tôi 70 tuổi rồi không sống được bao lâu”- bị cáo nói.
Ông Huấn cũng gửi lời xin lỗi 27 bị cáo vì “ít nhiều tôi cũng là nguyên nhân để các bị cáo đứng ở đây” và “tôi xin lỗi nhất là anh Nguyễn Linh Ngọc, cả cuộc đời này tôi ân hận với anh ý”.
Ngoài ra, ông Huấn trình bày thêm rằng bản thân ông không phải không triển khai dự án, chỉ là chậm trễ do giải phóng mặt bằng đến năm 2018-2019 mới xong. Lúc đó, bị cáo đang làm thì bị bắt. Cuối cùng, ông Huấn xin HĐXX xem xét cho bị cáo mức án nhẹ nhất.
Về phần mình, cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc nói rằng trong 2 năm xảy ra vụ án, với vị trí là người được giao công tác quản lý khai thác khoảng sản, ông Ngọc thấy rất ân hận và có trách nhiệm một phần đối với việc đã xảy ra.
“Đây là bài học rất đau xót với cá nhân tôi”-ông Ngọc nói. Ông Ngọc cũng trình bày rằng thời gian qua đã nhận thức rất nhiều vấn đề trong công tác quản lý khoáng sản, nhận thức một số lỗ hổng cơ chế, chính sách thẩm định, cách làm việc. Đây là bài học đắt giá không chỉ riêng cá nhân bị cáo mà còn dành cho nhiều người đang làm công tác này.
“Tôi chỉ xin giảm án hình phạt cho tôi sớm trở về cống hiến thêm trong công cuộc bảo vệ môi trường”- ông Ngọc nói.
Theo cáo buộc, với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Thái Dương, ông Huấn đã tổ chức, chỉ đạo hoạt động khai thác quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái) từ năm 2019-2023 vi phạm quy định của Luật Khoáng sản và các quy định liên quan.
Tổng số lượng khoáng sản khai thác trái phép có trị giá hơn 864 tỉ đồng. Trong đó, Đoàn Văn Huấn đã tiêu thụ tổng số quặng đất hiếm và quặng sắt có trị giá hơn 736 tỉ đồng.
Hành vi khai thác trái phép của nhóm ông Huấn có sự trợ giúp từ sai phạm của các nhóm cán bộ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái.
Theo đó, cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cùng với Nguyễn Văn Thuấn (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản), Hoàng Văn Khoa (cựu Vụ trưởng) và Lê Duy Phương (cựu chuyên viên Vụ Khoáng sản) là những người được giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý trong việc thẩm định, cấp giấy phép khai thác quặng đất hiếm.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Ngọc cùng cấp dưới đã cố ý làm trái nguyên tắc, điều kiện cấp phép khai thác quặng đất hiếm cho Công ty Thái Dương.