Chủ tịch Đỗ Minh Phú: TPBank sẽ chia cổ tức phần lớn bằng tiền mặt
Theo Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú, nếu TPBank hoạt động thuận lợi, ngân hàng sẽ chia cổ tức cho cổ đông, tỉ lệ sẽ cân nhắc, nhưng tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.
Cổ đông đề xuất chia cổ tức 50%
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE: TPB), cổ đông đã thông qua phương án chia cổ tức tỉ lệ 39,19% bằng cổ phiếu.
Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối lũy kế đến năm 2021 là hơn 1.536 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần (2.561 tỷ đồng) và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.
Tổng số cổ phần dự kiến phát hành là gần 620 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành theo phương án này, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng.
Tại Đại hội, cổ đông TPBank đề xuất tăng tỉ lệ chia cổ tức lên 50% khi mức tăng trưởng của ngân hàng còn nhiều dư địa, lợi nhuận giữ lại vẫn đủ.
Trả lời đề xuất này, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, việc đưa ra tỉ lệ tăng vốn này, HĐQT đã phải căn cứ vào khả năng của vốn chủ sở hữu của ngân hàng, phần vốn muốn tăng thêm lấy từ nguồn lợi nhuận để lại.
“HĐQT đã cân nhắc và nhận thấy mức tăng 39,19% lên hơn 22.000 tỷ đồng vốn điều lệ là phù hợp. Chúng tôi không muốn tăng hết tất cả mà để lại một phần dự trữ. Đây là mức tăng khá cao, bình thường các ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ khoảng dưới 20%”, ông Phú giái thích.
Cổ đông ngân hàng cũng đặt câu hỏi về việc phương án chia cổ tức cao tới 25% như trong năm 2022 có được tiếp tục hay không, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết, với phần lợi nhuận để lại, có nhiều phương án phân phối như tăng vốn chủ, đầu tư. TPBank sẽ sử dụng lợi nhuận làm ra được để chia cho các cổ đông làm sao để phần còn lại đảm bảo ngân hàng hoạt động ổn định.
“Nếu TPBank tiếp tục hoạt động thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu. Tỉ lệ chia cổ tức HĐQT sẽ cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể”, ông Phú khẳng định.
Sẽ có thêm công ty tài chính tiêu dùng
ĐHĐCĐ TPBank cũng đã thông qua chủ trương góp vốn, mua cổ phần để mua lại công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ.
Ngân hàng cho biết đây là nhu cầu tất yếu khách quan đối tới TPBank, nhằm nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường tài chính khu vực và trên thế giới.
Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, công ty quản lý này sẽ hoạt động trên lĩnh vực khá rộng mở trên thị trường tài chính khác nhau như quỹ riêng lẻ, mở, đóng, đầu tư vào rổ trái phiếu VN30. Quỹ này sẽ kêu góp các tổ chức, cá nhân đóng góp vào và là công ty quản lý chuyên nghiệp.
Ngoài ra, trả lời cổ đông về quá trình tái cơ cấu công ty tài chính, Chủ tịch Đỗ Minh Phú chia sẻ, TPBank tham gia tái cơ cấu Công ty Tài chính cổ phần Hanico HAFIC, vấn đề này đều có sự chuẩn bị và xem xét kỹ lưỡng.
“Hiện nay, chúng tôi hỗ trợ HAFIC theo phương án tự khắc phục, tự phục hồi. Nếu phương án được hoàn tất, TPBank sẽ có thêm 1 công ty tài chính tiêu dùng để đa dạng thêm hệ sinh thái của ngân hàng”, ông Phú cho hay.
Hiện nay hệ sinh thái của TPBank có công ty chứng khoán TPS là công ty liên kết góp vốn dưới 11%, công ty quản lý quỹ là công ty con, và dự kiến là công ty tài chính tiêu dùng cũng là công ty con.
Đáng chú ý, Đại hội đã bầu ra 3 thành viên mới vào HĐQT và Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Mai Sương, bà Võ Bích Hà và bà Nguyễn Thị Thu Hương.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương từng có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng. Bà Sương từng là Giám đốc NHNN Chi nhánh Tp.Hà Nội (2009-2016) và Trưởng ban Hiệp Hội Ngân hàng (2016-2022).
Bà Võ Bích Hà có 20 năm làm việc tại BIDV, từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, Trưởng ban Ban Kiểm soát của BIDV.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Bà từng là Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giám sát các TCTD nước ngoài, thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011-2019. Từ 2019-2022, bà Hương là ủy viên HĐQT, đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV.