Chủ tịch EIB hứa: Giá trị cổ đông nhận được không chỉ là cổ tức, mà ở giá cổ phiếu và vốn hóa
Chủ tịch Eximbank lý giải việc không chia cổ tức, nhằm giữ lại nguồn lợi nhuận để đầu tư cho các lĩnh vực trọng yếu, giúp gia tăng giá trị cho cổ đông không chỉ qua cổ tức mà còn ở giá trị cổ phiếu và vốn hóa thị trường.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 của Eximbank. Ảnh: NM
Mục tiêu lợi nhuận kỷ lục
Năm nay, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HoSE: EIB, Eximbank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 5.188 tỷ đồng, tăng gần 24% so với năm ngoài – mức kỷ lục của ngân hàng, nếu đạt được.
Tính đến hết năm 2025, ngân hàng dự kiến tổng tài sản khoảng 265.500 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2024. Cùng với đó, chỉ tiêu huy động vốn ước đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 16%; dư nợ tín dụng ước đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng giảm xuống còn 1,99%, trong khi con số này cuối năm ngoái đạt 2,53%.
Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 2% trong năm nay, theo ban lãnh đạo Eximbank là "rất thách thức".
Song, lãnh đạo Eximbank nhấn mạnh sẽ tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu tồn đọng 10-15 năm qua. Một điểm thuận lợi là chất lượng tài sản thế chấp của ngân hàng rất tốt, tỷ lệ cho vay có tài sản đảm bảo lên tới 96% dư nợ.
Ngân hàng sẽ tập trung toàn bộ hoạt động xử lý nợ về AMC, tăng cường kiểm soát, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Eximbank không chia cổ tức năm 2024 nhằm củng cố năng lực tài chính và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Trước đó, năm 2023, ngân hàng trả cổ tức với tỷ lệ 3% bằng tiền và 7% bằng cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Cảnh Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), việc không chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu là “quyết định chủ động, mang tính chiến lược”.
Ban lãnh đạo nhận định năm nay nền kinh tế vĩ mô có nhiều biến động khó lường, cũng như ngân hàng đang trong quá trình nâng cao năng lực quản trị rủi ro và an toàn hoạt động để đáp ứng tiêu chuẩn Basel III và những quy định khắt khe hơn từ Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, việc giữ lại lợi nhuận chưa phân phối cũng giúp ngân hàng có thêm nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là chuyển đổi số - yếu tố sống còn trong giai đoạn phát triển sắp tới.
"Eximbank sẽ phát triển một cách an toàn, hiệu quả và bền vững, từ đó gia tăng giá trị cho cổ đông không chỉ qua cổ tức, mà còn qua giá trị cổ phiếu và vốn hóa thị trường", ông Nguyễn Cảnh Anh khẳng định.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ Eximbank. Ảnh: NM
Khóa “room” ngoại xuống dưới 6%
Nhằm ổn định cơ cấu cổ đông và thu hút nhà đầu tư chiến lược dài hạn, HĐQT Eximbank trình đại hội thông qua quy định mới về giới hạn tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 6% vốn điều lệ từng thời kỳ.
Lý giải việc "khóa" room ngoại xuống dưới 6% - thấp hơn mức tối đa mà luật cho phép (tối đa 30%), ông Nguyễn Hoàng Hải – Quyền Tổng giám đốc cho biết Eximbank đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhận được sự quan tâm rất lớn từ các tổ chức nước ngoài. Nhiều đối tác có tầm vóc toàn cầu bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược, cổ đông lớn hoặc gần lớn của ngân hàng.
Thông thường, một đối tác chiến lược sẽ nắm khoảng 15% vốn, đối tác lớn khoảng 5%, đối tác gần lớn khoảng 4%. Với hơn mười đối tác tiềm năng đang tiếp cận, tổng tỷ lệ vốn mong muốn lên khoảng 24%.
"Do đó, để dành dư địa phát triển lâu dài cho Eximbank, chúng tôi đề xuất giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức còn lại khoảng 6% trong tổng trần 30% mà pháp luật cho phép. Tất nhiên, việc này cũng sẽ tuân theo ý chí của toàn thể cổ đông trong từng kỳ họp và từng giai đoạn cụ thể", ông Hải nói.
Sếp công ty con Gelex vào HĐQT ngân hàng
Đại hội cũng đồng thuận bầu ông Phạm Tuấn Anh – Phó tổng giám đốc Công ty CP Điện lực Gelex (Gelex Elictric), Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM) làm thành viên HĐQT Eximbank.
Ông Tuấn Anh sinh năm 1976, là cử nhân kinh tế chuyên ngành kế toán. Ông có hơn 20 năm làm việc tại hệ thống Gelex. Ông từng là Kế toán trưởng Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (nay là Tập đoàn Gelex), thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT tại nhiều công ty thành viên trong hệ sinh thái Gelex.

Chân dung ông Phạm Tuấn Anh. Ảnh: Eximbank
Các vị trí ông Tuấn Anh nắm giữ tại công ty con của Gelex sẽ được miễn nhiệm từ ngày 29/4 - thời điểm bầu HĐQT nhiệm kỳ mới của Eximbank. Việc này nhằm đảm bảo yêu cầu cá nhân không cùng đảm nhận các chức vụ tại doanh nghiệp khác khi tham gia ngân hàng, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Gelex hiện là cổ đông lớn duy nhất nắm 10% vốn của Eximbank. Tại ĐHĐCĐ hồi cuối tháng 3 của Gelex, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cho biết đây là "một khoản đầu tư có hiệu quả dài hạn". Theo ông Tuấn, Gelex sẽ không điều hành Eximbank nhưng sẵn sàng tham gia HĐQT "nếu ngân hàng cần".
Danh sách thành viên HĐQT Eximabank còn có 2 người thuộc nhiệm kỳ trước là ông Nguyễn Cảnh Anh - Chủ tịch HĐQT Eximbank và bà Đỗ Hà Phương - Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng. Hai thành viên HĐQT độc lập là ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang.
Ngoài ra, đại hội Eximbank cũng thông qua phương án chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM - dự án từng được ĐHĐCĐ 2022 thông qua.