Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Thúc đẩy ngành đồ uống phát triển bền vững

Tại Hội thảo 'Phát triển công nghiệp đồ uống', các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp không chỉ hướng tới sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn phải đảm bảo quy trình vận hành tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái để đảm bảo ngành đồ uống phát triển dài hạn trên nền tảng bền vững.

Hội thảo "Phát triển công nghiệp đồ uống” thảo luận những giải pháp phát triển ngành đồ uống theo mô hình sản xuất thông minh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường

Hội thảo "Phát triển công nghiệp đồ uống” thảo luận những giải pháp phát triển ngành đồ uống theo mô hình sản xuất thông minh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường

Năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ nước giải khát tại Việt Nam đạt gần 6 tỷ lít, với dự báo sẽ tăng 28% vào năm 2028. Trong bối cảnh tiềm năng thị trường nước giải khát Việt Nam còn rất lớn, cùng với xu hướng người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm ít đường, không đường, nguồn gốc thiên nhiên, xu hướng xanh hóa, hướng tới kinh tế tuần hoàn đang ngày càng phổ biến..., các doanh nghiệp ngành đồ uống Việt Nam cần có những thay đổi, bắt kịp xu thế để phát triển bền vững. Đổi mới công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải tiến vật liệu bao bì và phát triển sản phẩm lành mạnh không chỉ là lựa chọn, mà còn là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.

Trong xu hướng đó, Hội thảo "Phát triển công nghiệp đồ uống” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức ngày 26/4/2025 tại TP. Hồ Chí Minh nhằm đưa ra những giải pháp phát triển ngành đồ uống theo mô hình sản xuất thông minh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm đưa ra định hướng phát triển cho doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường và yêu cầu về nghĩa vụ tái chế bao bì đối với ngành đồ uống. Vì vậy, xu hướng tìm kiếm và sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo dựng niềm tin với các cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm túc các quy định như nghĩa vụ tái chế EPR, Luật Bảo vệ môi trường để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Xu hướng tìm kiếm và sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo dựng niềm tin với các cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng

Xu hướng tìm kiếm và sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo dựng niềm tin với các cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng

Đảm bảo sức khỏe - ưu tiên hàng đầu trong ngành đồ uống hiện nay

Ông Jason Peng - Cố vấn cao cấp kiêm chuyên gia ngành thực phẩm và đồ uống tại Black Titan Beer nhận định, năm 2024 đánh dấu sự dịch chuyển lớn sang các sản phẩm phục vụ sức khỏe của ngành đồ uống toàn cầu. Tại Trung Quốc, tổng sản lượng đồ uống đạt 188 triệu tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong đó các nhóm đồ uống hỗ trợ dinh dưỡng như nước khoáng, trà giàu hoạt chất sinh học và đồ uống chuyên biệt chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Cùng với đó, nước uống đóng chai chiếm gần 49% thị phần, phản ánh nhu cầu ngày càng cao về nước sạch, an toàn trong bối cảnh môi trường sống và thói quen dinh dưỡng thay đổi nhanh chóng.

Tại Nhật Bản, sức khỏe đã trở thành ưu tiên hàng đầu của ngành đồ uống từ nhiều năm nay. Doanh thu của các sản phẩm như trà thảo mộc, nước khoáng thiên nhiên và nước uống thể thao đều tăng mạnh và được lựa chọn rộng rãi nhờ lợi ích sức khỏe vượt trội.

Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận phân khúc đồ uống chức năng có mức tăng trưởng sản lượng lên tới 110%, ghi nhận hơn 1.300 sản phẩm mới chỉ trong một năm. Các sản phẩm này nhắm trực tiếp vào các nhu cầu như kiểm soát cân nặng, ổn định huyết áp, điều hòa đường huyết, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.

Các công ty lớn trong ngành đồ uống như Coca-Cola Nhật Bản, Suntory và Asahi cũng nhanh chóng bắt nhịp xu thế, liên tiếp tung ra các dòng trà thảo mộc không đường hoặc sử dụng chất tạo ngọt an toàn Erythritol để thay thế đường tinh luyện, đáp ứng nhu cầu kiểm soát đường huyết và phòng tránh bệnh mạn tính.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, tiết kiệm năng lượng

Nhiều chuyên gia chia sẻ, bên cạnh lựa chọn sản phẩm, các sáng kiến sử dụng bao bì thân thiện môi trường như chai PET dễ tái chế chiếm 79% thị trường, cho thấy sự gắn kết giữa mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tác động sinh thái.

Các doanh nghiệp không chỉ hướng tới sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn phải đảm bảo quy trình vận hành tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/12/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 28/2024/TT-BCT quy định định mức sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và đồ uống không cồn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2025 và thay thế Thông tư số 19/2016/TT-BCT ngày 14/9/2016 về quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát. Thông tư quy định về phương pháp xác định mức sử dụng năng lượng, định mức sử dụng năng lượng và chế độ báo cáo trong ngành công nghiệp sản xuất bia và đồ uống không cồn.

Đảm bảo quy trình vận hành tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm ngành đồ uống cần hướng đến

Đảm bảo quy trình vận hành tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm ngành đồ uống cần hướng đến

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tập trung hơn nữa vào việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, mạnh dạn cải tiến quy trình, đầu tư vào hệ thống công nghệ tiên tiến, ứng dụng điện mặt trời, năng lượng tái tạo, tái chế phụ phẩm và sử dụng nguyên liệu thay thế trong bối cảnh mới, góp phần giúp ngành đồ uống Việt Nam không chỉ hội nhập nhanh hơn với xu thế quốc tế mà còn đảm bảo phát triển dài hạn trên nền tảng bền vững.

Tiến Thành

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tiet-kiem-nang-luong--bao-ve-suc-khoe-cong-dong--thuc-day-nganh-do-uong-phat-trien-ben-vung-139926.htm