Chủ tịch EVNFinance: Nhiệm vụ của chúng tôi là làm giá trị cổ phiếu tăng lên
ĐHĐCĐ thường niên của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance - HoSE: EVF) được tổ chức thành công sáng 15/3, thông qua tất cả các tờ trình. Tại đây, ban lãnh đạo công ty cũng dành thời gian chia sẻ với cổ đông về định hướng kinh doanh trong tương lai.
Với tỷ lệ nhất trí cao, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng tài sản là 54.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 585 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 43% so với thực hiện 2023.
Đại hội cũng thông qua các nội dung quan trọng khác như: Phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; Phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2023 và Phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên để tăng vốn điều lệ; Thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa; Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 và Sửa đổi Điều lệ cùng một số quy chế của công ty.
Tại đại hội, một trong những chủ đề được cổ đông quan tâm là việc công ty tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐQT EVNFinance Phạm Trung Kiên cho biết việc trả cổ tức bằng cổ phiếu liên quan tới một chỉ định của Ngân hàng Nhà nước. NHNN luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính của chính mình. Thông qua các nguồn vốn, quỹ tăng thêm, công ty có phát triển bền vững, tốt hơn trong những năm tiếp theo.
EVNFinance cho biết sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu trong một thời gian cho đến khi nền tảng tài chính vững mạnh, lợi nhuận tốt hơn thì công ty sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo ông Kiên, nhiệm vụ của ban lãnh đạo là làm cho giá trị cổ phiếu ngày càng tăng lên. Khi giá cổ phiếu tăng, các cổ đông bán cổ phiếu sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn.
Theo ông Kiên, đây cũng chính là mục tiêu mà ban lãnh đạo công ty cố gắng đạt được. Ông lấy ví dụ dẫn chứng là nếu giá cổ phiếu tăng lên 8%, thì khi quy đổi thì cổ đông sẽ có lợi ích nhiều hơn so với việc được chia cổ tức 8% bằng tiền mặt.
Ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 2008, cơ cấu cổ đông của EVNFinance đã rất đa dạng với vốn góp từ hàng chục nghìn cán bộ công nhân viên ngành điện lực, điều này đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản trị cổ phần, cổ đông, đặc biệt mỗi dịp chia cổ tức.
Phản hồi về vấn đề này, Tổng giám đốc EVNFinance Mai Danh Hiền cho biết, mỗi lần nhận cổ tức của công ty, có nhiều cổ đông ở rất xa, gặp nhiều khó khăn khi nhận thông tin.
Trước đây, EVF được thành lập với tổng số cổ đông hơn 62.000 cổ đông, phần lớn là cán bộ công nhân viên ngành điện. Với con số lớn như vậy, khi EVNFinance chưa lưu ký chứng khoán vào năm 2020, hàng năm khi trả cổ tức, công ty vẫn gửi thông tin về đích danh các công ty, đơn vị điện lực, những thông tin về việc nhận cổ tức.
Tuy nhiên sau khi lưu ký, các đơn vị điện lực có nhiều ý kiến phản hồi là không còn quản lý, đồng thời cũng có nhiều cán bộ không còn hoạt động ở cơ quan và đã chuyển công tác, nên EVNFinance tự tiếp nhận thông tin cá nhân của các cổ đông.
Hiện tại EVNFinance vẫn hỗ trợ trả cổ tức theo nhóm cổ đông ở một đơn vị điện lực. Thường xuyên công ty vẫn nhận nhiều thông tin yêu cầu trả cổ tức về một nơi/đơn vị, hay thay đổi thông tin, lưu ký chứng khoán tại công ty chứng khoán.
Do vậy, ông Phạm Trung Kiên chia sẻ thêm rằng, việc quản lý cổ đông trong năm vừa qua khá vất vả, vì rất nhiều cổ đông hiện tại công ty không có thông tin. Năm 2023 khi EVF triển khai tăng vốn, ban quản lý cổ đông của HĐQT phải gửi thư, công văn tới hầu hết các công đoàn trong ngành điện lực, nhờ thông báo các cổ đông ngày xưa đã mua cổ phần mà chưa thực hiện lưu ký, đến công ty để hoàn thiện thủ tục.
Kế hoạch kinh doanh nhiều tham vọng
Năm 2024, EVF lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế 585 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu cao khiến cổ đông có phần quan ngại về tính khả thi của kế hoạch này.
Về vấn đề này, Tổng giám đốc Mai Danh Hiền nhận định, EVF trong năm 2024 vẫn có nhiều lợi thế, dù có thể thấy rõ những khó khăn chung của nền kinh tế cũng như tốc độ hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện tại đang khá chậm.
Theo ông Hiền, công ty vừa tăng vốn điều lệ vào cuối năm 2023, đây là động lực rất lớn, một cơ hội để EVNFinance có nguồn vốn, tạo đà cho năm 2024. Về tăng trưởng tín dụng âm, theo ông là để tiếp cận dòng vốn và phát triển tín dụng là không hề đơn giản, nhất là quản lý rủi ro trong giai đoạn hiện nay.
Ông Hiền cũng nhận định, EVNFinance có một lợi thế là ngay từ đầu đã tiếp cận những dòng vốn về tăng trưởng xanh. Nhưng tỷ lệ tăng trưởng của EVN là 15%, so với quy mô của các tổ chức tín dụng khác trên thị trường lại thấp hơn, đặc biệt là với các ngân hàng thương mại.
Tổng giám đốc EVNFinance cho rằng không quá áp lực về vấn đề trên khi công ty có thời gian, lựa chọn tìm kiếm khách hàng, kiểm soát rủi ro, do đó ban điều hành đã đề xuất HĐQT trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận 585 tỷ đồng.
Một trong những vấn đề khác được cổ đông quan tâm là ESG đóng góp gì cho hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời kế hoạch phát triển lĩnh vực tài chính số, tài chính tiêu dùng trong năm 2024 của EVNFinance.
Chủ tịch Phạm Trung Kiên cho biết, ESG là phát triển bền vững, đây là xu hướng phát triển trên toàn thế giới. Hoạt động của EVF không loại trừ xu hướng trên và các tổ chức, ngân hàng ở Việt Nam cũng theo mô hình này.
Theo ông Kiên, không thể đo đếm được tầm quan trọng của ESG trong hoạt động kinh doanh, vì đây không phải là tác nhân có thể mang lại hiệu quả tức thì. Đối với hoạt động của công ty, EVF đặt ra mục tiêu phát triển bền vững để đảm bảo lợi ích cho toàn thể cổ đông, đối tác.
Ngoài ra, đây còn là xu thế thế giới, của các doanh nghiệp quốc tế. Khi các đối tác làm việc với EVF, họ yêu cầu công ty phải đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Do đó ESG được cho là sẽ tạo điều kiện cho EVNFinance nâng cao năng lực bản thân, tiếp xúc với các nguồn lực mới, đối tác mới.
Theo Tổng giám đốc Mai Danh Hiền, với mục tiêu của một công ty tài chính là tài trợ thu xếp vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời công ty cũng có nghĩa vụ phục vụ cho xã hội, cộng đồng, mong muốn nguồn vốn tiếp cận đến người dân, đời sống xã hội một cách tốt nhất, an sinh xã hội nhất.
Với phương châm tiếp cận xã hội và đảm bảo hệ số rủi ro, EVF phát triển các ứng dụng công nghệ, đảm bảo hệ số rủi ro và giảm thiểu chi phí. Trong đó, tài chính số là sản phẩm mà EVF phát triển nhằm phục vụ cho đời sống nhân dân, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn so với thị trường. Đây được ban lãnh đạo EVNFinance đánh giá là một lĩnh vực tiềm năng, có thể mang lại hiệu quả kinh doanh trong tương lai.
Tại đại hội lần này của EVNFinance, một trong những tờ trình quan trọng là việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 50% xuống còn 15%. Đây cũng là chủ đề mà nhiều cổ đông quan tâm, đặc biệt là quan hệ của EVF với các đối tác ngoại.
Phản hồi về vấn đề trên, Chủ tịch Phạm Trung Kiên nhận định đây là mảng hoạt động rất quan trọng của công ty. Cho đến thời điểm hiện tại, EVF đã huy động vốn từ nhiều quỹ, đối tác ngoại. Vào năm 2023, HĐQT cũng đã thành lập một ban quan hệ đối tác nước ngoài, phụ trách mảng hoạt động này.
Đối với các công ty tài chính, EVF có nhiều thành công khi thu hút nguồn vốn nước ngoài, phục vụ cho hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
Về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu 15%, do EVNFinance là một đơn vị niêm yết trên sàn nên các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua vào cổ phiếu công ty một cách bình thường. Theo lãnh đạo EVF, công ty này muốn giới hạn 15% để giành room còn lại mời các đối tác có tiềm năng, năng lực, tham gia vào công ty.