Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Chính phủ đã thương yêu DN thì hãy thương yêu nhiều hơn

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đề nghị: 'Chính phủ đã thương yêu DN thì thương yêu nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn thì tháo gỡ nhiều hơn nữa'.

Cơ hội lịch sử để Việt Nam phát triển

Tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với cộng đồng doanh nhân chiều 11.10, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ rằng doanh nhân có khó khăn vất vả nhưng rất vui vì đã tạo ra của cải vật chất xã hội.

“Chưa bao giờ DN Việt Nam có cơ hội làm việc với 2 siêu cường thế giới, cả Mỹ và Trung Quốc. Nếu hiểu được nhiềm vui này, khai thác được niềm vui này thì thành công còn nhiều hơn nữa”, ông Bình nói.

Chủ tịch FPT đề nghị: "Chính phủ đã thương yêu DN thì thương yêu nhiều hơn; đã quan tâm thì quan tâm nhiều hơn; đã tháo gỡ khó khăn thì tháo gỡ hơn nữa; đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn, hạ dài hơn nữa... Có tình cảm đó thì DN Việt Nam như đàn chim Việt sẽ dang cánh bay trên bầu trời đưa Việt Nam vào vị thế quốc gia hùng cường và hạnh phúc”.

Cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại cuộc gặp với Thường trực Chính phủ

Cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại cuộc gặp với Thường trực Chính phủ

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho rằng giới doanh nhân đang nhìn thấy cơ hội lịch sử cho cho Việt Nam phát triển và mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội.

“Bối cảnh thế giới hiện có nhiều khó khăn, biến động bất thường, nhưng chính vì vậy cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch COVID-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới”, ông Công nói.

Theo đó, để nắm bắt được cơ hội lịch sử này, tạo cú bật mới về tăng trưởng kinh tế, đây là lúc Việt Nam cần khơi dậy tinh thần kinh doanh trong giới kinh doanh, khơi dậy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám quyết của đội ngũ cán bộ công chức.

Theo ông Công, điều các DN mong muốn là tạo điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để DN phục hồi…

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Ông Công cũng đề nghị đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; cải cách một số thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động.

“Một mong muốn nữa của các hiệp hội là nâng cao vai trò trong tham gia xây dựng và phản biện chính sách, Nhà nước có cơ chế để các bộ, ban, ngành khi xây dựng ban hành văn bản chính sách mới phải lấy ý kiến của hiệp hội DN có liên quan. Việc lấy ý kiến phải thực chất, không làm chiếu lệ, hình thức; quy định rõ trách nhiệm của hiệp hội DN trong việc cho ý kiến, đảm bảo đúng thời gian và trình tự thực hiện”, ông Công nêu.

Nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn cản trở doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

“Cần vận dụng cơ chế "một luật sửa nhiều luật" đối với các những vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, không ban hành điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Dũng nêu.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Ông Dũng cũng nhấn mạnh cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: Chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; rà soát biểu giá bán lẻ điện, giá nước sạch; xem xét áp dụng giá điện cho các cơ sở du lịch như giá điện sản xuất để phục hồi ngành du lịch; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, nghiên cứu phương án ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp, dự án xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa; nghiên cứu phương án ưu đãi thuế cho các DN chuyển đổi số.

“Tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay cả VND và USD. Tích cực giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ DN đã được ban hành”, ông Dũng nêu.

Song song đó, tích cực hỗ trợ cộng đồng DN tận dụng các cam kết tại các FTA (Hiệp định thương mại tự do), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Xem xét mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực đơn phương trong thời gian tới. Triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam…

Nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng DN về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại DN, hỗ trợ DN giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng đề nghị các tổ chức, hiệp hội tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội…

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-tich-fpt-truong-gia-binh-chinh-phu-da-thuong-yeu-dn-thi-hay-thuong-yeu-nhieu-hon-207511.html