Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao 5 nhiệm vụ cho ngành y tế Thủ đô

Thời gian tới, ngành y tế Thủ đô sẽ tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 24-2, Sở Y tế Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế Thủ đô

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng và nhà nước đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp y tế.

Đến nay, ngành y tế Việt Nam đã và đang vươn lên một tầm cao mới. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học trong thực hành lâm sàng nhanh nhất trên thế giới.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chúc mừng ngành Y tế Thủ đô. Ảnh: VGP

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chúc mừng ngành Y tế Thủ đô. Ảnh: VGP

Cũng theo ông Trần Sỹ Thanh, thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hà Nội đã có những bước tiến vượt bậc trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thành phố đã chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các cơ sở y tế ngoài công lập.

"Ngành y tế Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận về chuyên môn và quản lý, bao gồm việc triển khai thành công các kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh", ông Thanh nói.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trước hết, cần cải thiện, tinh gọn bộ máy ngành y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo triển khai đúng các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Hai là xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh 3 cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Ba là tiếp tục phát triển nguồn nhân lực y tế có chất lượng, với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bốn là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành y tế để hướng tới y tế thông minh, hiện đại.

Năm là đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hóa các nội dung về y tế trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nhiều bệnh viện khẳng định được dấu ấn riêng

Cũng tại buổi lễ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết qua 70 năm, hệ thống y tế Thủ đô đã không ngừng lớn mạnh từ một số ít cơ sở y tế, nay đã trở thành hệ thống y tế hoàn chỉnh, từ cấp ban đầu đến cấp chuyên sâu phủ kín toàn thành phố.

 Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng giới thiệu về những thành tựu của ngành y tế Thủ đô. Ảnh: VGP

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng giới thiệu về những thành tựu của ngành y tế Thủ đô. Ảnh: VGP

Theo ông Hưng, các đơn vị y tế Hà Nội luôn xác định rõ vai trò và nhiệm vụ trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã làm nên thương hiệu của các bệnh viện.

Điển hình như Bệnh viện Tim Hà Nội đã trở thành trung tâm tim mạch lớn toàn quốc, thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu đặc biệt khó trong chuyên ngành tim mạch. Năm 2024, cơ sở này đã phẫu thuật tim mạch và phẫu thuật tim ít xâm lấn cho hơn 2.300 bệnh nhân; can thiệp tim mạch cho hơn 12.700 người bệnh, với ca bệnh nhỏ tuổi nhất có cân nặng 900gr.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tiên phong trong ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt trong y học bào thai và sàng lọc trước sinh, thực hiện thành công 3 kỹ thuật can thiệp bào thai.

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về quy mô các thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư với gần 50 thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ghi những dấu ấn đặc biệt trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam.

Năm 2024, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện lấy tạng từ bệnh nhân chết não, cùng lúc ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân. Còn Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã thực hiện thành công 10 ca ghép thận, trong đó có 2 ca hiến tạng từ người chết não và làm chủ được kỹ thuật này.

Trong thời gian tới, ngành y tế Thủ đô sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực; đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới, các dịch vụ y tế chất lượng cao…

“Ngành y tế Thủ đô hướng đến đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người. Cùng với đó, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.

Hà Nội hiện có 42 bệnh viện công lập và 43 bệnh viện ngoài công lập.

Ngoài ra, thành phố còn có 30 trung tâm y tế với 518 trạm y tế xã/phường/thị trấn, là nơi cán bộ y tế gần dân nhất, với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó là hơn 15.000 cơ sở y tế tư nhân, góp phần không nhỏ trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Hàng năm, hệ thống y tế Thủ đô khám, chữa bệnh cho gần 10 triệu lượt người, phẫu thuật cho gần 300.000 bệnh nhân, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-ha-noi-tran-sy-thanh-giao-5-nhiem-vu-cho-nganh-y-te-thu-do-post835856.html