Chủ tịch HĐND TP.HCM: Bạo hành trong giới trẻ ngày càng tàn bạo
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng hiện nay tỷ lệ ly hôn trong giới trẻ, bạo lực, bạo hành tàn bạo xảy ra trong giới trẻ ngày càng nhiều.
Chiều 9-5, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Hội thảo ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp về việc xác định đối tượng, hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời xác định nguyên nhân để đưa ra giải pháp hiệu quả, cụ thể trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.
Bạo lực tình dục cũng là bạo lực gia đình
Dự thảo Luật đưa hành vi bạo lực tình dục là một hình thái của bạo lực gia đình, theo Luật sư (LS) Lê Thị Hằng đây là quy định mới rất chính xác.
“Thực tế, bạo lực tình dục chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các vụ việc bạo lực gia đình và hậu quả của nó rất nghiêm trọng, làm tổn hại nặng nề đến thể chất, tinh thần và tâm lý của nạn nhân, làm băng hoại luân thường, đạo lý gia đình”- LS Hằng nêu ý kiến.
LS Hằng cho biết, thực tế giải quyết các vụ án ly hôn rất nhiều phụ nữ tâm sự bị bạo lực về tình dục nhưng không dám nói với ai. LS Hằng đơn cử câu chuyện có anh chồng khoảng 40 tuổi cầm chổi chà đánh liên tục vào người vợ mình rồi nói: “Tao đâu phải thằng già 70 đâu mà sờ vào người mày cứ thế này thế nọ”.
Theo LS Hằng, những lời nói như vậy cũng là một hành vi của bạo lực về mặt tình dục.
Bà cho rằng, cần xác định nguyên nhân để phòng, chống có hiệu quả và khả thi. Một số tư tưởng cũ vẫn tiềm ẩn trong nhận thức của người dân, tốt khoe xấu che nên khi bạo hành thường không trình báo…
LS Hằng đề nghị các biện pháp phòng, chống phải được cơ quan có trách nhiệm chủ động thực hiện, đặc biệt là phải hành động tức thời khi tiếp nhận được thông tin bạo lực gia đình đang xảy ra chứ không thể cứ chờ người bị bạo hành có đơn trình báo.
Nam giới, người có cùng giới tính cũng là nạn nhân của bạo hành
Luật sư Võ Thị Như Ngọc nhìn nhận, trong những năm gần đây vấn nạn bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng. Trong đó, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em hay người cao tuổi. “Nó dần lan rộng đến nam giới, người tàn tật và người có cùng giới tính”- luật sư Như Ngọc nói.
Bà nói tiếp, hiện nay khi nhắc đến bạo hành mọi người thường chỉ nghĩ đến phụ nữ là đối tượng chính của các vụ bạo hành với con số khoảng 80%.
“Vậy thống kê bạo lực gia đình với trẻ em, người già, người tàn tật, nam giới và người có cùng giới tính là bao nhiêu? Con số này cho đến nay vẫn chưa thống kê được chính xác”- bà nêu vấn đề.
Luật sư Như Ngọc cũng đề nghị đưa nhóm người có cùng giới tính vào nhóm đối tượng của các vụ bạo hành. Bà cho rằng, pháp luật hiện nay mặc dù không cấm nhưng việc kết hôn và chung sống giữa những người có cùng giới tính vẫn chưa được pháp luật bảo hộ. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vướng mắc khó giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình trong đối tượng người có cùng giới tính.
Bà Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội nữ trí thức TP.HCM, cho rằng bên cạnh các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chưa thấy có quy định về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị- xã hội trong việc bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình khi họ là nam giới hoặc những người thuộc giới tính thứ ba. Theo bà, không chỉ nữ giới mà ngay cả nam giới cũng là nạn nhân của hành vi bạo lực.
Bà dẫn ra một vài thống kê cho thấy, nhóm nạn nhân này chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số các nạn nhân của bạo lực gia đình. Đơn cử năm 2017, trong 601 vụ bạo hành được phát hiện ở Nghệ An thì có tới 58 nạn nhân là nam giới và 54 là nữ giới. Tiêu biểu tại huyện Kỳ Sơn có 81 vụ bạo hành gia đình, trong đó vợ dùng vũ lực bạo hành thân thể chiếm đến 21 vụ.
Muốn phòng bạo hành phải bắt đầu từ giáo dục
Tại hội thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận thực tế hiện nay xảy ra một số vụ bạo lực gia đình ngày càng nặng hơn.
Chủ tịch HĐND TP nêu quan điểm, khâu giáo dục rất quan trọng. Phải quan tâm đến việc phòng là chính, muốn phòng được thì phải giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng cần phải đẩy mạnh giáo dục từ trong nhà trường, mẫu giáo, mầm non cho đến sau này. "Phải có biện pháp về công tác tuyên truyền giáo dục, công tác hòa giải chính trong gia đình đó, cha mẹ ông bà hòa giải cho con cháu"- bà nói.
Chủ tịch HĐND TP cũng nhìn nhận, hiện nay tỷ lệ ly hôn trong giới trẻ, bạo lực, bạo hành tàn bạo cũng xảy ra trong giới trẻ.
Bà cho rằng, vai trò của phụ nữ, mặt trận rất rõ nhưng vai trò của đoàn thanh niên cũng rất quan trọng trong cơ chế phối hợp để tuyên truyền mạnh, thật sâu, thật kỹ trong giới trẻ.
Theo bà, chỉ có cách đó mới dần làm giảm tỷ lệ bạo hành, bạo lực trong gia đình, giới trẻ và xa hơn là dần xóa bỏ tệ nạn này ra khỏi xã hội.
Bà Nguyễn Thị Lệ nói thêm, trong các nhóm bạo lực thì bạo lực về tình dục là vấn đề tế nhị, nhạy cảm, rất khó nói. Cũng theo bà, tình trạng bạo lực không chỉ xảy ra với phụ nữ mà nam giới cũng là nạn nhân của hành vi bạo lực. Nếu giới nữ đã khó để chia sẻ thì ở nam giới lại càng khó hơn.
Bà cũng nêu thực tế hiện nay có người chồng cấm vợ gặp bạn bè cũ, các mối quan hệ ngoài xã hội và ngược lại. Đây cũng là hình thức bạo lực mà bà đề nghị cần bổ sung làm rõ.
Cùng đó, khái niệm vô cảm cũng cần được đưa vào hành vi gắn với bạo lực gia đình. Vì chính sự thờ ơ, vô cảm dẫn tới chuyện bạo lực, giết người.
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị chú trọng vào khâu xác minh, xử lý tin báo vì việc này rất quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý câu chuyện. Hiện có đường dây nóng quốc gia, có nhiều cơ quan tiếp nhận nhưng theo bà hiệu quả đạt được chưa cao.
“Rất nhiều quy chế phối hợp nhưng cuối cùng ai chủ trì thì lại không có. Ông này nói ông kia, cuối cùng nạn nhân bị thiệt thòi”- bà Nguyễn Thị Lệ nói.
Bà cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm bảo vệ nạn nhân, người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình cũng như người báo tin tố giác.
Về hình thức xử phạt người có hành vi bạo lực gia đình, đến nay vẫn áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền thay vì kết án, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng điều này chưa ổn.
“Bởi tiền là do vợ chồng cùng làm ra, chồng đánh mình rồi chồng bị xử lý rồi lấy tiền của cả hai đóng phạt cũng như không. Đề nghị cần phải có quy định cụ thể ở điểm này, hoặc có thể xử lý bằng hình phạt cho lao động công ích”- bà gợi ý.
Chủ tịch HĐND TP.HCM dẫn số liệu thống kê của Bộ Văn hóa- Thể thao và du lịch, giai đoạn 2009-2021 cả nước 324.614 vụ bạo lực gia đình. Nghiên cứu do viện nghiên cứu gia đình và giới thực hiện chỉ rõ 69% trẻ em tham gia nghiên cứu từng chịu cảnh cha mẹ xử phạt bằng cách đánh, tát... 31,6% phụ huynh thừa nhận họ đánh, chửi con.
Bà cho rằng, chính điều này ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, nhất là tâm lý trẻ vị thành niên. Nghiêm trọng hơn, trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao trở thành nạn nhân của nạn XHTD.
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng nhìn nhận nhiều biện pháp xử phạt bạo lực gia đình hiện chưa đủ sức răn đe, không phù hợp. Bà đơn cử, cách làm hiện nay là đưa người bị bạo hành ra khỏi nhà trong khi họ là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ từ chính người thân trong gia đình; ngược lại, người có hành vi bạo hành lại được ở nhà sau khi bạo hành người thân của mình.
Điều này gây nên phản ứng ngược trong tâm lý nạn nhân nên cần phải có biện pháp phù hợp hơn.
Cơ sở y tế cần có trách nhiệm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình
Tiến sĩ Trần Thị Rồi, Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, để xóa bỏ nạn bạo hành thì phải bắt đầu từ việc giáo dục để có thể ngăn chặn được ngay từ đầu. Thực tế, các vụ bạo hành hiện này phần lớn nạn nhân đều cam chịu, điển hình như vụ bé gái bị người tình của chồng bạo hành đến chết. Theo TS Rồi, phải giáo dục để mỗi người đều biết bản thân mình đang bị bạo hành về mặt thể xác, tinh thần, kinh tế hay tình dục; phải giáo dục để họ nhận biết được hành vi bạo lực, lên tiếng và tự bảo vệ bản thân mình.
TS Rồi cũng cho rằng, các cơ sở y tế cần có trách nhiệm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình thông qua hoạt động khám chữa bệnh.
“Nếu nghi ngờ hoặc khẳng định bệnh nhân của mình do bị bạo hành gia đình dẫn đến gây thương tích thì các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm liên hệ, báo với công an xã, phường ngay tại địa bàn để kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật” TS Rồi góp ý.
Thiết lập hệ thống thông tin giúp chủ động phòng, chống bạo lực gia đình
Tại hội thảo, Luật sư Võ Thị Ngọc Như cho rằng, hiện nay việc xử lý các hành vi bạo hành vẫn còn e dè và không kiên quyết.
Bà đề nghị cần thiết lập hệ thống cung cấp thông tin đăng ký cho công dân thông qua các phương pháp thông báo của cộng đồng về thông tin của người có hành vi bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho công dân chủ động trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.
Thông tin đăng ký trên hệ thống là bí mật và quyền truy cập vào sổ đăng ký hoặc việc công bố thông tin thuộc về cơ quan thực thi pháp luật hoặc các cơ quan được chỉ định.