Chủ tịch HĐND Tp.Huế: Lấy tên gọi ở Huế gắn liền với địa danh, lịch sử, tên gọi của vùng đất hiện hữu

Tỉ lệ người dân đồng ý với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở Huế đạt 99,21% so với tổng số cử tri tham gia lấy ý kiến.

Khi lấy ý kiến nhân dân không có các vấn đề phức tạp, nổi cộm

Ngày 25/4, thông tin từ UBND Tp.Huế, địa phương vừa có báo cáo tổng hợp lấy ý kiến nhân dân, ý kiến HĐND cấp huyện, cấp xã về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố năm 2025.

Bản đồ sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã ở Huế.

Bản đồ sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã ở Huế.

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Tp.Huế, từ tổng số 133 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã hiện có (gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn), thành phố tiến hành sắp xếp để tổ chức lại thành 40 ĐVHC cấp xã, gồm 21 phường và 19 xã.

Trong đó, có 1 ĐVHC được tổ chức lại theo phương án giữ nguyên hiện trạng; 2 ĐVHC được tổ chức lại theo phương án nhập 2 ĐVHC; 24 ĐVHC được tổ chức lại theo phương án nhập 3 ĐVHC; 11 ĐVHC cấp xã được tổ chức lại theo phương án nhập 4 ĐVHC; 2 ĐVHC được tổ chức lại theo phương án nhập 6 ĐVHC. Kết quả này tương ứng với việc giảm 93 đơn vị (27 phường, 59 xã và 7 thị trấn), tức giảm khoảng 69,92% tổng số ĐVHC cấp xã.

Một phiếu lấy ý kiến về đề án được cung cấp cho người dân ở phường Phú Thượng, quận Thuận Hóa, Tp.Huế.

Một phiếu lấy ý kiến về đề án được cung cấp cho người dân ở phường Phú Thượng, quận Thuận Hóa, Tp.Huế.

Thông tin từ UBND Tp.Huế, toàn thành phố đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn 1.086 thôn, tổ dân phố của 132 xã, phường, thị trấn thuộc 09 ĐVHC cấp huyện; 132 xã, phường, thị trấn đã tiến hành lập và công khai danh sách hộ gia đình và tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân về Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã và tên gọi mới của ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp, tổ chức lại trên địa bàn thành phố.

Việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành bằng hình thức phát phiếu trực tiếp đến từng hộ gia đình theo từng thôn, tổ dân phố; công tác phát phiếu, thu phiếu, kiểm phiếu được thực hiện dân chủ, minh bạch, đúng quy định. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân không có các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Thông tin kết quả lấy ý kiến về đề án từ nhân dân, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ Tp.Huế cho biết, tỷ lệ nhân dân đồng ý với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã đạt 99,21% so với tổng số cử tri tham gia lấy ý kiến.

Giám đốc Sở Nội vụ Tp.Huế chia sẻ thêm, các ĐVHC mới sau sắp xếp bảo đảm các nguyên tắc như, giảm số lượng, tăng quy mô quản lý theo tỉ lệ quy định; các đơn vị được nhập có vị trí liền kề, thuận tiện giao thông, tương đồng về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, kinh tế - xã hội; đối với các xã ven biển hoặc miền núi, đều là địa bàn trọng điểm quốc phòng – an ninh, có khả năng phát triển kinh tế biển, đầm phá hoặc gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng văn hóa đặc thù.

Lý giải về một số băn khoăn của cử tri A Lưới về tên gọi cấp xã mới

Theo đề án, sau khi sắp xếp lại ĐVHC cấp xã ở Huế, nhiều tên gọi mới sẽ được đặt lại. Một số tên gọi cấp xã mới đã nhận được sự băn khoăn của cử tri. Điển hình như tên gọi 5 xã mới ở huyện A Lưới được đặt tên theo số thứ tự là A Lưới từ 1 đến 5.

Liên quan đến vấn đề này, cùng sáng nay (25/4), tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 23, nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND Tp.Huế, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp.Huế chia sẻ, vừa qua thành phố có lắng nghe tâm tư của người dân trong việc đặt lại tên gọi các xã phường, đặc biệt ở khu vực huyện A Lưới hiện nay.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp.Huế phát biểu tại kỳ họp.

Chủ tịch HĐND Tp.Huế cho rằng, hiện phương án lấy tên gọi ở Huế chủ yếu gắn liền với địa danh, lịch sử, tên gọi của vùng đất hiện hữu. Riêng với huyện A Lưới, việc lên phương án đặt tên gọi mới được lãnh đạo thành phố hết sức cân nhắc.

"Các địa phương đều không muốn mất đi tên gọi hiện hữu của mình nên mới có các bộ tên lấy từ chữ cái đầu của địa phương ghép lại như Quảng Nhâm, Trung Sơn… và hầu hết không có ý nghĩa. Lần này huyện A Lưới đề nghị không muốn mất đi địa danh A Lưới đã đi vào lịch sử", ông Lưu cho biết thêm.

Cũng tại kỳ họp, Hồ Đàm Giang, Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, sau khi đưa ra phương án đặt tên 5 xã sau sắp xếp là A Lưới từ 1 đến 5, huyện đã tiến hành lấy ý kiến người dân và đạt được sự đồng thuận cao với hơn 96%.

"A Lưới xác định nếu đặt tên theo tên sông, tên suối, tên bản làng hiện nay thì rất dài, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương là ngắn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào tiềm thức của người dân.

Đặc biệt các tên gọi này rất khó khăn trong việc số hóa, không thể đồng bộ. Trong khi cái tên A Lưới đã đi vào lịch sử, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến", ông Giang nói.

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chu-tich-hdnd-tphue-lay-ten-goi-o-hue-gan-lien-voi-dia-danh-lich-su-ten-goi-cua-vung-dat-hien-huu-204250425150752623.htm