Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương lớn về tiết kiệm, chống lãng phí
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương lớn về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong cuốn 'Đường cách mệnh', ngay phần mở đầu nói về tư cách của người cách mạng, Người viết: 'Tự mình phải cần, kiệm'. Theo quan điểm của Người, cần, kiệm phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng, đối lập với nó là lãng phí. Hô hào dân tiết kiệm, thì chính mình phải tiết kiệm trước đã. Bởi vậy, khi Người kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tiết kiệm, chống lãng phí đã giống như lời hiệu triệu, được mọi người nhất nhất hưởng ứng.
Tại sao, đầu Xuân chúng ta lại nói về câu chuyện tiết kiệm, chống lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Có thể nói, từ khi lập nước đến nay câu chuyện về chống lãng phí chưa bao giờ mất tính thời sự. Hiện nay, công tác phòng, chống lãng phí tiếp tục đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thấm, ngấm trong từng lời nói, hành động, không được xao nhãng ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cả một hệ quan điểm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người cho rằng, lãng phí là một căn bệnh, là tội lỗi với Đảng, với Nhà nước và Nhân dân. Sự lãng phí gây ra rất nhiều tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài. Cho nên, để chống lãng phí, Người chủ trương thực hành tiết kiệm. Người luôn coi tiết kiệm là biện pháp quan trọng để tích lũy vốn, để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bởi thế, mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu thực hành tiết kiệm.
Theo Hồ Chủ tịch, tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu”…
Hồ Chủ tịch luôn quan niệm, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ nhằm giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Mục đích của tiết kiệm là để tích lũy tiền của, thời gian, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống của nhân dân.
Tiết kiệm được thực hiện thông qua những hành vi trong thực tế của cán bộ và toàn dân. Kết quả tiết kiệm của mọi người sẽ góp phần tích cực cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Với Người, tiết kiệm có 3 nội dung cơ bản gồm: Tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ và tiết kiệm tiền của.
Ngoài kêu gọi mọi người tiết kiệm, bản thân Bác của chúng ta luôn là tấm gương lớn về thực hành tiết kiệm. Trong sinh hoạt thường ngày, Người luôn ăn mặc giản dị, nơi ở cũng đơn sơ. Người quan niệm: Tiết kiệm từ những việc nhỏ thì sẽ thành được điều to tát, nhờ tiết kiệm “mà lợi cho dân rất nhiều”. “Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần…”- Người từng viết.
2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rõ rằng, chỉ có thực hành tiết kiệm là chưa đủ, phải có thái độ, hành động cụ thể để chống lãng phí, xa xỉ. Theo đó, “có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”. Lãng phí theo Người có 3 loại: lãng phí lao động, lãng phí thời gian và lãng phí tiền của của nhân dân, đất nước.
Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn xem tham ô, lãng phí và quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của đạo đức cách mạng, của xã hội chủ nghĩa: “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, lãng phí ấy…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”.
Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin trong nhân dân, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tấm gương ấy đã truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để ra sức thi đua, huy động mọi nguồn lực, sức mạnh chiến thắng thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.
Đến nay, những lời dạy của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nguyên giá trị, giúp mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức tự thân rèn luyện, tận lực, tận hiến vì đất nước Việt Nam phồn thịnh.
3. Thời đại ngày nay, trước những yêu cầu, đòi hỏi về phát triển đất nước, nhiều nguồn lực, sức dân được tăng cường khiến công tác phòng, chống lãng phí càng được quan tâm, chú trọng. Mới đây, người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết đặc biệt quan trọng với tựa đề “Chống lãng phí”, phân tích chỉ rõ những dạng thức của lãng phí, đồng thời đặt ra những đòi hỏi mới của công tác phòng, chống lãng phí.
Theo Tổng Bí thư, phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.
Tổng Bí thư chỉ rõ, lãng phí hiện nay còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Theo Tổng Bí thư, một số dạng thức của lãng phí hiện nay chính là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Ngoài ra, theo Tổng Bí thư còn là lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước...
Do đó, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh.
Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để. Cần tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.
Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Phải xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.
4. Trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương quý IV năm 2024, một lần nữa yêu cầu về kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp lên cao để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nêu rõ. Đưa phòng, chống lãng phí vào nội quy của từng cơ quan, hương ước của thôn, xóm, quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, xử lý các vi phạm từ hành chính đến hình sự.
Thực tế cho thấy, sau những chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, công tác phòng, chống lãng phí đã ngay lập tức có những chuyển biến mạnh mẽ. Một loạt công trình, dự án có dấu hiệu lãng phí được kiểm tra, rà soát. Gần đây nhất, các cơ quan chức năng đã chỉ ra danh sách 57 dự án trọng điểm đưa vào diện rà soát xử lý về chống lãng phí. Trong đó có 9 dự án về xây dựng; 22 dự án về điện lực, công nghiệp, than khoáng sản; 15 dự án giao thông. Đáng quan tâm là các dự án: Đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức; Dự án chống ngập do triều cường ở TP. Hồ Chí Minh; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành…
Có thể nói, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, toàn Đảng, toàn dân một lòng quyết tâm phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược hướng tới 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.