Chủ tịch Hồ Chí Minh với mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào
Tháng Năm - tháng của lòng biết ơn và tự hào dân tộc lại về trong niềm xúc động của hàng triệu trái tim người Việt, là dịp mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người đã khai sáng con đường cách mạng Việt Nam, đồng thời để lại một di sản tư tưởng, đạo đức và phong cách sống mãi với thời gian.
Trong những giá trị trường tồn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, tư tưởng về tình đoàn kết quốc tế trong sáng, đặc biệt là mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào luôn được xem là một trong những minh chứng tiêu biểu và cảm động nhất.
Người đặt nền móng cho mối quan hệ Việt Nam - Lào
Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào là mối quan hệ hiếm có trong lịch sử thế giới hiện đại. Quan hệ đó không chỉ bắt nguồn từ địa lý gần gũi, văn hóa tương đồng, mà trên hết là kết tinh của sự hy sinh, sẻ chia, đồng cam cộng khổ trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ đặc biệt ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại Hà Nội năm 1966. Ảnh: TTXVN
PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết: “Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương - Việt Nam, Lào và Campuchia. Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"[1].
Trên tinh thần đó, Người đã dày công chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức và cán bộ để thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng tại Lào và Campuchia, đồng thời hỗ trợ cách mạng nước bạn như chính sự nghiệp của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, với vai trò sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo dựng một tổ chức chính trị có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả Lào và Campuchia. Từ nền tảng lý luận và tổ chức này, phong trào cách mạng ở ba nước đã được thống nhất, kết nối và phát triển mạnh mẽ. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để xây dựng tình đoàn kết chiến đấu giữa các dân tộc Đông Dương.
Đặc biệt, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng các căn cứ kháng chiến liên kết giữa Việt Nam và Lào, đồng thời giúp đỡ đào tạo cán bộ, cung cấp vũ khí, hậu cần cho lực lượng cách mạng Lào.
Một minh chứng rõ ràng cho sự quan tâm của Người là việc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với bạn Lào trong việc thành lập Mặt trận Lào Itxala năm 1945 và sau đó là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào năm 1955. Nhiều cán bộ cách mạng chủ chốt của Lào đã được đào tạo tại Việt Nam theo sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt-Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” [2]. Câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa rõ nét mối quan hệ thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc.
PGS, TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh: “Không chỉ dừng lại ở thời kỳ kháng chiến, tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ Việt Nam - Lào còn là kim chỉ nam trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền tảng cho một mối quan hệ không vụ lợi, trong sáng, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đó cũng là lý do vì sao, dù trong hoàn cảnh lịch sử nào, quan hệ Việt Nam - Lào vẫn giữ được tính bền vững, gắn bó, tin cậy và ngày càng phát triển toàn diện”.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tư tưởng của Người về đoàn kết Việt - Lào tiếp tục được duy trì và phát triển, trở thành nền tảng cho quan hệ hai nước đến ngày nay. Nhờ những định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ Việt Nam - Lào đã trở thành một trong những mối quan hệ đặc biệt và bền vững nhất trong lịch sử khu vực, là tình đoàn kết quốc tế trong sáng, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Tiếp nối và phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa hai nước
Ngày 5-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ song phương.
Ngày 18-7-1977, hai nước Việt Nam - Lào ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới, tạo cơ sở để hai nước thúc đẩy ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này.
Trong quá trình hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sau chiến tranh, Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp Lào bảo đảm an ninh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Quan hệ hợp tác đó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đề cao ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Ảnh do nhân vật cung cấp
PGS, TS Vũ Trọng Lâm khẳng định: “Giá trị trường tồn của quan hệ Việt Nam - Lào không chỉ được gắn kết qua những hy sinh xương máu trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, mà còn được bồi đắp bằng tình cảm chân thành, sự tin cậy và sẻ chia giữa hai dân tộc trong suốt hành trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tình hữu nghị giữa hai nước không chỉ là kết quả của lịch sử đấu tranh chung mà còn là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực hôm nay và trong tương lai”.
Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp là tài sản vô giá. Thế hệ trẻ Việt Nam - Lào cần hiểu rằng mối quan hệ Việt - Lào không chỉ là kết quả của sự hợp tác chính trị, mà còn là biểu tượng của tình cảm quốc tế trong sáng, thủy chung, hiếm có. Do đó cần có trách nhiệm tiếp nối và phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Tích cực học tập và rèn luyện, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, hiểu sâu sắc về lịch sử quan hệ hai đảng, hai nước, hai dân tộc. Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác trong các chương trình trao đổi thanh niên, hội thảo khoa học và hợp tác giáo dục giúp tăng cường sự gắn kết giữa hai nước; tiếp tục duy trì tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.
Việc giữ gìn và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Lào không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay. Đó là cách thiết thực nhất để tri ân công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước, đồng thời góp phần xây dựng tương lai tươi sáng cho cả hai dân tộc.
THU TRANG - QUỲNH TRANG
[1]: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.30
[2]: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.14, tr.55