Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng 'trọng thương' trong xây dựng kinh tế quốc dân (Bài 1)

Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) là dịp để giới doanh nhân Việt Nam soi chiếu lại tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong phát triển kinh tế. Từ tinh thần trọng thương, triết lý 'lấy dân làm gốc', đến xây dựng văn hóa kinh doanh… Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn trân trọng giới thiệu bạn đọc.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng lớn, người khai sáng con đường giành độc lập dân tộc, mà còn là người sớm thể hiện một tầm nhìn kinh tế hiện đại, trong đó tư tưởng "trọng thương" đóng vai trò đặc biệt.

Với tầm nhìn và triết lý phát triển toàn diện, Người đã khẳng định vai trò của doanh nhân và giới công thương như một bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng và kiến quốc.

Ảnh: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 49 - NXB Chính trị Quốc gia, năm 2009

Ảnh: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 49 - NXB Chính trị Quốc gia, năm 2009

Ngày 13/10/1945, hơn một tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi giới công thương Việt Nam. Tuy chỉ dài hơn 200 chữ, nhưng bức thư đã thể hiện tư tưởng kinh tế rất rõ ràng và sâu sắc: đề cao vai trò của doanh nhân, khuyến khích họ phát huy năng lực và trí tuệ để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tài chính vững mạnh.

Người viết: “Hiện nay, công cuộc kiến thiết cần đến sự góp sức của giới công thương. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Tôi mong giới công thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp, thương nghiệp mau mau gia nhập vào Công Thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

Không chỉ là lời động viên, bức thư còn thể hiện sự nhìn nhận chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của giới công thương trong quá trình kiến thiết đất nước. Đó còn là lời hiệu triệu mạnh mẽ, khơi dậy trách nhiệm công dân, tinh thần yêu nước và ý thức cống hiến vì cộng đồng trong giới tư sản dân tộc. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, doanh nhân được nhìn nhận như một lực lượng yêu nước, có sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc trên hành trình phát triển quốc gia.

Đáp lại lời kêu gọi đó, phong trào “Tuần lễ Vàng” và “Quỹ Độc lập” đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của giới tư sản: hơn 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng. Đây không chỉ là sự ủng hộ về vật chất, mà còn là biểu hiện sinh động của sự đồng thuận chính trị và tinh thần đoàn kết dân tộc trong giai đoạn đầu của chính quyền cách mạng non trẻ.

PGS.TS Hà Minh Hồng - Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, nhận định rằng tư tưởng trọng thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa tinh thần “chấn hưng thực nghiệp” của các nhà duy tân đầu thế kỷ XX như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can… đồng thời thể hiện triết lý lãnh đạo tiến bộ, hướng tới một nền kinh tế tự chủ, bền vững, đặt con người làm trung tâm.

Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh vai trò của doanh nhân trong kinh tế, mà còn trong đoàn kết dân tộc, bảo vệ độc lập, khẳng định doanh nhân là một phần không thể tách rời của mặt trận kiến quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới công thương Hà Nội tháng 9/1945. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới công thương Hà Nội tháng 9/1945. Ảnh tư liệu

Tư tưởng “trọng thương” còn được cụ thể hóa trong các chính sách và cách hành xử thực tiễn. Người đặt nền móng cho việc thành lập cơ quan quản lý ngành công thương, đồng thời động viên sự tham gia của giới công thương trong các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là Công Thương cứu quốc đoàn. Sự ra đời của tổ chức này chính là dấu mốc khẳng định sự ghi nhận chính thức vai trò và vị trí của doanh nhân trong cấu trúc chính trị và kinh tế của đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng và Nhà nước kế thừa và phát triển trong các giai đoạn đổi mới. Năm 1990, khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân được ban hành, khu vực kinh tế tư nhân bắt đầu được nhìn nhận là bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân.

Năm 2004, Nhà nước chính thức chọn ngày 13/10 - ngày Bác gửi thư cho giới công thương làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, khẳng định tầm quan trọng và vai trò tiên phong của lực lượng doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Gần đây, các Nghị quyết số 09-NQ/TW (2011), Nghị quyết 41-NQ/TW (2023) và đặc biệt là Nghị quyết 68-NQ/TW (2023) đã tiếp tục kế thừa sâu sắc tư tưởng trọng thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là “một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân”, còn đội ngũ doanh nhân được đặt ở vị trí trung tâm của tiến trình phát triển bền vững, công bằng và hội nhập.

Theo ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, những Nghị quyết này thể hiện tầm nhìn chiến lược và tính nhất quán trong chính sách phát triển doanh nghiệp. Ông cho rằng, đây chính là sự tiếp nối đúng đắn tinh thần của Bác, người đã đặt nền móng cho tư tưởng trọng thương bằng tình yêu nước, sự trân trọng dành cho người biết làm kinh tế, dám làm giàu chính đáng và biết phụng sự dân tộc.

Ngày nay, khi nền kinh tế đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và toàn cầu hóa sâu rộng, tư tưởng trọng thương càng có giá trị thời sự. Doanh nhân không chỉ là người tạo ra của cải, mà còn là người kiến tạo văn hóa kinh doanh, góp phần lan tỏa các giá trị nhân văn, đạo đức, trách nhiệm với cộng đồng. Trong bối cảnh ấy, học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh chính là cách để xây dựng một đội ngũ doanh nhân bản lĩnh, trí tuệ, tử tế và phụng sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà máy dệt 8/3 nhân dịp chuẩn bị khánh thành vào ngày 8/3/1965

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà máy dệt 8/3 nhân dịp chuẩn bị khánh thành vào ngày 8/3/1965

TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn nhận định: “Chúng ta cần hiểu đúng tinh thần trọng thương của Bác: không phải tôn vinh người giàu, mà là trọng người biết làm ăn chân chính, lấy lợi ích quốc gia, cộng đồng làm kim chỉ nam. Đây chính là đạo đức kinh doanh mà doanh nhân Việt Nam hôm nay cần thấm nhuần".

80 năm qua kể từ ngày Bác viết thư cho giới công thương, nhưng những tư tưởng Người để lại vẫn là ánh sáng soi đường cho phát triển kinh tế, cho sự hình thành và trưởng thành của cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Tư tưởng trọng thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn cả một chính sách, là một triết lý phát triển bền vững, đặt nền móng vững chắc cho một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng.

A.I

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-tu-tuong-trong-thuong-trong-xay-dung-kinh-te-quoc-dan-bai-1-317945.html