Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa: 'Đoàn kết vì mục tiêu bảo đảm quyền trẻ em tại Việt Nam'

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội hoạt động vì quyền trẻ em đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, góp phần giải quyết những vấn đề về trẻ em.

LTS: 2024 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần IV Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với tinh thần “Đoàn kết, Đổi mới, Hội nhập, Cống hiến vì sự phát triển toàn diện và bảo đảm quyền trẻ em”.

Chào Xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa về kết quả hoạt động Hội năm 2023 và những ưu tiên trong công tác bảo vệ quyền trẻ em năm 2024.

Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa. Ảnh: N. Hùng

Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa. Ảnh: N. Hùng

Nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó

Thưa Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa, bà có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) trong năm 2023?

Thực tế thời gian qua, việc bảo đảm quyền trẻ em và giải quyết những vấn đề về quyền trẻ em còn gặp nhiều thách thức. An toàn thực phẩm, phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực - xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, sức khỏe tâm thần trẻ em, trẻ em với thuốc lá điện tử và thừa cân béo phì… vẫn là những vấn đề “nóng” cần sự chung tay giải quyết của Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Năm 2023, công tác trẻ em vẫn tiếp tục được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan tới trẻ em của Nhà nước được ban hành và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu trẻ em dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I. Ảnh: IT

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu trẻ em dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I. Ảnh: IT

Hội BVQTEVN với vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội hoạt động vì quyền trẻ em được giao nhiệm vụ tại Luật Trẻ em và một số văn bản, chính sách pháp luật. Mặc dù không có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Nhà nước nhưng trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, góp phần giải quyết những vấn đề về trẻ em.

Năm 2023, Hội đã ban hành Chiến lược phát triển Hội đến năm 2035 và tổ chức Đại hội lần thứ IV Hội BVQTEVN thành công. Đại hội đã thông qua Nghị quyết, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho 5 năm (2023-2028) hướng tới phấn đấu là một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Nhiệm kỳ vừa qua, Hội tập trung thực hiện việc kết nối, thu thập thông tin từ các tổ chức xã hội và trẻ em, đồng thời tiến hành nghiên cứu để có cơ sở bằng chứng góp ý, tư vấn xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật liên quan tới quyền trẻ em.

Đã có hàng nghìn trẻ em và nhiều tổ chức xã hội được tham vấn ý kiến. Hội đã được tham gia giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội đồng Đội TW chủ trì. Đối với các vụ việc vi phạm quyền trẻ em mà Hội tiếp nhận, Hội đã phát biểu chính kiến trên các phương tiện truyền thông và thông qua văn bản gửi các cơ quan liên quan, đồng thời tư vấn, hỗ trợ nhiều trường hợp bị vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng liên quan tới xâm hại trẻ em, tranh chấp quyền nuôi con, bạo hành trẻ trong gia đình…

Ký kết chương trình phối hợp 3 bên giữa Hội BVQTEVN, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về công tác bảo vệ quyền trẻ em giai đoạn 2023-2028. Ảnh: Hoài Linh

Ký kết chương trình phối hợp 3 bên giữa Hội BVQTEVN, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về công tác bảo vệ quyền trẻ em giai đoạn 2023-2028. Ảnh: Hoài Linh

Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cha mẹ, trẻ em về bảo vệ quyền trẻ em cũng được Hội quan tâm, chú trọng. Hội đã đổi mới trong cách thức truyền thông cộng đồng bằng việc lồng ghép các nội dung truyền thông về quyền trẻ em, hướng dẫn việc thực hiện quyền trẻ em trong các sự kiện bảo trợ, tặng quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng nhân dịp Trung thu và tổ chức được hơn 30 “Phiên tòa giả định” có trên 20 nghìn người tham gia.

Hội đã có những nỗ lực trong hỗ trợ trẻ em triển khai sáng kiến về bảo vệ quyền trẻ em. Sáng kiến về “Phòng chống phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật” của nhóm trẻ em tại Đà Nẵng đã được chia sẻ tại cuộc “Gặp gỡ trẻ em khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Liên minh quyền trẻ em châu Á tổ chức tại Manila, Philippines.

Ngoài ra, trong năm 2023, Hội phối hợp với Tạp chí Trẻ em Việt Nam phát động và tổ chức thành công 2 cuộc thi: Vẽ tranh “Ngôi nhà mơ ước” và cuộc thi “Chữ đẹp tuổi thơ” thu hút hàng chục nghìn trẻ em tham gia. Đây cũng là một hình thức sáng tạo trong kết hợp hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của trẻ em về quyền trẻ em và thúc đẩy việc thực hiện quyền tham gia của trẻ trong thực tiễn.

Công tác phối hợp với các đơn vị cũng được Hội chú trọng. Tại Đại hội, Hội BVQTEVN lần thứ IV vào đầu tháng 12/2023, Hội đã ký tiếp Chương trình phối hợp 3 bên với TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về công tác bảo vệ quyền trẻ em giai đoạn 2023-2028. Đây cũng là cơ sở để gắn kết các tổ chức chính trị - xã hội uy tín trong thúc đẩy thực hiện tốt hơn quyền trẻ em trước những vấn đề trẻ em đặt ra trong tình hình mới.

Hội BVQTEVN phối hợp trao 100 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Yên Hoa và thị trấn Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Hội BVQTEVN phối hợp trao 100 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Yên Hoa và thị trấn Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Hội BVQTEVN đã phải vượt qua những khó khăn gì trong năm qua để đạt được những thành tích đáng khích lệ đó, thưa Chủ tịch?

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng những hậu quả gây ra đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và trẻ em nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, giải quyết. Cùng với nền kinh tế dần phục hồi thì những vấn đề về trẻ em như trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, sao nhãng do cha mẹ bị mất việc hoặc phải đi lao động xa nhà, sức khỏe tâm thần của trẻ trong bối cảnh mới, tai nạn thương tích ở trẻ em… cũng đặt ra nhiều thách thức.

Hội BVQTEVN được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về bảo vệ trẻ em trong các văn bản, chính sách pháp luật nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí để hoạt động. Vì vậy, Hội đã phải chủ động huy động nguồn lực cộng đồng để việc thực hiện các hoạt động trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cán bộ chuyên trách không ổn định.

Mặt khác, một số tỉnh, thành phố có tổ chức Hội nhưng nhận thức về trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em còn hạn chế và thiếu nguồn lực cũng như các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ. Công tác phát triển hội viên chưa được các địa phương quan tâm tập trung, chưa đủ nguồn nhân lực ở địa phương để xử lý, tư vấn kịp thời và thu thập thông tin về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em tại địa phương. Nhận thức chung của cộng đồng về thực hiện quyền trẻ em chưa đầy đủ.

Việc tổ chức lấy ý kiến trẻ em đóng góp vào dự thảo chính sách pháp luật còn chưa được các cơ sở Hội ở địa phương quan tâm, thực hiện. Chỉ một số Hội địa phương tổ chức thu thập thông tin, ý kiến của các tổ chức xã hội, trẻ em để góp ý cho các chính sách pháp luật tại địa phương, chưa có sự kết hợp chặt chẽ với Hội BVQTEVN trong góp ý các văn bản, chính sách cấp độ quốc gia, khu vực.

Những khó khăn, thách thức đang đặt ra yêu cầu cho Hội BVQTEVN và các cơ sở Hội ở địa phương cần có biện pháp hiệu quả để giải quyết, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em.

Tuyên truyền pháp luật về bảo vệ trẻ em trong trường học tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Tuyên truyền pháp luật về bảo vệ trẻ em trong trường học tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Ưu tiên nhiệm vụ đoàn kết, kết nối vì trẻ em

Năm 2023, Hội đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ IV Hội BVQTEVN nhiệm kỳ 2023-2028 và ban hành Chiến lược phát triển Hội đến năm 2035. Vậy Hội có những ưu tiên gì trong thời gian tới?

Năm 2024 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần IV nhiệm kỳ 2023 - 2028 trong bối cảnh được dự báo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được Đảng, Nhà nước tăng cường chỉ đạo thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Với phương châm hành động “Đoàn kết, Đổi mới, Hội nhập, Cống hiến vì sự phát triển toàn diện và bảo đảm quyền trẻ em”, trong thời gian tới, Hội sẽ ưu tiên nhiệm vụ đoàn kết, kết nối, hợp tác với các tổ chức, cá nhân để tăng cường sự tham gia tích cực, ý nghĩa, tâm huyết của những người hoạt động vì quyền trẻ em.

Đặc biệt, Hội sẽ nỗ lực trong thúc đẩy sự gắn kết, phối hợp có hiệu quả với các cơ quan, tổ chức vì trẻ em và các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực trẻ em tình nguyện cống hiến, đóng góp cho mục tiêu chung vì sự phát triển toàn diện và bảo đảm quyền trẻ em tại Việt Nam.

Ông Lương Thế Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội BVQTEVN trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”.

Ông Lương Thế Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội BVQTEVN trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”.

Cùng với đó, Hội BVQTEVN sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực về bảo vệ quyền trẻ em cho cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là nhận thức về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em trong các cơ sở Hội ghép chức năng, nhiệm vụ và các Hội mới thành lập; lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trong kế hoạch hoạt động thường niên của các tổ chức Hội.

Cán bộ Hội các cấp cần được nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền trẻ em và thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao về tư vấn, góp ý chính sách; tham gia giám sát việc thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Việc thực hiện các nhiệm vụ được giao về bảo vệ quyền trẻ em cũng được Hội xem xét là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng hằng năm. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh với những gương mặt trẻ em, tổ chức, cá nhân tiêu biểu đồng hành với Hội trong bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em.

Hội sẽ chú trọng và khuyến khích việc mở rộng các mô hình tốt, các điển hình tiêu biểu trong bảo vệ trẻ em đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng và phát triển mô hình Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em tại các địa phương khác (ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Mục tiêu về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền trẻ em và vận động xã hội về bảo vệ trẻ em cũng sẽ tiếp tục được Hội chú trọng trong thời gian tới theo hướng đổi mới, linh hoạt trong cách thức tổ chức thực hiện phù hợp với yêu cầu về giải quyết các vấn đề trẻ em và điều kiện thực tế ở địa phương như lồng ghép truyền thông về quyền trẻ em trong hoạt động bảo trợ, tặng quà; đa dạng hóa các hình thức thu thập ý kiến trẻ em phù hợp với điều kiện ở địa phương. Điều này không chỉ thực hiện nhiệm vụ của Hội trong thu thập ý kiến trẻ em mà còn là nâng cao nhận thức của trẻ về quyền của các em và thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong thực tiễn.

Hội sẽ đa dạng hóa các hình thức vận động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ trẻ em thông qua mở rộng sự hợp tác mang tính chiến lược với các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực trẻ em; ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động và vận động nguồn lực từ cộng đồng; xây dựng và khai thác nguồn lực từ đối tác tiềm năng thuộc khối doanh nghiệp tư nhân; tham gia cung cấp các dịch vụ về bảo vệ trẻ em đáp ứng nhu cầu từng đối tượng theo hướng có thu phí…

Hội cũng đồng thời tăng cường xây dựng đề án, dự án hỗ trợ, bảo vệ trẻ em theo định hướng của ngành lao động - thương binh và xã hội trong Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tập trung một số nội dung như sức khỏe tâm thần của trẻ, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước… để góp phần cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề về bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

Đặc biệt trong năm 2024, Hội sẽ ưu tiên làm việc với các đối tác, đơn vị, đưa chương trình hướng dẫn cha mẹ về phương pháp giáo dục tích cực, không sử dụng bạo lực đối với con trong gia đình được giới thiệu và triển khai tới các địa phương có cơ sở Hội. Chương trình sẽ góp phần quan trọng trong phòng chống bạo lực trẻ em và giúp trẻ em được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Hà

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/chu-tich-hoi-bao-ve-quyen-tre-em-viet-nam-nguyen-thi-thanh-hoa-doan-ket-vi-muc-tieu-bao-dam-quyen-tre-em-tai-viet-nam-d3811.html