Chủ tịch Ngân hàng KDB Hàn Quốc: Mỗi lần đến Việt Nam tôi có cảm giác như được trở về quê hương mình

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc Kang Seoghoon đã chia sẻ điều này với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) và ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB). Ảnh VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) và ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB). Ảnh VGP/Trần Mạnh

Tiếp tục mở ra một chương hợp tác mới thành công rực rỡ trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc

Sáng 23/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tiếp ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) và ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB).

Cùng dự buổi tiếp có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,…

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: Với tư cách là đối tác rất quan trọng, Hàn Quốc đang đứng thứ nhất về đầu tư; thứ hai về ODA, lao động và du lịch; thứ ba về thương mại với Việt Nam.

Đến nay, tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam lên đến 82 tỷ USD, kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2021. Đối với Hàn Quốc, Việt Nam hiện cũng là đối tác kinh tế lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Với việc nâng tầm quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện, Chính phủ Việt Nam mong muốn hai nước tiếp tục mở ra một chương hợp tác mới thành công rực rỡ, trong đó kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm cả các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, hỗ trợ tích cực cho quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc, đặc biệt là quan hệ kinh tế tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Bày tỏ vui mừng được gặp các Lãnh đạo cấp cao nhất của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) và Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) nhân dịp tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam. Có thể nói IBK và KDB là hai đại diện tiêu biểu của các doanh nghiệp có vốn Chính phủ Hàn Quốc trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chúc ông Kim Sung-tae, Chủ tịch IBK và ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành KDB có chuyến công tác thành công.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá rất cao chuyến thăm lần này của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, đánh dấu lần đầu tiên chuyến thăm một nước trong khu vực Đông Nam Á đầu tiên của ngài Tổng thống; tin tưởng Chính phủ hai nước sẽ thống nhất về phương hướng và chương trình hành động cụ thể nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới, mối quan hệ tốt đẹp được dầy công xây dựng và vun đắp suốt ba thập kỷ qua.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Với các yếu tố ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh đang ngày càng lành mạnh, cùng với việc các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Với các yếu tố ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh đang ngày càng lành mạnh, cùng với việc các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế

Trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Với các yếu tố ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh đang ngày càng lành mạnh, cùng với việc các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.

Trao đổi về hợp tác kinh tế hai nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, bên cạnh hợp tác hiệu quả, thiết thực giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan quản lý khu vực tiền tệ, ngân hàng Hàn Quốc, không thể không nhắc tới vai trò của các tổ chức ngân hàng - tài chính Hàn Quốc tại Việt Nam. Các tổ chức này đã và đang kinh doanh hiệu quả, tuân thủ pháp luật Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư song phương ngày càng phát triển.

Phó Thủ tướng ghi nhận những đóng góp tích cực của ngân hàng KDB, IBK trong vai trò là cầu nối quan trọng kết nối các nhà đầu tư Hàn Quốc với các nhu cầu tài trợ cho các chương trình, dự án quan trọng tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng chúc mừng kết quả hoạt động đáng khích lệ của IBK tại Việt Nam thời gian qua; đánh giá cao việc IBK gần đây đã mở rộng hoạt động hướng tới các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, trong đó có các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng đồng hành với kinh tế Việt Nam và phù hợp với các định hướng lớn của Chính phủ hiện nay.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận những đóng góp tích cực của ngân hàng KDB, IBK trong vai trò là cầu nối quan trọng kết nối các nhà đầu tư Hàn Quốc với các nhu cầu tài trợ cho các chương trình, dự án quan trọng tại Việt Nam. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận những đóng góp tích cực của ngân hàng KDB, IBK trong vai trò là cầu nối quan trọng kết nối các nhà đầu tư Hàn Quốc với các nhu cầu tài trợ cho các chương trình, dự án quan trọng tại Việt Nam. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng đề nghị IBK tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và thế mạnh của mình đặc biệt là vai trò quan trọng đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao việc KDB với vai trò là một trong những mô hình ngân hàng phát triển 100% vốn Chính phủ thành công nhất đã ký kết và triển khai các Bản ghi nhớ về hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam nhằm chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm giá trị, hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng định hướng mô hình hoạt động phù hợp để tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Cho rằng, các kiến thức, kinh nghiệm này có giá trị tham khảo hữu ích cho quá trình triển khai thực hiện cơ cấu lại và xây dựng định hướng hoạt động cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn trong thời gian tới KDB tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực phù hợp cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB): "Mỗi lần đến Việt Nam tôi cảm giác như được về quê hương mình". Ảnh VGP/Trần Mạnh

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB): "Mỗi lần đến Việt Nam tôi cảm giác như được về quê hương mình". Ảnh VGP/Trần Mạnh

Mỗi lần đến Việt Nam tôi cảm giác như được về quê hương mình

Cảm ơn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo các bộ ngành đã dành thời gian tiếp đoàn, ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) bày tỏ: "Các chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam không giống những nước khác. Mỗi lần đến Việt Nam tôi cảm giác như được về quê hương mình".

Chủ tịch KDB chia sẻ, năm ngoái ông có gặp Chủ tịch một quỹ đầu tư lớn của Hoa Kỳ. Khi trao đổi về nhận định là trong bối cảnh hiện tại nền kinh tế của quốc gia nào có cơ hội phát triển nhất, ông ấy đã trả lời ngay: Đó là Việt Nam.

Theo Chủ tịch KDB Kang Seoghoon, dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp những khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng bền vững. Đạt được kết quả đáng mừng đó, có vai trò rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, trong đó có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Ông Kang Seoghoon cho biết, KDB là ngân hàng do Chính phủ Hàn Quốc sở hữu 100% vốn. Dưới sự dẫn dắt của Chính phủ Hàn Quốc, KDB đã có sự phát triển tốt. Chia sẻ về định hướng hoạt động của KDB vào các lĩnh vực phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển năng lượng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, Chủ tịch KDB bày tỏ hy vọng sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nêu trên, cùng đồng hành với lộ trình xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển.

Chủ tịch KDB mong muốn thời gian tới sẽ thành lập chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ra thị trường thế giới.

Ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) mong muốn sẽ thành lập một ngân hàng chuyên biệt cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua đó góp phần nâng tầm hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) mong muốn sẽ thành lập một ngân hàng chuyên biệt cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua đó góp phần nâng tầm hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Tại buổi tiếp, ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) cho biết, IBK được thành lập từ năm 1991, tại Hàn Quốc 80% tài sản cho vay của IBK dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong lịch sử hoạt động của mình, mỗi khi Hàn Quốc gặp khó khăn về kinh tế, IBK luôn đẩy mạnh các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua các cuộc khủng hoảng.

Hiện này IBK đang vận hành chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM, đồng thời xúc tiến quá trình thành lập pháp nhân ngân hàng. Với tổng tài sản tại Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD, IBK đang hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như các đối tác.

Chủ tịch IBK Kim Sung-tae bày tỏ mong muốn được chuyển đổi về hình thức pháp nhân để không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, mà còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tại các địa phương, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động,…

Chủ tịch IBK Kim Sung-tae nhấn mạnh, trong bối cảnh hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đã nâng mức quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, IBK mong muốn sẽ thành lập một ngân hàng chuyên biệt cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua đó góp phần nâng tầm hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng như đóng góp chung vào sự phát triển quan hệ của hai nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn các tổ chức tài chính - ngân hàng Hàn Quốc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn các tổ chức tài chính - ngân hàng Hàn Quốc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Mong muốn các tổ chức tài chính - ngân hàng Hàn Quốc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng

Trao đổi về đề xuất của lãnh đạo KDB và IBK, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: Hàn Quốc hiện là quốc gia có số lượng hiện diện của các tổ chức tài chính - ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam và vẫn đang tiếp tục có số lượng hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập hiện diện mới nhiều nhất hiện nay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời điểm hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang cùng lúc xử lý hồ sơ của 6 tổ chức ngân hàng Hàn Quốc đề nghị cấp phép mở mới hiện diện, trong đó có IBK và KDB. Tất cả các hồ sơ đều đã được NHNN Việt Nam có văn bản hướng dẫn về hồ sơ theo quy định hiện hành.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: "Tại Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc tháng 3 vừa qua, tôi và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyung Ho cũng đã trao đổi về vấn đề này. Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đều ghi nhận ý kiến của Lãnh đạo Hàn Quốc về việc xem xét xử lý đối với hồ sơ của các ngân hàng chính sách Hàn Quốc như KDB và IBK.

Hiện nay, số lượng các tổ chức trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam đã lên tới 96 tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có tới 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có trụ cột tái cơ cấu khu vực tài chính mà tái cơ cấu ngân hàng là trọng tâm. Trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam tiếp tục triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, để tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các tổ chức tài chính-ngân hàng nước ngoài tham gia quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng yếu kém. Đây sẽ là lợi thế khi tổ chức tài chính nước ngoài mong muốn thiết lập hiện diện thương mại mới tại Việt Nam. Việt Nam cũng rất mong muốn các tổ chức tài chính-ngân hàng Hàn Quốc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có báo cáo Chính phủ về tình hình xử lý các hồ sơ cấp phép thành lập hiện diện thương mại đối với hồ sơ của các ngân hàng Hàn Quốc đặc biệt là hồ sơ của hai Ngân hàng chính sách của Chính phủ Hàn Quốc là IBK và KDB. Tôi tin tưởng rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có chỉ đạo cụ thể để giải quyết thấu đáo về vấn đề này trong thời gian tới"./.

Trần Mạnh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chu-tich-ngan-hang-kdb-han-quoc-moi-lan-den-viet-nam-toi-co-cam-giac-nhu-duoc-tro-ve-que-huong-minh-102230623112841707.htm