Chủ tịch nước dự khai mạc Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC
Sáng nay (16/7), tại Hải Phòng, Chủ tịch nước Lương Cường dự và phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp lần thứ ba năm 2025 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III). Sự kiện có sự tham dự của hơn 200 đại biểu quốc tế và Việt Nam.
ABAC là cơ chế tư vấn chính sách chính thức từ cộng đồng doanh nghiệp lên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, được thành lập từ năm 1996. Các kỳ họp ABAC được tổ chức bốn lần mỗi năm, luân phiên tại các thành phố lớn của các nền kinh tế thành viên.
Chủ đề xuyên suốt của ABAC năm 2025 là "Cầu nối - Doanh nghiệp - Vươn xa" - một thông điệp vừa mang tính kết nối, vừa thể hiện khát vọng hợp tác vượt qua thách thức để cùng phát triển bền vững.

Chủ tịch nước Lương Cường tới dự Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC
Đây là một trong những kỳ họp quan trọng nhằm thống nhất nội dung thư của ABAC gửi các Bộ trưởng APEC: Bộ Kinh tế, SME, Y tế, Bộ phụ trách chuyển đổi số; hoàn thiện báo cáo ABAC về khuyến nghị chính sách từ cộng đồng doanh nghiệp trình lên lãnh đạo Kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao tháng 10/2025 tại Hàn Quốc.
Lễ khai mạc và các phiên họp của ABAC III tập trung vào các chủ đề chiến lược như: Thương mại – đầu tư, kinh tế số, chuyển đổi xanh, tài chính bền vững, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo, y tế thông minh….
Kết quả của Kỳ họp sẽ được tổng hợp thành báo cáo chính thức của ABAC trình lên các nhà Lãnh đạo APEC tại Đối thoại ABAC với các nhà Lãnh đạo APEC, diễn ra cuối năm nay tại Hàn Quốc. Những nội dung được thảo luận tại Kỳ họp sẽ trực tiếp góp phần định hình chính sách kinh tế và thương mại khu vực trong giai đoạn tiếp theo.
Kỳ họp ABAC III tại Hải Phòng không chỉ là một điểm nhấn trong chương trình hoạt động của ABAC năm nay, mà còn là cơ hội rất lớn để Việt Nam thể hiện vai trò chủ động, uy tín và trách nhiệm trong APEC. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tiếp cận các đối tác quốc tế, các thành viên ABAC nhằm kết nối kinh doanh, quảng bá môi trường đầu tư và cùng nhau hướng đến một khu vực APEC thịnh vượng, bao trùm và bền vững.

Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Lương Cường chỉ rõ trên suốt chặng đường 36 năm hình thành và phát triển, APEC đã khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực, là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, bảo đảm hòa bình, ổn định, kết nối và thịnh vượng cho khu vực.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những chuyển biến địa chính trị sâu sắc, chứng kiến sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch với nhiều rủi ro tiềm ẩn, các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, sự thay đổi về chính sách thương mại và gián đoạn chuỗi cung ứng, Chủ tịch nước cho rằng hợp tác đa phương và đối thoại công - tư càng trở nên quan trọng và cần phải được đẩy lên một tầm cao mới.
Chủ tịch nước đánh giá, với vai trò là cơ chế đại diện chính thức của cộng đồng doanh nghiệp trong APEC, giữ vai trò cầu nối then chốt giữa khu vực tư nhân và các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC, ABAC không chỉ đề xuất các chính sách thuận lợi cho kinh tế mà còn trực tiếp tham gia kiến tạo các giải pháp thiết thực để củng cố chuỗi giá trị, thúc đẩy đầu tư, khơi thông dòng chảy thương mại và khuyến khích đổi mới sáng tạo; đồng thời tin tưởng rằng những sáng kiến từ ABAC sẽ tiếp tục là động lực cho sự phát triển bền vững của khu vực.
Chủ tịch nước hoan nghênh việc ABAC đã lựa chọn các chủ đề thảo luận trong kỳ họp lần này xoay quanh các lĩnh vực cốt lõi như: thương mại tự do và đầu tư bền vững; chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo; tài chính xanh và phát triển bền vững; an ninh y tế và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu khai mạc Kỳ họp ABAC 3
Chủ tịch nước cho biết, đây đều là những ưu tiên lớn của Việt Nam trong chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Chủ tịch nước khẳng định, để thực hiện những ưu tiên đó, Việt Nam đang thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, cạnh tranh và ổn định.
Việt Nam luôn coi trọng hợp tác APEC và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn APEC đến năm 2040 vì một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai.
Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy và tạo điều kiện cho hợp tác thương mại và đầu tư trong khu vực. Với vai trò trung tâm trong mạng lưới liên kết kinh tế khu vực và các hiệp định thương mại tự do đa phương, Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư lợi thế tiếp cận đa dạng thị trường và chuỗi cung ứng toàn khu vực.
"Vì thế, đầu tư vào Việt Nam không chỉ là đầu tư vào một nền kinh tế năng động, ổn định và đang phát triển nhanh chóng, mà còn là bước đi chiến lược để kết nối với các đối tác lớn và tiềm năng trên thế giới, cũng như các khu vực tự do thương mại khác", theo Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, Việt Nam xác định doanh nghiệp có vai trò là một lực lượng tiên phong trong quá trình hiện đại hóa quốc gia. Thực hiện tinh thần đó, Việt Nam đã ban hành các quyết định rất quan trọng, nhằm hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đó là các cơ chế hỗ trợ toàn diện từ tiếp cận vốn, đào tạo nhân lực, chuyển đổi số, đến hỗ trợ đổi mới công nghệ, khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên.
Đây là bước đi cụ thể thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc kiến tạo môi trường thuận lợi và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chủ tịch nước cho biết, hiện nay Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đang triển khai đồng bộ các cơ chế hỗ trợ, như: Cơ chế thử nghiệm chính sách, các gói ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng số và dữ liệu mở phục vụ doanh nghiệp...

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC
Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời chủ động thúc đẩy các đối thoại chính sách giữa Chính phủ và khu vực tư nhân để kịp thời điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn.
Nhấn mạnh một khu vực APEC phát triển bền vững không thể thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp APEC hãy cùng nhau tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, chia sẻ công nghệ, nâng cao khả năng thích ứng trước các cú sốc toàn cầu. Cạnh tranh là cần thiết, nhưng hợp tác chính là điều kiện để mọi nền kinh tế cùng chiến thắng.
Chủ tịch nước cũng khuyến khích các tổ chức như ABAC, các doanh nghiệp lớn trong khu vực tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSMEs), thông qua đào tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác thị trường. Cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bao trùm và bền vững của khu vực.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hợp tác APEC theo hướng lấy con người làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm động lực và lấy phát triển bền vững làm mục tiêu. Việt Nam sẽ đồng hành cùng ABAC trong việc xây dựng các khuyến nghị chính sách thiết thực, phản ánh đúng kỳ vọng và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch nước tin tưởng, Kỳ họp ABAC III tại Hải Phòng sẽ là diễn đàn kết nối trí tuệ, chia sẻ tầm nhìn và khơi nguồn những ý tưởng đổi mới. Những khuyến nghị, sáng kiến được thai nghén, hình thành và phát triển tại ABAC III sẽ có giá trị quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Đối thoại giữa ABAC và các Nhà Lãnh đạo APEC vào tháng 10 tới tại Hàn Quốc.

Chủ tịch nước Lương Cường chụp ảnh cùng các đại biểu
Dịp này, Chủ tịch nước trân trọng mời và chào đón các thành viên ABAC trở lại Việt Nam vào năm 2027 để tham dự các hoạt động dành cho doanh nghiệp trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC - 2027 được tổ chức tại Phú Quốc, Việt Nam.
Sau phiên khai mạc, Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu tham quan Khu Triển lãm trưng bày các thành tựu kinh tế và sản phẩm tiêu biểu của Hải Phòng. Triển lãm nhằm quảng bá tới các thành viên ABAC những thành tựu kinh tế mà Hải Phòng đạt được, tạo cơ hội cho các đại biểu ABAC trực tiếp thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của miền duyên hải Việt Nam.