Chủ tịch nước Lương Cường dự khai mạc đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam

Sáng 6.5, đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 khai mạc tại hội trường Minh Châu thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Dự lễ khai mạc có Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó thủ tướng Mai Văn Chính, Bộ trưởng Bộ Dân tộc - Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị.

Chủ tịch nước Lương Cường và Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng dự khai mạc đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20 năm 2025

Chủ tịch nước Lương Cường và Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng dự khai mạc đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20 năm 2025

Cùng tham dự có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tổ chức đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2025 Việt Nam; cùng các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam..

Về phía quan chức quốc tế có Tổng thống Sri Lanka; quan chức Liên Hợp Quốc; đại sứ các nước tại Việt Nam...

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Lương Cường thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chào mừng sự có mặt của lãnh đạo các nước, đại biểu tăng ni, phật tử quốc tế đến Việt Nam dự đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

Chủ tịch nước khẳng định đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có Giáo hội Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam.

Chủ tịch nước đánh giá cao chủ đề đại lễ Vesak 2025 “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững"; nhấn mạnh đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội.

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 có sự tham dự của 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 có sự tham dự của 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ

Nêu rõ Việt Nam là một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch nước chỉ rõ ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp nối truyền thống, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn tăng ni, phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tinh tấn tu học, hoằng dương chính pháp, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân, như qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững ở Việt Nam, giúp cho đạo và đời hòa quyện, hướng tới hạnh phúc chung.

Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng tăng ni, phật tử thế giới phụng sự đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại lễ khai mạc

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại lễ khai mạc

Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn phải đối mặt đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch nước đánh giá chủ đề của đại lễ Vesak năm nay đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc đối với hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát huy tinh thần khoan dung, hòa hợp, nhân ái và từ bi mà đức Phật đã trao truyền, để cùng nhau xây dựng thế giới "hòa bình an lạc".

Mặt khác, chủ đề Vesak 2025 cũng phản ánh khát vọng và tầm nhìn thời đại, khi liên kết các giá trị Phật giáo với các sáng kiến toàn cầu như mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Ý nghĩa của đại lễ năm nay được tổ chức tại TP.HCM càng trở nên sâu sắc, ngay sau khi Việt Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - một biểu tượng sống động của khát vọng hòa bình, hòa hiếu, của hành trình dân tộc Việt Nam vượt qua chia cắt và hận thù, để hướng tới một tương lai đoàn kết, hòa hợp, tốt đẹp và thịnh vượng.

Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà, Chủ tịch nước tin tưởng rằng đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 lần này sẽ thành công tốt đẹp; các đại biểu sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích, tham gia đóng góp tích cực đối với các nội dung theo chủ đề của đại lễ; đồng thời, có những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam; cũng như thông qua trí tuệ Phật giáo để xây dựng tương lai thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển bền vững hơn.

Cùng với nhiều hoạt động, trong đại lễ Vesak năm nay, đại biểu, đồng bào, tăng ni, phật tử được cung thỉnh, chiêm bái xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - bảo vật quốc gia Ấn Độ và là bảo vật thiêng liêng vô giá của nhân loại. Đồng thời, tăng ni, phật tử cũng có được đầy đủ nhân duyên cung rước, đảnh lễ trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, biểu tượng cho sự hy sinh cao cả vì hạnh phúc của dân tộc, vì trường tồn của Phật pháp.

Thủy Long

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-tich-nuoc-luong-cuong-du-khai-mac-dai-le-vesak-lien-hop-quoc-2025-tai-viet-nam-232294.html