Chủ tịch nước lưu ý quan hệ giữa cơ quan điều tra, VKS, TAND khi kết thúc cấp huyện

Theo Chủ tịch nước, mối quan hệ giữa cơ quan điều tra - viện kiểm sát và tòa án cũng là vấn đề cần lưu ý trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kết thúc hoạt động cấp huyện.

Chiều nay (8/5), tại thảo luận tổ cho ý kiến về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch nước Lương Cường cơ bản đồng tình với tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Thanh tra Chính phủ.

Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đóng góp hoàn thiện các dự án luật đảm bảo yêu cầu đề ra cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển mới, không để xảy ra tình trạng “vừa sửa xong lại phải sửa tiếp”.

Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, trong đó nhà nước pháp quyền phải dựa trên Hiến pháp và pháp luật, Chủ tịch nước Lương Cường chỉ rõ: “Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) phải tuân thủ theo Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật và giữa các cơ quan tư pháp”.

“Điều này rất quan trọng” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Hoàng Hà

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Hoàng Hà

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị nghiên cứu kỹ những vấn đề về tổ chức bộ máy của TAND, VKSND gồm cả thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, thẩm phán, kiểm sát viên…

Mối quan hệ giữa cơ quan điều tra - viện kiểm sát và tòa án cũng là vấn đề cần lưu ý trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kết thúc hoạt động cấp huyện.

Chủ tịch nước khẳng định mục đích của việc sửa đổi là nhằm đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

“Mục tiêu của bộ máy, gồm cả các cơ quan tư pháp, là phải gần dân, sát dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trên thực tiễn và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển” - ông lưu ý.

Theo Chủ tịch nước, một vấn đề quan trọng nữa là bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về các cơ quan tư pháp.

Trong thực tiễn, mỗi cơ quan có thể có cách nhìn hoặc quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề. Bởi vậy, làm thế nào để các cơ quan tư pháp hoạt động độc lập, chỉ tuân theo Hiến pháp nhưng vẫn đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ cũng là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.

“Mục đích cao nhất là phục vụ đất nước, Đảng và nhân dân” - Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước cho hay chủ trương tinh gọn bộ máy đã được thống nhất rất cao, nhân dân rất háo hức. Do đó, khi thể chế hóa những nội dung này - trong đó có hoàn thiện, bổ sung các nội dung của Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND và Luật Thanh tra phải đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra, đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-nuoc-quan-he-giua-co-quan-dieu-tra-vks-tand-khi-ket-thuc-cap-huyen-2399122.html