Đoàn ĐBQH Hà Nam thảo luận ở tổ về các dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 8/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND); dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đoàn ĐBQH Hà Nam thảo luận ở tổ 16 gồm các tỉnh: Hà Nam, An Giang, Lai Châu, Kon Tum.

Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.

Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.

Tham gia ý kiến thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam đồng tình nhất trí cao với nội dung dự án luật. Theo đại biểu, việc tổ chức tòa án theo mô hình tổ chức 3 cấp, thành lập tòa án khu vực thay tòa án cấp huyện; đồng thời phân định rõ nhiệm vụ quyền hạn của các cấp tòa án… nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, phù hợp với tổ chức bộ máy, nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, bảo đảm tòa án 3 cấp hoạt động bình thường, không bị gián đoạn. Đại biểu cũng nhất trí với việc thành lập tòa kinh tế ở TAND khu vực và thành lập tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ… tại TAND khu vực ở một số tỉnh, thành phố lớn. Tuy nhiên, đây đều là việc khó đòi hỏi thẩm phán phải có kiến thức chuyên môn cao. Về số lượng thẩm phán TAND tối cao hiện nay rất ít từ 13-17 người, TAND tối cao đề xuất tăng lên từ 23-27 người để có đủ nhân lực thực hiện các nhiệm vụ theo quy định là hợp lý…

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng cho rằng: Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức VKSND). Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về phạm vi của “hoạt động tư pháp”. Khái niệm “hoạt động tư pháp” mới chỉ được quy định tại khoản 5 Điều 2 Quy chế 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của VKSND tối cao về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Do đó, đề nghị bổ sung khoản 3 vào Điều 2 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, cụ thể: "Hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thủ tục phá sản, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, thi hành tạm giữ, tạm giam, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, xem xét quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và việc khác mà pháp luật quy định là hoạt động tư pháp”....

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.

Tại khoản 19, Điều 1 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 76 luật hiện hành quy định về ngạch kiểm sát viên, đề nghị tiếp tục giữ quy định hiện hành về 4 ngạch kiểm sát viên, ngoài ra sửa tên gọi của ngạch kiểm sát viên trung cấp thành kiểm sát viên chính, ngạch kiểm sát viên sơ cấp thành kiểm sát viên. Việc thay đổi này nhằm bảo đảm tương ứng với tên gọi ngạch công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước (chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên) và ngạch thẩm phán TAND. Tuy nhiên, việc thay đổi này có liên quan đến rất nhiều luật, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các luật liên quan đến hoạt động tố tụng, trong đó có các luật được xem xét, thảo luận và thông qua tại kỳ họp này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá bổ sung tác động của sự thay đổi này; đồng thời cần tiếp tục rà soát để kịp thời điều chỉnh nhằm bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp của hệ thống pháp luật hiện hành.

Đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), tại khoản 6, Điều 6 dự thảo luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị bổ sung hành vi “thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra”, vì trên thực tế có thể xảy ra hành vi này để tác động, làm thay đổi nội dung thanh tra và kết quả thanh tra. Cụ thể: "Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác chiếm đoạt, tiêu hủy, thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra”.

Khoản 2 Điều 29 dự thảo Luật quy định về xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra:“Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho VKSND cùng cấp biết”.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cần quy định rõ thời gian cụ thể để người ra quyết định thanh tra chủ động trong việc chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thay vì “chuyển ngay” như dự thảo quy định…

Mai Hương (Tổng hợp)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/doan-dbqh-ha-nam-thao-luan-o-to-ve-cac-du-an-luat-160636.html