Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Các quy định về khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không áp dụng đối với trẻ em
Theo Chủ tịch nước, trẻ em ngoài việc được ưu tiên khám trước, xét nghiệm, điều trị trước còn được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần…
Chiều 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tổ 2 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật. Theo đó, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật.
Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc sửa luật là rất cần thiết, bởi sức khỏe của người dân là vấn đề thiết yếu, quan trọng, trong khi đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu, không bắt kịp với thực tiễn và nhu cầu đời sống của người dân.
Quan tâm tới đối tượng trẻ em, Chủ tịch nước cho biết, hiện nay tỷ lệ trẻ em là tương đối lớn, trẻ em là tương lai của đất nước, cũng là đối tượng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương về sức khỏe, tuy nhiên, luật chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong khám chữa bệnh đối với trẻ em, vì vậy, cần bổ sung các nội dung liên quan đến khám chữa bệnh cho trẻ em, qua đó đồng bộ, cụ thể hóa quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em như quy định trong Luật Trẻ em năm 2016. Chủ tịch nước cũng nêu rõ, đối tượng trẻ em cần được mở rộng là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em 2016 thay vì quy định dưới 6 tuổi.
Theo Chủ tịch nước, trẻ em ngoài việc được ưu tiên khám trước, xét nghiệm, điều trị trước còn được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bị tàn tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, trẻ em bị một số bệnh hiểm nghèo cần được quan tâm đặc biệt. Các quy định về khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không áp dụng đối với trẻ em. Trẻ em được quyền tiếp cận không giới hạn các cơ sở khám chữa bệnh và dịch vụ khám chữa bệnh.
Cùng với đó, không áp dụng hạn mức trần thanh toán, các dịch vụ khám, chăm sóc điều trị, áp dụng cho trẻ em gặp các bệnh hiểm nghèo không có khả năng chi trả như ung thư, tim hoặc áp dụng mức trần cao hơn dành cho trẻ em trong lộ trình trước mắt tiến tới xóa bỏ thời hạn cần chi trả bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng kiến nghị cần thay đổi trong việc phân cấp bệnh viện, thay vì phân cấp theo hành chính, cần phân cấp theo chất lượng bệnh viện, với việc đánh giá chất lượng được thực hiện thông qua tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập. Các đại biểu bày tỏ hy vọng việc thay đổi phân cấp này sẽ tạo ra thay đổi mạnh mẽ, tăng tính cạnh tranh qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện…