Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dâng hương tưởng niệm nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng.

Sáng 11-6, kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng (11.6.1912 - 11.6.2022), đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại khu lưu niệm ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ dâng hương

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ dâng hương

Ghi trong sổ lưu niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: "Tôi rất xúc động cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thắp nén tâm hương tri ân, tưởng niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng đúng vào dịp 110 năm ngày sinh của đồng chí - người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long anh hùng, nhà lãnh đạo tài năng và có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ lưu niệm

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ lưu niệm

"Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng luôn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về lối sống giản dị, chân thành và sự tận tụy với công việc, với nhân dân. Chúng ta mãi khắc ghi công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết.

Ông Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912 tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 4-1931, ông bị địch bắt, sau đó bị giam tại xà lim án chém ở Khám Lớn - Sài Gòn, rồi bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông được đón về đất liền. Năm 1946, ông được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1952, ông được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Phân Liên khu Đông Nam Bộ.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, ông được cử làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và Trưởng Phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn. Năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương.

Năm 1957, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 4-1958, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa I, ông là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1967, ông được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Năm 1975, ông là Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1981 là Phó Chủ tịch HĐBT). Từ năm 1980-1986, ông kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6-1987), ông được bầu làm Chủ tịch HĐBT.

Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII, VIII. Ông mất ngày 10-3-1988 khi đang đi công tác tại TP HCM.

Tin-ảnh: C.Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/chu-tich-nuoc-du-le-ky-niem-110-nam-ngay-sinh-co-chu-tich-hdbt-pham-hung-20220611133753799.htm