Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Giàu lên nhờ đất, tù tội cũng do đất
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói hiện nay có ý kiến cho rằng, giàu lên cũng vì đất, nghèo cũng vì đất, tù tội cũng do đất. Do đó trong xây dựng, hoàn thiện Luật Đất đai phải 'đánh' được những tiêu cực, mặt trái này để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng phát triển đất nước, cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân một cách tốt nhất.
Ngày 22-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, đơn vị số 4 tiếp xúc cử tri quận 10 sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Cùng dự có các đồng chí: Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM.
Tổ ĐBQH TPHCM đơn vị số 4 gồm các ĐB: Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM; Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM.
Trao đổi lại với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh cao tâm huyết, trách nhiệm của cử tri quận 10 đã quan tâm đến những vấn đề của đất nước, TPHCM và các vấn đề liên quan trực tiếp tại nơi sinh sống của từng cử tri. Các ý kiến của cư tri nêu lên đều đặt lợi ích chung vì sự phát triển của đất nước và TPHCM.
Đi vào từng ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm, có liên quan của quận 10 và TPHCM tiếp thu, xác minh kiểm tra và giải quyết.
Trước vấn đề cử tri đặt ra hiện nay là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch nước cho rằng muốn công tác này đạt kết quả cao, trước hết phải đẩy mạnh phòng ngừa trước khi chống; cùng với đó hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó nâng cao hơn nữa đời sống của cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch nước cũng nhắc lại ý kiến của cử tri cho rằng lãng phí còn nghiêm trọng, thất thoát hơn tham nhũng, tiêu cực. Do vậy đi liền với công tác này, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến công tác phòng chống lãng phí cũng phải được quan tâm.
Liên quan đến kiến nghị xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nhất là Luật Đất đai, Chủ tịch nước cho rằng hiện nay có ý kiến cho rằng, giàu lên cũng vì đất, nghèo cũng vì đất mà ở tù tội cũng do đất. Do đó trong xây dựng, hoàn thiện Luật Đất đai phải “đánh” được những tiêu cực, mặt trái này để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng phát triển đất nước, cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân một cách tốt nhất.
Thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM quan tâm, giải quyết tốt hơn các vấn đề liên quan đến ngập nước, ùn tắc giao thông, môi trường, an ninh trật tự… mà cử tri phản ánh.
Cùng với đó, TPHCM tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi tăng trưởng, ổn định việc làm; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công thông qua việc nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức, các sở ban ngành, địa phương.
Theo Chủ tịch nước, TPHCM muốn phát triển được cần phải chủ động có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Trong đó, chủ động đề xuất với Trung ương có những biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt hơn nữa để ổn định thị trường tài chính, bất động sản, thị trường xăng dầu…
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công liên quan các dự án lớn trên địa bàn thành phố; quan tâm đến việc đầu tư nguồn lực, các chế độ chính sách trong lĩnh vực giáo dục, y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, bỏ việc.
Đồng thời tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh ổn định, phục hồi phát triển và giải quyết tốt việc làm cho người lao động. TPHCM tập trung hoàn thiện dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để Quốc hội sớm ban hành nghị quyết mới, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển trong tình hình mới. Chủ tịch nước tin tưởng thời gian tới, TPHCM phát triển toàn diện, bền vững hơn.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu giải đáp một số ý kiến của cử tri liên quan đến các nội dung cụ thể, thuộc thẩm quyền của TPHCM. Trong đó, liên quan đến phản ánh về tình trạng chung cư cũ xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây dựng mới, thành phố thành lập tổ công tác về việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn và kết hợp với các quận huyện giải quyết các vướng mắc nhất là về kiểm định, công tác bồi thường… để đến năm 2025, cơ bản giải quyết được các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Về chế độ chính sách với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận mức độ công sức bỏ ra của lực lượng này còn có một khoảng cách so với thù lao nhận được. UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ và hiện nay Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện thể chế về số lượng, chế độ chính sách cho cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, ấp, tổ dân phố.
Về kiến nghị của cử tri đồng bào dân tộc Chăm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, từ trước đến nay, con em bà con đồng bào dân tộc Chăm cũng như các đồng bào dân tộc thiểu số khác cùng học chung với con em dân tộc kinh. Điều đó cho thấy con em của tất cả các đồng bào dân tộc đều được bình đẳng với nhau.
Đối với những gia đình dân tộc Chăm có điều kiện khó khăn, thành phố có các chính sách như chăm lo cho người nghèo.
Đối với ý kiến cần có trường bán trú cho học sinh đồng bào dân tộc Chăm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM ghi nhận để thành phố nghiên cứu tìm giải pháp phù hợp.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Gò Vấp.