Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc: 'Tôi thấy ở các sở, bộ phận thanh tra ngồi chơi xơi nước nhiều'
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này chính là quy định thanh tra sở sẽ do ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập căn cứ vào yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biên chế được giao tại địa phương.
Điều này được đánh giá là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tinh gọn bộ máy; xác định rõ trách nhiệm, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để thực sự đạt được như mong muốn, vẫn cần cân nhắc trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Đại biểu tán thành với quy định giao ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra sở, khắc phục bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị cần giữ như quy định cũ, theo hướng thanh tra sở là cơ quan có cơ cấu cứng, độc lập, không kiêm nhiệm; đồng thời làm rõ đối với các sở nếu không thành lập tổ chức thanh tra thì nhiệm vụ thanh tra và những nhiệm vụ khác của thanh tra sở được giao cơ quan nào đảm nhiệm.
Ông LÊ THÀNH LONG, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang: “Thanh tra sở nên quy định đồng loạt. Thanh tra sở là một công cụ quản lý, nên không thể tùy tình hình địa phương chỗ thì thành lập, chỗ không thành lập. Trường hợp thấy một số sở không có nhu cầu thanh tra thì thôi, còn những sở nào thành lập phải quy định cứng vào đây, tránh trường hợp sau này khó cho chủ tịch ủy ban và cũng không thống nhất trong toàn quốc, tỉnh thì có, tỉnh thì không, khi đó thì giao cho ai. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta giảm biên chế rồi, không có công cụ quản lý nữa thì rất khó khăn, dễ dẫn tới buông lỏng quản lý.”
Ông BÙI SỸ HOÀN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương:“Cơ quan thanh tra ở các sở ngành, ngoài nhiệm vụ thanh tra còn giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt chức năng vi phạm hành chính, nếu không có thanh tra của các sở thì sẽ bất cập… Trong luật cũng không làm rõ, nếu không có thanh tra sở thì sẽ làm thế nào. Khi chúng ta thiết kế một mô hình thành lập hay không thành lập thanh tra sở thì phải có dự liệu cho việc đó, có thì sao mà không thì sao, nhưng trong dự thảo luật không thấy giải quyết vấn đề này.”
Nêu quan điểm về quy định này tại dự thảo luật, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực tế cho thấy bộ phận thanh tra cấp sở chưa phát huy được vai trò của mình, hiệu quả thấp khi rất ít vụ việc tiêu cực được thanh tra sở phát hiện. Do đó, cần tính toán lại bộ phận thanh tra sở, nên tăng cường thanh tra nhà nước ở các cấp hơn là thanh tra sở.
Chủ tịch Nước NGUYỄN XUÂN PHÚC, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Nếu lập thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tính toán, giao một số nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, có hiệu quả. Còn hiện nay, tôi thấy ở các sở, bộ phận thanh tra ngồi chơi xơi nước nhiều, ít phát hiện ra tiêu cực, phụ thuộc vào chủ trương của giám đốc sở là chính thôi.”
Cũng có những ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định “cứng” một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập thanh tra sở, số còn lại giao ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ và tổng số biên chế được giao của địa phương để vừa bảo đảm sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy thanh tra sở trong phạm vi cả nước, vừa đáp ứng được đặc thù, yêu cầu quản lý của từng địa phương vừa thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.
Thực hiện : Dương Dung Vũ Hiếu Quang Sỹ Sỹ Cường