Chủ tịch nước: Phát triển sâm Lai Châu để người dân thoát nghèo, làm giàu
Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác, Chủ tịch nước cho rằng, nước ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm Việt Nam.
Tiếp tục chương trình công tác tại Lai Châu, tối 11/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội chợ sâm Lai Châu 2022 với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”. Cùng dự có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, một số địa phương, khách mời quốc tế; một số tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học, nhà đầu tư…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng khẳng định, sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu. Tất cả các bộ phận của cây đều được dùng để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. sâm Lai Châu thuộc họ Nhân sâm, chi Panax, phân bố ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mặt nước biển, phù hợp với địa hình khí hậu phần lớn các xã vùng biên giới, vùng cao của tỉnh Lai Châu.
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, sâm Lai Châu có hàm lượng Saponin tổng số rất cao lên tới 21,34%. Đặc biệt, sâm Lai Châu có Majonosid - R2(MR2) là hoạt chất có khả năng kháng virus gây ung thư, chiếm hàm lượng cao tới 7,78%; hợp chất silphioside E là hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập từ các loài thuộc chi Panax L, đây là hợp chất chỉ có ở sâm Lai Châu, có tác dụng chống đông máu.
Qua rà soát, đánh giá Lai Châu xác định có hơn 38.000 ha có khả năng phát triển tốt sâm Lai Châu. Hiện nay, Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sin Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước biểu dương tỉnh Lai Châu tổ chức Hội chợ sâm Lai Châu quy mô, bài bản để quảng bá tiềm năng tới các nhà đầu tư và đánh giá, với 6/10 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Việt Nam, độ che phủ rừng tự nhiên gần 52%, Lai Châu có nhiều lâm sản, thực vật, cây thuốc quý hiếm có dược tính cao, trong đó có cây sâm Lai Châu. Tỉnh có cơ hội phát triển 40.000 ha loại sâm này.
Từ lâu, sâm Lai Châu đã được đồng bào các dân tộc trong tỉnh sử dụng để nâng cao sức khỏe, nay trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị rất cao, được nhân dân trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn. Đây chính là cơ hội quý cho Lai Châu phát triển ngành sâm và thực phẩm chức năng từ sâm.
Những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã kịp thời chỉ đạo nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen quý sâm Lai Châu, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và đầu tư, phát triển cây sâm, tạo cơ hội cho các hộ trồng sâm được trao đổi, chia sẻ về kỹ thuật, nguồn giống... giúp đồng bào thiểu số, biên giới của tỉnh Lai Châu và các tỉnh trong vùng trồng được sâm và các loại cây dược liệu thoát nghèo và tiến tới vươn lên làm giàu.
Với tiềm năng của sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác, Chủ tịch nước nhận định, nước ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm Việt Nam. Mục tiêu không phải là một vài tỷ đồng hay vài chục tỉ đồng, mà phải tiến tới mục tiêu tỷ USD giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường nhân sâm quốc tế với mức tăng trưởng rất cao.
Mong muốn sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quy khác xứng danh với tên gọi “Quốc bảo” của Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ vai trò của “Quốc bảo” trong quốc kế dân sinh. Cụ thể, cần sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản, không để cho từng địa phương như Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam hay một số địa phương khác hoạt động manh mún hoặc “tự bơi” trong triển khai chiến lược mà cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện hơn từ Chính phủ và các Bộ ngành, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông trong việc bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm.
Việt Nam là quốc gia đi sau nhiều nước trong chiến lược thương mại hóa cây sâm và sản phẩm từ sâm, nên cần chú trọng phát triển một cách bền vững, bài bản, đảm bảo chất lượng, quy mô, xây dựng và bảo vệ thương hiệu để không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Theo Chủ tịch nước, điều cần thiết trước hết là bảo vệ nguồn gen thuần chủng cây sâm Lai Châu; Khẩn trương hoàn thiện quy định về cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Cùng với đó là kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh; qua đó giúp người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc có thu nhập tốt hơn, xóa đói giảm nghèo nhanh hơn.
Trong quá trình triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Lai Châu tạo thuận lợi để người dân trồng, phát triển cây dược liệu, trong đó có cây sâm Lai Châu gắn với chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu để người dân ở vùng cao, vùng biên giới của Lai Châu "sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng. Điều này theo Chủ tịch nước rất phù hợp với phương châm của Hội chợ “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”.
Tại buổi lễ, để thúc đẩy mở rộng vùng trồng và vận động người dân tích cực tham gia trồng sâm Lai Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cây giống sâm Lai Châu cho các hộ gia đình tích cực trồng sâm của Lai Châu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trao Bằng Bảo hộ giống cây trồng đối với cây sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao Quyết định chấp nhận hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho tỉnh Lai Châu./.