Chủ tịch Quốc hội: 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện tinh gọn bộ máy

Chiều 25-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hoàn thiện thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược, thể chế là "đột phá của đột phá", là nguồn lực, động lực phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế, xã hội). Trong đó, nhiều luật, nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như: Đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các luật, nghị quyết được thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Ngay sau kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.

Do đó, theo người đứng đầu Chính phủ, hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để đánh giá kết quả xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 8, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 có những luật mới, khó, có nội dung phức tạp nhưng đã được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong một kỳ họp mà thông thường phải theo quy trình hai kỳ họp như Luật Đầu tư công, Luật Điện lực (sửa đổi)...

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết.

"Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2-2025. Đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9"- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trước hàng loạt nhiệm vụ phải triển khai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan cần quan tâm tới một số vấn đề lớn. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Chủ tịch Quốc hội cho biết theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.642 văn bản cấp bộ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

UBTVQH đã có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan đề nghị khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể để UBTVQH xem xét, bổ sung vào Chương trình.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay sau Hội nghị Trung ương, kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường cuối tháng 2-2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.

Đối với việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8, do số lượng nội dung, văn bản quy định chi tiết cần được ban hành khá nhiều, đề nghị từng Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần bám sát yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tập trung chỉ đạo để xây dựng, ban hành văn bản đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-tich-quoc-hoi-4922-van-ban-chiu-su-tac-dong-cua-viec-sap-xep-to-chuc-bo-may-19624122517084082.htm