Chủ tịch Quốc hội: Cần khuyến khích cải tiến công nghệ, giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình công nghệ, chuyển đổi sang các hóa chất ít nguy hại hơn.

Luật Hóa chất (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8

Ngày 12/9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp - Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp - Ảnh: QH

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi).

Thời gian gửi hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Tuy nhiên, về phát triển công nghiệp hóa chất (Chương II), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ có 06 Điều quy định về phát triển công nghiệp hóa chất là chưa đầy đủ, đề nghị nghiên cứu, bổ sung phù hợp một số nội dung quy định như đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thị trường, nguyên liệu, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ... trong công nghiệp hóa chất.

Về dự án hóa chất (Điều 11), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, quy định tại khoản 3 và điểm b khoản 4 là nội dung mới so với Luật Hóa chất hiện hành, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ các nội dung này để bảo đảm tính khả thi; nghiên cứu, cân nhắc việc quy định theo hướng khuyến khích áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong điều khoản về chính sách của nhà nước đối với công nghiệp hóa chất, quy định rõ trách nhiệm thẩm định về nguyên tắc hóa học xanh.

Về ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm (Điều 12), đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đối chiếu quy định tại Điều này với quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về vận chuyển hóa chất (Điều 19), tồn trữ hóa chất (Điều 20), có ý kiến cho rằng việc quản lý hóa chất theo vòng đời chưa thực sự được quy định rõ trong dự thảo Luật; cần nghiên cứu, đánh giá việc phân loại hóa chất để có hướng tiếp cận mới về quản lý cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình tại phiên họp - Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình tại phiên họp - Ảnh: QH

Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất; cấp giấy phép vận chuyển hóa chất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người; rà soát, chỉnh lý quy định tại Điều 19 để bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, đề nghị rà soát, làm rõ các trường hợp cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất tại Điều 20, bảo đảm tính đồng bộ giữa dự thảo Luật và Luật Đầu tư.

Góp ý về dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao Bộ Công Thương đã chuẩn bị dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) tương đối kỹ lưỡng, công phu và đã có các dự thảo nghị định kèm theo quy định chi tiết theo hướng dự thảo của Luật, đồng thời, có những thuyết minh so sánh giữa luật hiện hành và luật sửa đổi.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Góp ý thêm về dự án luật, ông Bùi Văn Cường đồng tình đối với quan điểm thiết kế lại Điều 3 thể hiện thứ tự ưu tiên khi áp dụng luật liên quan đến hoạt động hóa chất nhưng cần xem xét, rà soát với các luật khác như: Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đang trình Quốc hội thông qua; Luật An toàn thực phẩm; Luật Bảo vệ Môi trường… để bổ sung song phải rõ nguyên tắc ưu tiên trong áp dụng luật. Trường hợp không thể ưu tiên áp dụng luật, cần nghiên cứu các điều khoản ở điều 3 này và các điều khoản cụ thể khác tại Luật để thống nhất.

Dẫn ví dụ khoản 2, điều 3 dự thảo nêu, đối tượng áp dụng ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án hóa chất thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm thực hiện theo quy định của Luật này. Trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Ông Cường cho rằng, đây là quy định dẫn chiếu, chứ không phải thự tự ưu tiên mà ở trong điều 3, chúng ta đang thiết kế là ưu tiên.

Về điều 7 Luật quy định các hành vi bị cấm gồm: Không công bố thông tin cần thiết, cung cấp thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch, che giấu thông tin về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Ảnh: QH

Theo ông Cường, quy định này là cần thiết vì hóa chất độc hại nếu gặp sự cố bị phát tán, ảnh hưởng ra môi trường rất nghiêm trọng. Do đó, nếu như không cung cấp thông tin là điều không được, nhất là trong vận tải. Thực tế, trong vận tải cũng đã quy định rất chặt chẽ liên quan đến các hàng hóa thuộc hóa chất, phải có các tàu chuyên dụng để vận chuyển.

Tuy nhiên, ông Cường đề nghị hành vi cấm không chỉ là “không công bố”, mà phải là “không công bố kịp thời”, và sau đó, phải cụ thể yếu tố “kịp thời” này như trước bao nhiêu tiếng, bao nhiêu ngày... với từng hàng hóa hóa chất.

Tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hóa chất

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo Luật cần phải tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước đã nêu tại Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị; Kết luận số 81 ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường… Đây là các kết luận quan trọng với yêu cầu phải đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Nhận định Ban soạn thảo đã chuẩn bị dự án Luật rất công phu nhiều tháng nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ, ngành, đồng thời, có các hội thảo, làm việc với các địa phương để hoàn thiện dự thảo luật.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong điều khoản giải thích từ ngữ cần rà soát, nghiên cứu, bổ sung thêm, nhất là các cụm từ đưa ra trong chiến lược, nghị quyết của Đảng khi đưa vào luật hóa phải dễ hiểu.

Đối với vấn đề quản lý sử dụng hóa chất, cần khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình công nghệ, chuyển đổi sang các hóa chất ít nguy hại hơn hoặc giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại… Trong vấn đề này, chúng ta cần tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nhập khẩu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Ảnh: QH

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Ảnh: QH

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hóa chất ngày càng được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, sản xuất và sinh hoạt, đồng thời, cũng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với sức khỏe và môi trường cả trong ngắn hạn và dài hạn. Vì thế, không chỉ ở Việt Nam, các nước đều cho rằng, việc kiểm soát rủi ro hóa chất vẫn là 1 ẩn số và cũng là một thách thức rất lớn.

Bởi vậy, khi thực hiện nhiệm vụ chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật Hóa chất, Bộ Công Thương rất chú trọng việc tổng kết thực hiện sau gần 16 năm thực hiện Luật Hóa chất hiện hành, chú trọng tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các đối tượng bị tác động, đòi hỏi của thực tiễn và đặc biệt gắn với kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hóa chất, vì thế không tránh khỏi mâu thuẫn, chồng chéo như các đại biểu đã nêu.

Thứ hai, Luật Hóa chất (sửa đổi) được tiến hành trong thời điểm giao thoa giữa các quan điểm xây dựng Luật như tránh luật khung, luật ống, đảm bảo tính linh hoạt trong xử lý, hay phải chi tiết, cụ thể, rõ ràng… cho nên có thể chưa phù hợp với yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội ở thời điểm này.

Theo đó, Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì sẽ tiếp thu ý kiến và cố gắng thể hiện đạt được ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo. “Các góp ý cụ thể của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, đặc biệt ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội theo chúng tôi rất xác đáng… Ban soạn thảo sẽ tiếp thu một cách đầy đủ và cố gắng thể hiện trong dự thảo Luật tiếp theo” - Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị, sau cuộc họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo điều kiện để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu pháp luật và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp thu chỉnh lý, trình Quốc hội bảo đảm đúng tiến độ và đạt được yêu cầu chất lượng.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chu-tich-quoc-hoi-can-khuyen-khich-cai-tien-cong-nghe-giam-thieu-su-dung-hoa-chat-nguy-hai-345364.html